Sở Y tế Hà Nội đánh giá nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây và có thể còn các ca bệnh ở cộng đồng chưa được phát hiện.

Hà Nội có thể còn các ca COVID-19 ở cộng đồng chưa được phát hiện

Lam Thanh | 04/08/2021, 14:25

Sở Y tế Hà Nội đánh giá nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây và có thể còn các ca bệnh ở cộng đồng chưa được phát hiện.

Có thể còn các ca bệnh ngoài cộng đồng

Ngày 4.8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc làm việc với Sở Chỉ huy phòng chống dịch TP.Hà Nội.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 tới nay Hà Nội có 1.429 ca bệnh, trong đó có 864 ca cộng đồng, 565 ca đã được cách ly từ trước.

Sở Y tế Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường vì đã xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.

“Có thể có các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Đặc biệt, là có nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với nhiều ca mắc, nguy cơ lây nhiễm trong chuỗi cung ứng”, Sở Y tế Hà Nội nhận định.

Ngoài ra, Sở cho biết đến nay, tổng số vắc xin Hà Nội đã được phân bổ là 959.820 liều. Ở đợt tiêm 6, 7, thành phố tiếp nhận 626.320 liều, kết quả đã tiêm được 660.149 liều. Cộng dồn các đợt tiêm đến nay đã tiêm 871.555 mũi cho 812.100 người.

Sở Y tế cho hay Hà Nội đang tận dụng tối đa các ngày giãn cách xã hội để thần tốc truy vết, bóc tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tổ chức tiêm vắc xin COVID-19, đặc biệt lực lượng tuyến đầu, công nhân các khu công nghiệp… Sau đó tiến tới tiêm chủng cho toàn dân khi lượng vắc xin được phân bổ nhiều, bảo đảm công khai minh bạch, đúng đối tượng tiêm.

ha-noi-2.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Sở chỉ huy phòng chống dịch Hà Nội - Ảnh: VGP

Theo đại diện quận Hai Bà Trưng, quận là một trong các địa phương có nhiều ca mắc COVID-19 trên địa bàn. Qua đánh giá nguy cơ tại 18 phường, quận thực hiện dẹp chợ cóc chợ tạm, còn đối với các điểm bán nhỏ lẻ cũng kiên quyết đóng cửa; tổ chức lại việc cung ứng hàng hóa, sắp xếp lại hoạt động của các chợ, chỉ buôn bán các mặt hàng thiết yếu và tăng cường điểm bán hàng lưu động trên địa bàn.

Đặc biệt, quận còn lập chốt tại các sảnh tòa nhà chung cư, nhà gửi xe… để hạn chế tối đa người đi lại, nhất là khi có ca bệnh xâm nhập, để dễ cho việc truy vết. Đến nay, chùm ca bệnh tại phố Bùi Thị Xuân, Trại Găng hay mới đây nhất là Công ty cung ứng thực phẩm Thanh Nga... đã được kiểm soát.

Quán triệt phương châm “rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả”

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Hà Nội luôn là địa bàn có nguy cơ dịch xâm nhập rất cao. Theo đó, phải kiên trì, thực hiện nghiêm phương châm “ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực” vẫn phải kiên trì, thực hiện nghiêm.

Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, phải quán triệt tinh thần “rõ - nghiêm - chắc - hiệu quả”, nỗ lực, cố gắng kiểm soát dịch, khẩn trương hình thành những vùng an toàn vững chắc.

Phó thủ tướng cho rằng TP.Hà Nội cần đặt rõ mục tiêu, công việc từng ngày của chính quyền, nhiệm vụ của người dân trong việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải làm mạnh, triệt để hơn, có cơ chế tiếp thu, phản hồi phản ánh của người dân; làm đến đâu chắc đến đó, xử lý dứt điểm, nhằm mục tiêu thiết lập các vùng an toàn (vùng xanh), từng bước đưa các vùng nguy cơ cao, rất cao xuống mức thấp hơn và dần an toàn trở lại.

“Từng khu, từng cụm chúng ta phát động người dân giữ vùng xanh. Đây là một trong những chìa khóa để kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn thành phố”, Phó thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh các biện pháp chống dịch phải đặt hiệu quả trên hết.

Theo Phó thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, về nguyên lý, những hướng dẫn của Bộ Y tế là đúng. Tuy nhiên, với từng địa phương, địa bàn, cần căn cứ vào thực tiễn bên dưới, mạnh dạn vừa làm vừa điều chỉnh, đồng thời tổng hợp báo cáo cấp trên để kịp thời tháo gỡ.

Không để dịch diễn biến như ở TP.HCM

Phó thủ tướng đề nghị Hà Nội rà soát năng lực, công tác tổ chức xét nghiệm. Thực tiễn cho thấy nhiều nơi cải tiến quy trình, không cần có thêm máy, công suất xét nghiệm vẫn tăng lên.

Từ thực tế việc liên thông kết quả giữa các đơn vị làm xét nghiệm tại Hà Nội vẫn chưa thông suốt, Phó thủ tướng yêu cầu trong vòng 48 giờ nữa, Hà Nội phải thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm; huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia xét nghiệm.

“Hà Nội phải xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn hàng ngang để tránh lãng phí và nguy hiểm. Phát huy sự sáng tạo của các lực lượng bên dưới, nơi có nguy cơ cao thì "quét" bằng xét nghiệm nhanh, 3 ngày/lần hoặc dùng mẫu gộp, lấy mẫu đại diện gia đình để tăng tốc thành 1 ngày/lần. Nhưng điểm cốt yếu nhất vẫn phải thực hiện nghiêm giãn cách trong các khu phong tỏa, cách ly”, Phó thủ tướng nêu rõ.

vu-duc-da-.jpg
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác tiêm chủng tại Hà Nội - Ảnh: VGP

Phó thủ tướng lưu ý triển khai ngay việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh để lực lượng y tế dồn nhân lực chi viện cho các khu phong tỏa, cách ly, điều trị, tiếp nhận F0.

Trong công tác điều trị, phân tầng điều trị, Phó thủ tướng yêu cầu Hà Nội phải thiết lập hệ thống oxy tại các cơ sở tiếp nhận điều trị bệnh nhân có triệu chứng để giảm tối đa chuyển bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng; có phương án chuẩn bị bệnh viện đa khoa (có khoa hồi sức cấp cứu tốt) chuyên điều trị bệnh nhân mắc COVID-19...

Đối với việc đảm bảo phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian thực hiện giãn cách, Phó thủ tướng cho biết về nguyên tắc, trong thời gian ngắn phải làm rất nghiêm nhưng khi kéo dài phải điều chỉnh, mở rộng khái niệm hàng hóa thiết yếu trên cơ sở tổ chức được lực lượng vận chuyển hàng, giao hàng đến từng hộ gia đình mà vẫn an toàn.

Phó thủ tướng lưu ý Hà Nội không chờ hướng dẫn từ Bộ Y tế mà chủ động phân luồng xanh, luồng vàng đối tượng tiêm vắc xin; điều chỉnh kịp thời phần mềm quản lý thông tin tiêm chủng chính xác, đầy đủ… để khi vắc xin về nhiều có thể tăng nhanh số lượng người được tiêm.

“Chúng ta phấn đấu không để tình hình dịch bệnh diễn biến như ở TP.HCM và một số tỉnh, nhưng cũng phải chuẩn bị đối phó với tình huống xấu hơn để không bị động, bất ngờ, lúng túng”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Bài liên quan
Bí thư Hà Nội: Tăng thêm hỗ trợ cho lực lượng chống dịch
Hà Nội đã tăng 70% mức hỗ trợ, bồi dưỡng cho lực lượng tham gia phòng chống dịch COVID-19, Bí thư Hà Nội cho rằng cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh quản lý nhà nước về thương mại điện tử
một giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 119/CĐ-TTg ngày 25.11.2024 yêu cầu một số bộ liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội có thể còn các ca COVID-19 ở cộng đồng chưa được phát hiện