Hiện tại TP.Hà Nội không còn vùng đỏ và vùng cam, chủ yếu là vùng xanh dù mỗi ngày TP ghi nhận có 2.835 ca COVID-19.

Hà Nội không còn vùng cam, đỏ dù mỗi ngày hơn 2.800 ca COVID-19

Tuyết Nhung | 11/02/2022, 21:42

Hiện tại TP.Hà Nội không còn vùng đỏ và vùng cam, chủ yếu là vùng xanh dù mỗi ngày TP ghi nhận có 2.835 ca COVID-19.

TP không còn vùng đỏ và vùng cam

Ngày 11.2, UBND TP.Hà Nội đã phát đi thông báo đánh giá cấp độ trong phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, ở quy mô xã, phường, thị trấn, Hà Nội có 43 địa phương cấp độ 2 (vùng vàng), 536 địa phương cấp độ 1 (vùng xanh). Hiện TP không có xã, phường, thị trấn nào có dịch ở cấp độ 3 (vùng cam) và 4 (vùng đỏ).

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ 26.1 - 10.2, trung bình, TP ghi nhận có 2.835 ca/ngày, giảm nhẹ so với kỳ báo cáo trước (ghi nhận trung bình 2.902 ca/ngày), tuy nhiên, đây có thể là mức giảm "giả tạo". Công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong thời gian tiếp theo, khi mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập. Sở Y tế Hà Nội đề xuất cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế.

Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19, TP đã tiêm được tổng số 14.927.981 mũi. TP đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân (tiêm mũi 3 cho người dân từ 28.2.2022), đến nay, các quận, huyện, thị xã đã tích cực triển khai tiêm xuyên Tết và đã thực hiện được 237.985 mũi, phấn đấu hoàn thành xong trước ngày 28.2.2022.

Tại cuộc họp về phòng chống dịch của TP chiều nay (11.2), Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế tập trung đông người nhất là thời gian sau Tết. Đối với các địa phương có các sự kiện được phép mở cửa trở lại như Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, cần tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm 5K.

Các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao... Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà, các túi thuốc điều trị F0...

Chuẩn bị tốt mọi mặt để học sinh của các quận trở lại trường

Đối với việc cho học sinh đi học trở lại, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, kể từ ngày 7.2 đến nay, khi học sinh đi học trở lại, Sở đã ban hành các văn bản chỉ đạo cũng như tập huấn cho các nhà trường về công tác phòng chống dịch; tổ chức 4 đoàn để kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các trường 30 quận, huyện, thị xã.

Sở đã chỉ đạo các trường vừa tổ chức học trực tiếp lẫn trực tuyến đối với những lớp có học sinh F0. Về lộ trình cho học sinh của các quận (từ lớp 1 đến lớp 6) trở lại trường học, căn cứ vào tình hình thực tế, Sở tham mưu UBND TP cho học sinh đi học trở lại từ ngày 21.2 tới, còn học sinh mầm non tiếp tục tạm nghỉ.

Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết cần thành lập tổ công tác, gắn trách nhiệm các địa phương để thường xuyên ứng trực, hỗ trợ kịp thời cho trường học. Lãnh đạo các địa phương phải trực tiếp phê duyệt kế hoạch và kịch bản ứng phó, trong đó, có phương án phối hợp giữa nhà trường và gia đình, đảm bảo thông tin dịch tễ; khuyến khích thành lập các nhóm gia đình tự quản để có thông tin thông suốt tới giáo viên chủ nhiệm và nhà trường.

dsc06802.jpg.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế trường học và giáo viên; triển khai tập huấn tâm lý học đường khi phát sinh ca mắc trong trường, tránh để xảy ra tâm lý kỳ thị khi có học sinh bị nhiễm COVID-19. Phó chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Y tế chủ trì và các đơn vị liên quan cập nhật phác đồ điều trị cho các học sinh.

Thời gian tới, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong lưu ý nguy cơ dịch bệnh khi TP dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu. Vì thế, các địa phương phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, có giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.

Đồng thời, yêu cầu các địa phương cần phải chuẩn bị tốt mọi mặt để học sinh của các quận trở lại trường học theo lộ trình, trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu UBND TP về việc cho học sinh mầm non của các huyện trở lại trường. Đồng thời, các địa phương phải chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ với các nhà trường để bảo đảm an toàn cho học sinh, sinh viên của các trường Đại học, Cao đẳng khi trở lại trường học tập trung.

Bài liên quan
Hà Nội cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại
Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản đồng ý cho phép hoạt động trở lại đối với xe ôm công nghệ như beBike, GrabBike, GoBike.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội không còn vùng cam, đỏ dù mỗi ngày hơn 2.800 ca COVID-19