Chiều 15.9, Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã.
Số phòng chưa đủ phục vụ cách ly người nhập cảnh
Tại phiên họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh thông tin thêm về 1 ca mắc COVID-19 nhập cảnh là bệnh nhân 1060, nam, 21 tuổi (địa chỉ tại Điều Trung, Bá Thước, Thanh Hóa), từ Nga về Việt Nam, ngày 8.9.2020, có kết quả xét nghiệm dương tính, hiện đang được điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương 2.
Lũy tích đợt 3 (từ ngày 25.7 đến nay), có 39 ca mắc và chưa có ca tử vong; trong đó, 11 ca ngoài cộng đồng và 28 ca được cách ly ngay khi nhập cảnh.
Để chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại các đường bay thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng, lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết, nhằm chuẩn bị các khu cách ly tập trung ở các khách sạn, Sở Du lịch cùng Sở Y tế đã khảo sát một số khách sạn trên địa bàn.
Đến ngày 14.9, đã có 8 khách sạn được thành phố phê duyệt là khu cách ly chuyên gia nước ngoài, lao động tay nghề cao nhập cảnh vào Việt Nam, tổ bay. Trong đó, có 5 khách sạn đăng ký mở rộng thêm thực hiện cách ly với người Việt Nam nhập cảnh về từ nước ngoài.
Các khách sạn này phải đảm bảo quy định phòng chống dịch; có cơ sở vật chất đảm bảo cách ly; có vị trí thuận tiện thông thoáng; có số buồng đủ phục vụ. Trong thời gian sớm nhất, Sở sẽ đề xuất thành phố xem xét đồng ý cho thêm 7 khách sạn là khu cách ly tập trung. Như vậy, thành phố sẽ có gần 1.500 phòng để cách ly, sẵn sàng phục vụ người nước ngoài, người Việt Nam nhập cảnh.
Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý thông tin, theo dự kiến của Bộ Giao thông và Vận tải, sau ngày 15.9, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ sớm khôi phục đường bay quốc tế tới 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, ban đầu, Việt Nam mở lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ từ Việt Nam đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tiếp đến là mở thêm các đường bay đi Campuchia, Lào. Đây được coi là những nước an toàn trong điều kiện dịch bệnh hiện nay.
Ông Quý cũng nêu, trung bình mỗi tuần, sẽ có gần 2.000 người nhập cảnh vào Hà Nội và trong 14 ngày có thể lên tới 4.000 trường hợp. "Hiện, số phòng chưa đủ để phục vụ cách ly người nhập cảnh. Ít nhất chúng ta phải có 5.000 giường. Các đơn vị cần khẩn trương bổ sung thêm các khách sạn trên tinh thần phải đảm bảo phòng dịch, tuyệt đối an toàn, phải có quy trình chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để lây chéo. Thành phố ủy quyền cho Sở Y tế để cấp phép nhập cảnh ngay cho các trường hợp xin nhập cảnh, không phải trình lên thành phố để tiết kiệm thời gian", ông Quý nói.
Kiểm soát các ca bệnh từ nước ngoài về
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho hay đến nay các tổ chức, đơn vị, cá nhân trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ 45 tỉ đồng, hàng hóa nhu yếu phẩm, thiết bị y tế trị giá 88 tỉ đồng cho các đơn vị nhằm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bà Hằng cho biết tuần tới là thời gian cao điểm các hoạt động kỷ niệm của TP Hà Nội và là tiền đề quan trọng để thành phố tổ chức thành công các sự kiện trọng đại trong tháng 10. Mặc dù đã kiểm soát được dịch bệnh, song bà Hằng lưu ý Hà Nội vẫn là địa phương có nguy cơ cao lây nhiễm, vì vậy, công tác phòng chống dịch vẫn phải là nhiệm vụ thường xuyên của các đơn vị trên địa bàn thành phố.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, chỉ đạo chuyên ngành. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để người dân vừa không chủ quan lơ là chống dịch, vừa chuyển sang trạng thái bình thường mới để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bà Hằng cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh, nhất là các ca bệnh từ nước ngoài về. Có một số khách sạn là nơi cách ly nhưng ở khu dân cư, nếu không tăng cường kiểm soát thì đó chính là nguy cơ tạo nguồn lây nhiễm trong cộng đồng. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra công tác phòng chống các dịch bệnh khác tại các cơ sở y tế, trường học...
Phó bí thư thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu căn cứ vào tình hình thực tế để xem xét quyết định nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch theo lộ trình, với từng loại kinh doanh hoạt động như karaoke, quán bar, vũ trường, hoạt động văn hóa thể thao để đảm bảo an toàn. Các đoàn kiểm tra của thành ủy sẽ kiểm tra đột xuất công tác phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn thực phẩm, quy trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy nếu xảy ra vấn đề các vi phạm.
Đồng thời, yêu cầu Mặt trận tổ quốc tiếp tục phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch, cũng như tiếp tục các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần tổ chức tốt các phong trào thi đua bằng các công việc cụ thể để chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17…
Cho phép phố đi bộ, karaoke hoạt động trở lại từ 18.9
Phó chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong kiến nghị thành phố cho phép tổ chức lại các hoạt động ở không gian đi bộ quanh hồ Gươm. Theo đó, quận sẽ triển khai đồng bộ, vừa phát triển kinh tế, song vẫn đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Phó chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý đồng ý đề xuất tổ chức trở lại hoạt động phố đi bộ quanh Hồ Gươm từ ngày 18.9, nhưng phải tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Ông Quý yêu cầu thực hiện theo đúng phương châm: cảnh giác, phát hiện, xử lý dịch bệnh từ bên trong; ngăn chặn lây lan từ bên ngoài. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu "kép"; tăng cường công tác kiểm tra cơ sở; khuyến cáo người dân về từ vùng chưa kết thúc dịch phải khai báo y tế… Các đơn vị tiếp tục thực hiện các giải pháp theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố, trong đó, tuyên truyền để người dân thực hiện khẩu hiệu 5K.
"Nới lỏng tụ tập đông người, không đặt ở con số 30 người nhưng mọi người phải thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang", Phó chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Quý chỉ đạo các cơ sở quán bar, karaoke, vũ trường được phép hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 16.9, nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng dịch, phòng chống cháy nổ…
Lam Thanh