Việc Hà Nội công bố - “Hà Nội mạnh, đất nước mới mạnh” - đang được xem như một lời khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của Hà Nội trong chiến lược cải cách nền kinh tế quốc gia. Hà Nội đã lên tiếng, vậy đến khi nào TP.HCM mới trả lời?

Hà Nội đã lên tiếng, TP.HCM khi nào trả lời?

Nhàn Đàm | 07/06/2016, 10:15

Việc Hà Nội công bố - “Hà Nội mạnh, đất nước mới mạnh” - đang được xem như một lời khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của Hà Nội trong chiến lược cải cách nền kinh tế quốc gia. Hà Nội đã lên tiếng, vậy đến khi nào TP.HCM mới trả lời?

Nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang ở trong những ngày khá phấn khích, khi liên tục các cam kết về cải cách nền kinh tế và hỗ trợ thúc đẩy DN trong nước phát triển đã được chính phủ cùng các thành phố trung tâm kinh tế lớn của cả nước liên tục công bố. Sau đề án “Quốc gia khởi nghiệp” cùng nghị quyết 19/2016 và nghị quyết 35 của chính phủ, thì đến lượt quả bom tấn mang tên Hà Nội ra mắt với bản đề án khủng công bố kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020; trong đó chưa khi nào những cam kết cải cách, những mục tiêu và những lộ trình thực hiện để thúc đẩy kinh tế và hỗ trợ các DN lại lớn và rõ ràng đến thế. Câu nói được xem như Slogan tiêu biểu của đề án phát triển vừa được Hà Nội công bố - “Hà Nội mạnh, đất nước mới mạnh” - đang được xem như một lời khẳng định về vai trò và tầm quan trọng của Hà Nội trong chiến lược cải cách nền kinh tế quốc gia. Hà Nội đã lên tiếng, vậy đến khi nào TP.HCM mới trả lời?

Bản đề án kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020 vừa được chính quyền TP.Hà Nội công bố thực sự là một tin tức rất đáng chú ý, khi nó là dấu hiệu cho thấy chính phủ nhận thức được tầm quan trọng của các thành phố trung tâm kinh tế lớn trong chiến lược cải cách nền kinh tế quốc gia. Vì suy cho cùng, các cải cách mang tính vĩ mô của chính phủ luôn có một nhược điểm là tính dàn trải, trong khi hầu hết các bộ phận chủ chốt trong nền kinh tế chẳng hạn như các DN thì lại chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn đóng vai trò như những trung tâm kinh tế. Vì thế, chiến lược cải cách nền kinh tế của chính phủ chỉ phát huy hiệu quả lớn nhất khi nó được diễn ra song song với quá trình cải cách và thúc đẩy tăng trưởng ở các thành phố lớn trên cả nước.

Hà Nội là một ví dụ điển hình, khi đây vừa là thủ đô lại vừa là một trong hai trung tâm kinh tế hàng đầu trên cả nước, rõ ràng việc Hà Nội phát triển mạnh sẽ trở thành một đòn bẩy rất hữu hiệu cho quá trình cải cách kinh tế đất nước. Đó là lý do vì sao đề án phát triển giai đoạn 2016-2020 của chính quyền thành phố Hà Nội lại đặt ra mục tiêu khá cao là tăng thêm 200.000 DN mới từ nay đến năm 2020, trong khi đề án “Quốc gia khởi nghiệp” mà chính phủ công bố cũng chỉ đặt mục tiêu là cả nước sẽ có thêm 500.000 DN đến năm 2020; nghĩa là chỉ riêng Hà Nội sẽ chiếm gần một nửa mục tiêu mà đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đặt ra. Đó có thể là một mục tiêu hơi quá lớn, nhưng nó cũng cho thấy tiềm năng thực sự của một trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và lý do vì sao lãnh đạo Hà Nội tự tin với mục tiêu của mình.

Nhưng, nhắc đến Hà Nội, chúng ta lại không thể không nhắc đến câu chuyện của TP.HCM. Việc Hà Nội công bố đề án phát triển giai đoạn 2016-2020 đầy tham vọng cách đây vài ngày thực sự gây sốc cho nhiều người, khi mà TP.HCM mới là tỉnh thành đi đầu trong việc cải tổ nền kinh tế ở địa phương và đặt ra những mục tiêu phát triển đầy thách thức. Nhưng khi mà Hà Nội đã chính thức công bố đề án phát triển có thể gọi là bom tấn của mình, thì TP.HCM hiện vẫn đang dậm chân tại chỗ với những cuộc tranh luận bất tận về việc có nên cấp một cơ chế riêng và đặc thù cho đầu tàu kinh tế của cả nước này hay không. Vướng mắc ở việc có nên cấp cơ chế đặc thù cho TP.HCM hay không đang là lý do khiến hòn ngọc Viễn Đông này tụt lại phía sau Hà Nội trong cuộc đua phát triển, vì bản thân Hà Nội đã sở hữu một cơ chế đặc thù từ lâu, trong khi TP.HCM thì không.

Sẽ dễ dàng hiểu được lý do vì sao chính quyền TP.HCM luôn yêu cầu một cơ chế đặc thù đóng vai trò bàn đạp cho quá trình phát triển của thành phố trong tương lai, khi chúng ta so sánh với trường hợp của Hà Nội – tỉnh thành vừa mới công bố đề án phát triển khủng của mình. So với TP.HCM thì Hà Nội đang có được một cơ chế đặc thù với khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, điển hình là về tài chính. So với TP.HCM thì tỷ lệ nguồn vốn ngân sách mà Hà Nội được giữ lại để chi tiêu đang cao hơn khoảng gấp đôi so với thành phố ở phía Nam. Cụ thể là, tỷ lệ điều tiết phần ngân sách nhà nước mà địa phương được giữ lại để chi dùng của Hà Nội những năm gần đây luôn có xu hướng tăng: từ mức 31% năm 2008 lên mức 45% năm 2010, và đến năm 2014 là 42%. Trong khi đó, tỷ lệ này của TP.HCM lại đang có xu hướng giảm: từ mức 26% năm 2008 xuống còn 23% năm 2014 – chỉ hơn một nửa so với tỷ lệ của Hà Nội.

Dự toán năm 2014 cũng cho thấy tổng chi cân đối ngân sách địa phương của Hà Nội lên đến 45.742 tỷ đồng, trong khi của TP.HCM lại thấp hơn khá nhiều và chỉ đạt mức 37.758 tỷ đồng. Điều đáng nói ở đây là so với Hà Nội thì mức đóng góp cho GDP và ngân sách nhà nước của TP.HCM lại lớn hơn khá nhiều, chỉ riêng TP.HCM đã đóng góp khoảng 20% GDP và 30% thu ngân sách quốc gia. Chính việc được giữ lại quá ít nguồn vốn để chi tiêu cho phát triển, nên đến thời điểm hiện tại TP.HCM vẫn chưa thể đưa ra được một đề án phát triển tổng thể của mình trong tương lai như Hà Nội vừa làm, khi mà nhu cầu chi tiêu cho các dự án phát triển của TP.HCM trên thực tế được đánh giá là lớn hơn nhiều lần so với Hà Nội vốn đã được liên tục đầu tư phát triển về hạ tầng và các công trình trọng yếu trong nhiều năm trở lại đây. Đó là lý do vì sao lãnh đạo TP.HCM vẫn đang kiên trì yêu cầu một cơ chế đặc thù cho riêng mình nếu như muốn đầu tàu kinh tế của đất nước này phát triển hết tiềm năng vốn có.

Rõ ràng là không thể yêu cầu một thành phố tăng tốc phát triển kinh tế nếu như vẫn giữ chặt hầu bao không tăng thêm nguồn vốn đầu tư phát triển cho thành phố đó. Hà Nội có thể đưa ra công thức 20/80 trong đó nhà nước chỉ sử dụng 20% vốn cho đầu tư phát triển còn lại 80% là từ thu hút từ khu vực kinh tế tư nhân, vì các nhu cầu xây dựng cơ bản và hạ tầng cho phát triển kinh tế của Hà Nội đã tương đối hoàn thiện và đầy đủ; còn TP.HCM thì hiện tại là chưa.

Ngoài ra, câu chuyện của TP.HCM không chỉ đơn thuần là yêu cầu một cơ chế đặc thù cho tăng trưởng, mà nó còn là vấn đề về điều chỉnh phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế Việt Nam. Xét về khía cạnh phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, thì quá trình cải cách kinh tế mà Việt Nam đang theo đuổi không chỉ có ý nghĩa là điều chỉnh lại phân bổ nguồn lực từ chỗ tập trung phần lớn cho khu vực kinh tế quốc doanh sang khu vực kinh tế tư nhân, mà nó còn mang ý nghĩa phân bổ nguồn lực tập trung chủ yếu cho các tỉnh thành đóng vai trò trung tâm phát triển kinh tế như TP.HCM hay Hà Nội thay vì cào bằng một cách thiếu hiệu quả như trước. Hiểu đơn giản, thì cải cách nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay là dồn nguồn vốn vào những nơi dễ sinh lời nhất và sinh lời lớn nhất, trên bình diện chiều dọc thì đó là khu vực kinh tế tư nhân, còn trên bình diện chiều ngang thì đó là các thành phố trung tâm kinh tế lớn nhất như TP.HCM hay Hà Nội. Theo ý nghĩa đó, từ chối trao một cơ chế đặc thù giúp TP.HCM phát triển cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại chủ trương của kế hoạch cải cách nền kinh tế đất nước của Nhà nước và chính phủ.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ The Saigon Times, Cafebiz)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng dự Ngày hội khởi nghiệp quốc gia lần thứ 6 tại Cần Thơ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày hội nhằm tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV) được long trọng tổ chức tại Trường đại học Cần Thơ. Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu ý kiến.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội đã lên tiếng, TP.HCM khi nào trả lời?