Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, từ hôm nay (12.12), người dân thị xã Sơn Tây sẽ được tiếp nhận cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) tại bộ phận một cửa.
Trước đó, việc đổi và cấp lại GPLX đã được Sở GTVT cho phép thực hiện tại bộ phận một cửa của UBND các huyện: Mỹ Đức, Đông Anh, Ứng Hòa, Phú Xuyên.
Hiện nay, địa điểm tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính trực tiếp trong lĩnh vực GTVT của TP.Hà Nội tại 2 địa chỉ là 258 Võ Chí Công, phường Xuân La, quận Tây Hồ và 16 phố Cao Bá Quát, phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, việc triển khai tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp đổi, cấp lại GPLX tại một số UBND cấp huyện nhằm thực hiện Quyết định số 5684/QĐ-UBND ngày 8.11.2023 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc công bố Danh mục thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ được Sở GTVT ủy quyền tiếp nhận và trả kết quả cho UBND cấp huyện trên địa bàn TP; Quyết định số 5687/QĐ-UBND ngày 8.11.2023 của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc phê duyệt các quy định nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đường bộ được Sở GTVT ủy quyền cho UBND cấp huyện trên địa bàn TP.
Từ đầu tháng 10 đến nay, lượng người dân đến bộ phận một cửa của Sở GTVT tại 258 đường Võ Chí Công và số 16 phố Cao Bá Quát để làm thủ tục đổi GPLX (từ chất liệu giấy sang chất liệu nhựa) tăng cao khiến bị quá tải. Trung bình mỗi ngày, cả hai điểm này tiếp nhận khoảng 700 hồ sơ, tăng gần 50% so với bình thường.
Về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết thời gian qua Cục có khuyến khích người dân đổi GPLX từ giấy bìa sử dụng CMND 9 số sang vật liệu nhựa (PET) theo CCCD 12 số. Việc này nhằm để triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hiển thị trên hệ thống VneID... "Hiện chưa có văn bản nào quy định bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe máy bản giấy sang thẻ PET...", đại diện Cục Đường bộ khẳng định.
Về quy định đổi GPLX bắt buộc, Cục cho biết đang được Bộ Công an đề xuất trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật vừa trình Quốc hội cho ý kiến để hoàn thiện, chưa được thông qua nên quy định đổi bằng bắt buộc chưa có hiệu lực. Thêm vào đó, dự luật cũng nêu rõ giao cho Chính phủ quy định lộ trình, phương thức đổi và các chính sách liên quan.
Cũng theo đại diện Cục Đường bộ, khi Luật được ban hành sẽ có những hướng dẫn, trong đó có thể cân nhắc cách thức thực hiện đổi. Chẳng hạn như chỉ cần người dân đến khai thông tin sau đó cập nhật trên hệ thống VNeID.
Trước tình trạng người dân ồ ạt đi đổi GPLX ở nhiều địa phương, đại diện Cục Đường bộ khuyến cáo chủ phương tiện cần phải hiển thị thông tin trên tài khoản VneID có thể đi đổi ngay, trong trường hợp chưa cần thiết thì chờ luật ban hành.