Đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để “chấm điểm” lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện.
Chiều 7.12, HĐND Thành phố đã thảo luận và thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của thành phố Hà Nội.
Dự thảo nghị quyết thống nhất với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỷ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...
Báo cáo thẩm tra chung của các ban HĐND thành phố đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, thành phố vẫn tiếp tục giữ đà tăng trưởng dương của kinh tế trong suốt 4 quý của năm so với cùng kỳ năm trước và mức tăng trưởng GRDP cả năm cao gấp 1,5 lần của cả nước.
Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vẫn vượt dự toán, huy động vốn đầu tư xã hội tiếp tục duy trì tốc độ tăng. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được chú trọng và triển khai quyết liệt, trọng tâm hướng tới phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh duy trì vị trí 9/63 tỉnh, thành phố. Xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực…
Tuy nhiên, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công chậm cả ở cấp thành phố và cấp quận, huyện.
Mặc dù được tập trung đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ trong những tháng cuối năm, nhưng đến nay kết quả giải ngân chưa cao (tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản qua Kho bạc nhà nước Thành phố đến thời điểm 30.11.2020 mới đạt 53,2% kế hoạch năm, trong đó, giải ngân kế hoạch thuộc ngân sách cấp Thành phố đạt 46,3% và thuộc ngân sách cấp huyện đạt 57,9%).
Công tác thống kê, theo dõi, quản lý dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất còn hạn chế; nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai đã được rà soát, đề xuất xử lý nhưng trên thực tế chưa có chuyển biến rõ rệt, có nơi vẫn còn tình trạng sử đụng đất sai mục đích, tình trạng chưa đưa đất vào sử dụng kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân...
Các ban của HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố làm rõ hơn cơ sở tính toán để đặt chỉ tiêu tăng trưởng GRDP là 7,5% trong năm 2021; dự báo xu hướng diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 để từ đó có các biện pháp chủ động sẵn sàng ứng phó phù hợp cũng như chuẩn bị cho quá trình phục hồi của từng ngành, lĩnh vực.
Cùng với đó, nghiên cứu, chủ động có phương án tận dụng tốt làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp quốc tế đến Thủ đô; khẩn trương xây dựng phương án điều chỉnh phân cấp quản lý kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới...
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tây Hồ) đề nghị UBND Thành phố tìm ra nguyên nhân chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất là việc điều chỉnh danh mục các dự án đầu tư công. Bên cạnh đó, còn nhiều dự án đã nằm trong danh mục nhưng chưa được triển khai hoặc triển khai chậm.
Đại biểu Thắng cũng cho rằng UBND Thành phố cần tiếp tục sâu sát với các quận, huyện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời tiếp tục rà soát, điều chỉnh việc phân cấp cho quận, huyện, nhất là việc mua sắm tập trung để xem xét và tháo gỡ những vấn đề bất cập trong nhiệm kỳ tới.
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) kiến nghị thành phố cần tiếp tục sâu sát với cộng đồng doanh nghiệp để có giải pháp hỗ trợ kịp thời và tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong chính sách tiếp cận.
Đánh giá cao việc Hà Nội chọn cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể để “chấm điểm” lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện; thành lập cơ quan giám sát việc cắt giảm các rào cản đối với sản xuất kinh doanh; có các công ty tư vấn, cộng đồng doanh nghiệm tham vấn, thẩm định đối với việc ban hành chính sách mới...
Đại biểu Phạm Hải Hoa (Phú Xuyên) cho rằng thành phố cần kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa Luật Đất đai để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn; bên cạnh đó có chính sách, “đòn bẩy” để phát triển khởi nghiệp trong nông nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia sản xuất nông nghiệp.