Ông Phan Văn Mãi phát biểu: "Giống như Hà Nội có Luật thủ đô thì với TP.HCM nên chăng có luật đô thị đặc biệt hay có khung pháp lý cho đô thị đặc biệt để chúng ta có chiếc áo vừa vặn, phù hợp"
Sáng 18.2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2021 và triển khai công tác CCHC năm 2022 với chủ đề "Thích ứng an toàn, kinh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp".
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá năm 2021 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị và nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.
Năm 2021, với tác động của dịch COVID-19, TP đã gặp nhiều khó khăn, thử thách. Mặc dù vậy, công tác CCHC đã được triển khai đồng bộ quyết liệt, có giải pháp kịp thời chuyển đổi theo mô hình chính quyền đô thị trong điều kiện phòng chống dịch.
Ông Phan Văn Mãi cũng cho biết năm nay TP sẽ kiến nghị Chính phủ có nghị định thay thế nghị định số 93 về phân cấp quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực cho TP.HCM. Đồng thời, Chủ tịch TP.HCM cũng cho biết thành phố sẽ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố. Từ đó, ông Mãi đề nghị các ngành, các cấp có suy nghĩ, tham mưu để TP có đề xuất khi tổng kết nghị quyết 54 để TP có cơ chế đặc thù phù hợp để phát triển.
Ông Phan Văn Mãi phát biểu: "Giống như Hà Nội có Luật thủ đô thì với TP.HCM nên chăng có luật đô thị đặc biệt hay có khung pháp lý cho đô thị đặc biệt để chúng ta có chiếc áo vừa vặn, phù hợp", đồng thời cho biết đội ngũ chuyên gia cũng cho rằng TP không chỉ cần cơ chế đặc thù, mà phải đột phá và vượt trội.
Đề cập đến mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP HCM cho hay đến tháng 7.2022, thành phố sẽ sơ kết một năm thực hiện mô hình này.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu triển khai đồng bộ các kế hoạch thực hiện kiến trúc chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số, cơ sở dữ liệu dùng chung, đảm bảo tính đồng bộ, liên thông dữ liệu giữa các ngành, các lĩnh vực, các cấp theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và phục vụ người dân, doanh nghiệp.