Khi Hà Nội mở cửa cho học sinh khối 12 đến trường học trực tiếp, mặc dù các em đa số đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng phụ huynh vẫn chưa đồng ý cho con mình trở lại trường.

Hà Nội: Học sinh không đến trường do sợ dịch bệnh

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 09/12/2021, 15:37

Khi Hà Nội mở cửa cho học sinh khối 12 đến trường học trực tiếp, mặc dù các em đa số đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng phụ huynh vẫn chưa đồng ý cho con mình trở lại trường.

Kể từ ngày 6.12, Sở GD-ĐT Hà Nội đã cho các học sinh khối 12 trong các quận, huyện tới trường học trực tiếp vì các em đã tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, trong lúc tình hình dịch bệnh đang căng thẳng, có nhiều trường vẫn nằm ở trong "điểm nóng" của dịch bệnh thì nhiều phụ huynh đã không đồng ý cho con em mình trở lại trường học trực tiếp.

Tại trường THPT Trần Nhân Tông, có 681 học sinh lớp 12, nhưng trong ngày đầu tiên đi học trở lại chỉ có 33 em đến lớp. Đến ngày thứ 2, chỉ còn 9 học sinh đến trường. Mặc dù trường nằm trên địa bàn có dịch ở cấp độ 2, đủ điều kiện dạy học trực tiếp theo hướng dẫn của TP Hà Nội, tuy nhiên, nhiều học sinh ở khu vực có tình hình dịch bệnh phức tạp, trong đó không ít em thuộc khu vực phong tỏa hoặc phải đi cách ly y tế.

Bà Vũ Thị Hậu - Hiệu trưởng trường THPT Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: "Trong 2 ngày qua trường đã tổ chức dạy học trực tiếp theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT nhưng chỉ có 10% học sinh đến trường đi học. Trong ngày 6.12 có 33 học sinh, ngày 7.12 có 9 học sinh và sáng 8.12 có 27 học sinh đi học. Tại vì trường nằm ở phường Đồng Nhân nhưng học sinh ở nhiều nơi, trong đó có nơi đang bị phong tỏa như ở phường Phố Huế nên học sinh không thể ra khỏi nhà đi học được. Có những gia đình không bị ảnh hưởng nhưng trong lớp có bạn là F0, F1 hoặc do tâm lý lo lắng dịch lây lan trong cộng đồng nên cha mẹ không muốn cho con đi học dịp này.

hoc-sinh-12-3.jpg
Trường học ở Hà Nội chuẩn bị tốt nhất thiết bị giúp học sinh vừa học trực tiếp song song với học trực tuyến

Theo cô Hậu, hiện nay trường có 10 học sinh là F0, có 1 lớp phải nghỉ học vì là F1: "Mặc dù nhà trường rất muốn học sinh đi học trực tiếp song bố mẹ không muốn cho con đi. Ban giám hiệu trường cũng như giáo viên chủ nhiệm đã tổ chức họp phụ huynh tư vấn tâm lý nhưng phụ huynh bày tỏ nguyện vọng con phải được tiêm xong 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 và trên địa bàn đang "nóng". Hai ngày qua có 4 học sinh của trường là F0, dù các bạn ấy không đi học nhưng cha mẹ cũng lo lắng xin cho con tiếp tục học online ở nhà".

Tại trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chỉ có 50% học sinh đi học trực tiếp. Hiện các trường thực hiện đủ các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên, với tâm lý e ngại từ phụ huynh, đồng thời các ca F0 lây nhiễm trong cộng đồng tại Hà Nội đang tăng nhanh, nên các phụ huynh vẫn chưa đồng ý cho con em mình tới trường, mặc dù đã được thông tin cụ thể trước đó.

Giải thích lý do học sinh vẫn chưa an tâm trở lại trường học trực tiếp, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, chuyện này là bình thường vì một bộ phận cha mẹ học sinh còn tâm lý e ngại nên không dám cho con trở lại trường. Theo ông Tiến, Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn đánh giá rất cao các trường dù có rất ít học sinh đi học nhưng vẫn tổ chức dạy học trực tiếp và linh hoạt các hình thức để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh trong bối cảnh dịch bệnh.

Với những trường hiện dựa trên ý kiến của phụ huynh chưa tổ chức dạy học trực tiếp, ông Tiến cho hay, tại cuộc họp với lãnh đạo các trường THPT sáng 8.12, Sở GD-ĐT đã quán triệt chỉ đạo hiệu trưởng các trường cần thể hiện rõ trách nhiệm. Theo đó, một mặt cần tăng cường công tác tuyên truyền tới phụ huynh về công tác phòng, chống dịch của nhà trường để giúp họ yên tâm; mặt khác phải giúp gia đình và học sinh hiểu giá trị của việc đi học trực tiếp. Khi UBND TP đã quyết định cho học sinh trở lại trường thì các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc và đáp ứng nhu cầu được đến trường của học sinh, dù ở đâu đó số lượng này là rất nhỏ.

“Tôi cho rằng hiệu quả của việc đi học trực tiếp cũng như công tác phòng dịch nghiêm túc ở trường sẽ lan tỏa và giúp thay đổi quan điểm đối với những phụ huynh và học sinh còn e ngại”, ông Tiến nói.

Trao đổi với phóng viên trong sáng ngày 9.12, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong thời gian thí điểm đi học trực tiếp ở khối 9 và khối 12 trên địa bàn TP, đến nay đã có 64 ngàn học sinh khối lớp 9 và 12 đi học đảm bảo an toàn.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT xác định vừa tổ chức kết hợp học trực tuyến và trực tiếp, đảm bảo thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú trọng tinh giản chương trình, tập trung vào nội dung cốt lõi. Chủ động rà soát kết quả học trực tuyến và bổ sung kiến thức cần thiết, tránh gây áp lực quá tải với học sinh. Quản lý chặt chẽ kỷ luật nề nếp học tập của học sinh, kiểm tra đánh giá chất lượng dạy học.

Ông Trần Thế Cương cũng cho biết, với khối lớp 12, tùy theo từng cấp độ dịch ở các phường mà có phương án cho học sinh quay lại trường học. “Kính mong phụ huynh và giáo viên quan tâm thường xuyên nhắc nhở học sinh tự giác phòng dịch, nếu cùng có trách nhiệm thì chắc chắn việc tổ chức dạy học trực tiếp sẽ thành công” – ông Cương nói.

Bài liên quan
Hà Nội: Lượng khách qua các bến xe tăng hơn 350% dịp Tết Nguyên đán
Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội cho biết lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt phục vụ Tết Nguyên đán là 2.486 chiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Học sinh không đến trường do sợ dịch bệnh