Mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao. là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Hà Nội đặt mục tiêu GRDP/người đạt 36.000 USD vào năm 2045

12/10/2020, 10:00

Mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao. là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội, được bà Ngô Thị Thanh Hằng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy trình bày, cho biết mục tiêu tổng quát đến năm 2025, là xây dựng Đảng bộ Thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố "xanh - thông minh - hiện đại"; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; hoàn thành công nghiệp hóa Thủ đô; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD.

Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là Thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Đáng chú ý, điểm mới trong báo cáo chính trị là Hà Nội không đặt mục tiêu cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong nước, mà mục tiêu là vươn ra bên ngoài, cạnh tranh với các thành phố trên thế giới.

Trước đó, trong phần tổng kết, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội đánh giá trong 5 năm qua, dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/16 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ Thành phố, có 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó có 3 chỉ tiêu hoàn thành sớm 2 năm.

Kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,39%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng hiện đại.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn liên tục tăng và vượt dự toán; lũy kế giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt gần 1.200 nghìn tỉ đồng, tăng 11,1%/năm, gấp 1,64 lần giai đoạn 2011 - 2015.

Thành phố đã hoàn thành Chương trình một triệu cây xanh trước 2 năm và trồng thêm 600 nghìn cây. Hệ thống chiếu sáng, trang trí đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%... Thành phố tích cực huy động mọi nguồn lực đầu tư cấp nước sạch cho người dân.

Tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%. Xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường nước tại 129 hồ và xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Hà Nội là địa phương có số xã đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đầu cả nước. Đến cuối năm 2020, Thành phố có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 55 triệu đồng, gấp 1,36 lần năm 2016.

Công tác cải cách hành chính được triển khai đồng bộ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ. Thành phố đã tiến hành rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết đối với 261 thủ tục hành chính; thí điểm kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước.

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo. Thành phố đã phối hợp với các bộ, ngành Trung ương cơ bản hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Các sản phẩm khoa học, công nghệ thực sự trở thành hàng hóa, nhu cầu mua bán công nghệ ngày càng tăng, phong trào khởi nghiệp sáng tạo bước đầu đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Công tác an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân Thủ đô được nâng cao. Các chính sách của Nhà nước đối với người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số… được thực hiện đúng, đủ và kịp thời. Thành phố đã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo trước 2 năm, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

An ninh - quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục giữ vững ổn định. Uy tín, vị thế của Thủ đô trong khu vực và trên thế giới ngày càng nâng cao. Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội, khắc phục thiên tai ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11,12) và các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy; xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh. Công tác chính trị, tư tưởng được đổi mới, nâng cao chất lượng gắn với thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Năm 2019, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 15 bậc lên vị trí thứ 9; chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR INDEX) xếp thứ 2 (tăng 7 bậc so với 2015). Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, Báo cáo chính trị chỉ rõ các hạn chế. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế chưa tạo được các “đột phá lớn” và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, an toàn giao thông vẫn còn hạn chế. Công tác bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa chưa tương xứng với các tiềm năng, thế mạnh, vị thế Thủ đô. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn chưa cao…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội đặt mục tiêu GRDP/người đạt 36.000 USD vào năm 2045