Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết sau 5 tháng triển khai kế hoạch giải ngân vốn (tính đến hết ngày 31.5.2019), chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân vốn khá, còn lại là thấp, dưới mức bình quân chung của thành phố. Đặc biệt, có 36/55 dự án trọng điểm đang chậm tiến độ giải ngân vốn.
Thông tin này được đưa ra ngày 27.6 tại hội nghị giao ban trực tuyến quý 2.2019 của Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội với lãnh đạo quận, huyện, thị xã trên toàn địa bàn thành phố.
Cụ thể, đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố có UBND quận Hà Đông và UBND 3 huyện gồm Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Oai có kế hoạch giải ngân khá. Về giải ngân vốn đầu tư cấp huyện, nếu đánh giá trên số vốn kế hoạch cấp huyện giao thêm chỉ có bốn huyện gồm Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Sóc Sơn đều có kết quả giải ngân khá.
Tuy nhiên, tính đến hết ngày 31.5.2019 còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân gồm các quận, huyện như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... và cả 6 Ban Quản lý dự án của thành phố đều có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung.
Về tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, hiện trong số 29 dự án ngân sách và ODA với tổng mức đầu tư hơn 154.000 tỉ đồng, đã hoàn thành 5 dự án và 1 hạng mục dự án, 4 dự án khởi công mới trong năm 2019, hai dự án dự kiến chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp đồng xây dựng và chuyển giao (BT) sang ngân sách.
Đối với 24 dự án đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư khoảng hơn 337.000 tỉ đồng, đến thời điểm này có 3 dự án đang triển khai, 21 dự án còn lại tạm dừng theo ý kiến của Bộ Tài chính để chờ Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.
Đối với 2 dự án xã hội hóa, dự án Bệnh viện Tim Hà Nội đã có văn bản đề nghị chuyển đổi sang đầu tư bằng vốn ngân sách và vốn vay tín dụng, dự án Hạ tầng khu công viên phần mềm đang bổ sung làm rõ thêm các nội dung để báo cáo Thành ủy chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, chủ trương đầu tư dự án. Như vậy, trong tổng số 55 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2016-2020, đến nay có 19 dự án đáp ứng tiến độ ban đầu, 36 dự án chậm tiến độ.
Qua phân tích thực trạng tình hình giải ngân cho thấy, nút thắt làm cho tỷ lệ giải ngân thấp tập trung vào các dự án trọng điểm được giao vốn lớn nhưng chưa kịp khởi công, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc, số lượng các dự án khởi công mới chưa đạt theo kế hoạch giao.
Một số dự án đã có khối lượng thực hiện nhưng chưa được giải ngân do các chủ đầu tư đang hoàn tất nghiệm thu theo quy định. Ngoài ra, những dự án chuyển tiếp vẫn còn vướng nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng, sự đồng thuận của người dân nên kết quả giải ngân chậm.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội, năm 2019, TP.đã giao đã giao vốn khởi công mới cho 126 dự án, đã phê duyệt kế hoạch đấu thầu 117 dự án, tuy vậy đến nay mới khởi công 28 dự án.
Nguyên nhân là mất nhiều thời gian thực hiện việc lập, thậm định và phê duyệt thiết kế, dự toán. Đối với các công trình dân dụng còn phải lập và duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, dẫn đến mở thầu và khởi công nhiều dự án chậm so tiến độ yêu cầu.
Một số dự án triển khai thủ tục đầu tư chậm, chưa phê duyệt được thiết kế, dự toán điển hình như xây dựng cầu vượt nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt-Nguyễn Văn Huyên và hoàn thiện đường Nguyễn Văn Huyên; đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai); mở rộng đường Phan Kế Bính...
Một số dự án vướng về địa điểm, quy hoạch gồm việc nạo vét bùn Hồ Tây; xây dựng trụ sở làm việc một số công an phường trên địa bàn thành phố.
Đáng chú ý, các dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu-Voi Phục giai đoạn một; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 419 trên địa bàn huyện Chương Mỹ;... còn gặp khó rất nhiều khó khăn, phức tạp trong giải phóng mặt bằng do việc xác định nguồn gốc đất, nhiều hộ gia đình không hợp tác tốt trong việc đo đếm và không đồng thuận với mức giá đền bù theo chính sách hiện hành, bố trí nhà tái định cư có khó khăn... Đây là một trong các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến giải ngân chậm.
Theo Vietnam+