TP.Hà Nội liên tục di dời dân đến nơi an toàn trước khi nước lũ trên sông Hồng dâng cao.
Sự kiện

Hà Nội gấp rút di dời dân trước khi nước lũ sông Hồng dâng cao

Tuyết Nhung 11:09 11/09/2024

TP.Hà Nội liên tục di dời dân đến nơi an toàn trước khi nước lũ trên sông Hồng dâng cao.

Trong các ngày 9 - 10.9, trước diễn biến khó lường của lũ trên sông Hồng, nhiều quận huyện như Ba Đình, Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) đã khẩn trương di dời dân, tài sản và chuẩn bị phương án đối phó với các tình huống khẩn cấp.

e1e08f4d-7a71-4f02-a108-ec6b4b35af1e.jpeg
Lực lượng chức năng di dời dân sống gần sông Hồng

Tại quận Ba Đình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, trong ngày 10.9, quận đã di dời toàn bộ 276 hộ dân với 1.059 nhân khẩu thuộc địa bàn phường Phúc Xá đến nơi an toàn.

Về hỗ trợ dân di dời khỏi khu vực nguy hiểm, Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết lực lượng chức năng quận và phường đã chuẩn bị chỗ ở tạm và 3 bếp ăn, hỗ trợ người dân được an toàn, không thiếu thốn về điều kiện sinh hoạt.

Quận Ba Đình cũng đã yêu cầu phường Phúc Xá và các lực lượng chức năng phối hợp nắm chắc tình hình, sẵn sàng các phương án phòng chống lũ lụt tại địa bàn.

Còn tại huyện Đông Anh, thôn Kim Tiên, xã Xuân Nộn nằm ngoài đê sông Cà Lồ, được bao bằng tuyến đê quai. Khoảng 200m đê đang bị đe dọa và 1.000m là mặt bằng thấp trên báo động 3 có thể tràn đê. Hiện thôn Kim Tiên có khoảng 1.800 nhân khẩu sinh sống tại thôn với khoảng 400 hộ, trong đó có 75 hộ ở khu cao, 308 hộ xóm 2 là khu thấp, 17 hộ với 150 nhân khẩu sống ngoài đê.

Trước nguy cơ đó, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo UBND xã Xuân Nộn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã huy động toàn bộ lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, quân đội, nhân dân với gần 600 người gia cố đê.

Cùng với đó, xã Xuân Nộn thực hiện hai việc, vừa gia cố, vừa di chuyển dân đến nơi an toàn. Theo đó, di chuyển 600 người đến hội trường của Trường bắn huyện Đông Anh; 200 người đến Nhà văn hóa thôn Xuân Nộn; 300 người tới Nhà thể chất, Trường tiểu học Xuân Nộn; vận động 200 người di chuyển về nhà người thân, họ hàng. UBND xã Xuân Nộn bố trí đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống, chăn ấm… bảo đảm sinh hoạt cho người dân trong diện di chuyển.

9fc8636f-999b-442f-9a97-7988cee049e0.jpeg
Di dời dân ngay trong đêm

Ghi nhận tại huyện Mê Linh, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước, đêm 9.9, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cùng các phòng ban ngành trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với nước sông dâng nhanh. Đến 23 giờ 30 ngày 9.9 đã hoàn thành công tác di dời người và tài sản tại các bãi sông, ven lạch sông đến nơi an toàn.

Lãnh đạo huyện Mê Linh tiếp tục chỉ đạo các địa phương chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện, hậu cần sẵn sàng ứng phó di dời dân tại các vùng trũng ngập nước, cô lập.

Báo cáo của huyện Mê Linh cũng cho biết, dự báo đến trưa 10.9, mực nước sông Hồng có thể lên báo động 1, các sông Cà Lồ nước tiếp tục lên cao báo động 3 (trên 8m), kết hợp với diễn biến mưa to bất thường có thể gây ngập úng cục bộ các hộ dân ven sông, ven lạch, sạt lở đất ven sông, các sự cố đổ gẫy cây, chập điện tại khu vực bãi sông, ven sông, tai nạn đuối nước…

Trước tình hình đó, huyện Mê Linh đề nghị các xã tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn, đẩy mạnh thông tin đầy đủ chính xác về diễn biến thời tiết, mưa, lũ trên sông, công tác chỉ đạo của thành phố, huyện… để các hộ dân biết chủ động có phương án di dời người và tài sản đến các khu vực an toàn, nhà kiên cố.

Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường kiểm tra rà soát người dân còn ở bãi sông, kiên quyết di dời đến nơi an toàn như trụ sở UBND xã, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế… Các xã chủ động chuẩn bị các phương tiện, nhân lực, vật tư, hậu cần sẵn sàng ứng phó với tình huống bất ngờ xảy ra. Đặc biệt huy động tối đa thuyền, thuyền máy, ca nô… sẵn sàng ứng trực tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu để hỗ trợ di dời người và tài sản của dân đến nơi an toàn.

Tính đến chiều tối 10.9, quận Hoàn Kiếm đã thông báo, vận động sơ tán tới 379 hộ dân tại 2 phường Chương Dương và Phúc Tân đến nơi an toàn.

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quận, đến 11 giờ 10 ngày 10.9, nước sông Hồng đã lên đến báo động 1 là 9,5m. Đến 15 giờ tiếp tục lên 9,93m. Nước sông dâng ngập khu vực bờ sông bãi giữa, sát mép đường ven bờ ở phường Phúc Tân. Tại khu vực bến tàu cuối đường Chương Dương Độ đã ngập lên mép đường.

Tính đến chiều tối 10.9, quận Hoàn Kiếm đã thông báo, vận động sơ tán tới 379 hộ dân tại 2 phường Chương Dương và Phúc Tân. Trong đó, UBND phường Chương Dương đã tổ chức thông báo, vận động sơ tán 126 hộ (120 hộ tự sơ tán và 6 hộ đề nghị hỗ trợ sơ tán về địa điểm tránh trú) và đã sơ tán 33 hộ (84 nhân khẩu). UBND phường Phúc Tân đã vận động 253 hộ; xác định số hộ khó khăn cần hỗ trợ nơi sơ tán là 17 hộ, trong đó, 15 hộ tự di chuyển và nhờ hỗ trợ di chuyển, 2 hộ đã di chuyển về địa điểm của phường tại 360 Phúc Tân.

UBND 2 phường Chương Dương và Phúc Tân đang tiếp tục hỗ trợ dân di chuyển nhằm bảo đảm an toàn cao nhất cho các hộ dân đang cư trú tại khu vực nguy hiểm do mưa lũ.

Bài liên quan
Tiến độ một số dự án quan trọng vùng đồng bằng sông Hồng ra sao?
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, trong 20 dự án quan trọng, liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, đã khởi công triển khai 7 dự án, ngoài ra 8 dự án đang được thực hiện các thủ tục đầu tư…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần chính sách ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp tái thiết sau bão
một giờ trước Thị trường và chính sách
Một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc hồi phục kinh tế sau bão là hỗ trợ tài chính, miễn giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi bão.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội gấp rút di dời dân trước khi nước lũ sông Hồng dâng cao