Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, thời điểm này người dân đã đổ xô đi sắm tết, sức mua vì vậy mà đã tăng cao.

Hà Nội: Người dân tấp nập sắm tết, sức mua tăng cao

Bài và Ảnh: Tuyết Nhung | 28/01/2022, 22:05

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán 2022, thời điểm này người dân đã đổ xô đi sắm tết, sức mua vì vậy mà đã tăng cao.

Sức mua tăng

Hôm nay đã là ngày 26 âm lịch (tức ngày 28.1), người dân đã tấp nập mua sắm tết nên hầu hết các mặt hàng đều có sức mua tăng cao so với tuần trước. Theo ghi nhận của PV, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ dân sinh,... trên địa bàn Hà Nội, dù còn ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng người dân vẫn tranh thu mua sắm tết. Không chỉ vậy, không khí tết còn nhộn nhịp, lan tỏa trên khắp các tuyến đường Hà Nội, nhiều cửa hàng quần áo, giày dép… đều xả hàng tấp nập để nghỉ tết sớm.

271889235_313275320848071_4803066808572407325_n.jpg
Người dân nhộn nhịp đi sắm tết ở siêu thị 

Chị Minh Thu ở đường Cầu Giấy chia sẻ: "Năm nay không khí tết đến khá sớm, nếu như năm ngoái nhà mình đến ngày 28.12 âm lịch mới đi sắm đồ thì năm nay mình đi sắm từ 25.12 âm lịch tưởng chừng mua sắm sớm thì đỡ vất vả hơn, không phải chen chúc nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại, mọi người năm nay sắm tết sớm nên tại các cửa hàng tạp hóa, siêu thị đều đông nghịt người, tôi vẫn phải xếp hàng để chờ thanh toán".

Chị Thu cho biết, năm nay gia đình chị tập trung mua chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu trong dịp tết như: bánh kẹo, thực phẩm, nước giải khát, trái cây, không sắm những đồ trang trí treo trong nhà vì lãng phí, không dùng được lâu. Theo chị, nguồn hàng tết năm nay khá phong phú, nhiều sản phẩm được khuyến mại từ 5 đến 20% nên chị tranh thủ sắm tết sớm, và dự định ngày mai chị sẽ đi mua quần áo tết cho các con.

Tương tự, chi Mai Hương ở Láng Hạ cũng cho biết, gia đình vừa đi sắm tết tại siêu thị. Gia đình chị Hương cũng chủ yếu tập trung mua các mặt hàng phục vụ nhu cầu ăn uống như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, nước giải khát, mứt tết và trái cây các loại.... Năm nay, ảnh hưởng của dịch bệnh nên kinh tế gia đình chị gặp khó khăn hơn. Vì vậy, chị hạn chế mua những mặt hàng không cần thiết, cũng không mua đồ tích trữ như mọi năm.

Theo ghi nhận của Một Thế Giới, bên cạnh việc mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, nhiều người dân cũng lựa chọn sắm tết online, nguyên nhân một phần là do dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một phần là thắt chặt chi tiêu nên nhiều gia đình không mua sắm trực tiếp, thay vào đó mua sắm qua mạng để phù hợp với điều kiện gia đình.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua sắm tết, nhiều cửa hàng tạp hóa, siêu thị đã tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Những chương trình này đều tập trung áp dụng cho hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và thời vụ tết. Tại các siêu thị như: BigC, VinMart, Lotte… nhiều sản phẩm trên các kệ hàng được giảm giá từ 20 - 50%, mua 1 tặng 1,... để thu hút khách hàng. Các đơn vị doanh nghiệp đều cam kết đảm bảo được nguồn cung, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn TP.Hà Nội, sức mua tết cũng đã tăng cao, theo đó lượng hàng về các chợ từ nay đến ngày 28.12 âm lịch cũng sẽ tăng dần theo tỷ lệ từ 30 - 50%, tùy vào từng nhóm hàng. Ở thời điểm này, sức mua tăng hầu hết ở các nhóm hàng, nhưng tăng mạnh nhất là mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm tươi sống, trái cây.

nguoi-dan-di-cho.png
Tại các chợ dân sinh, không khí tết đến rất gần

Trong đó, mặt hàng thịt lợn có giá tăng nhẹ khoảng 5.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Kim Liên, Thành Công, Hoàng Mai, Định Công,... đang ở mức 100.000 - 170.000 đồng/kg tùy loại, giá gà ta tăng 10.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg, trái cây tăng từ 20 - 30% tùy từng loại...

39.000 tỉ đồng hàng phục vụ tết

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, khả năng cung ứng của các mặt hàng trên địa bàn TP chưa đủ để phục vụ người dân. Cụ thể, gạo đáp ứng khoảng 35% nhu cầu; thịt bò đáp ứng 15%; thủy hải sản đáp ứng 5%; thực phẩm chế biến đáp ứng 25%; rau củ đáp ứng 65%; hoa quả đáp ứng 35%... thịt lợn, thịt gà cơ bản đáp ứng đủ trong điều kiện bình thường nhưng vẫn phải khai thác thêm từ các tỉnh.

272226939_643555696884020_7822089982188881898_n.jpg

Vì thế, để đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường Thủ đô, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ tết với tổng giá trị 39.000 tỉ đồng.

Để đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối với các địa phương: Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp… đưa nguồn hàng nông, lâm, thủy sản về Hà Nội tiêu thụ.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Sở Công Thương Hà Nội sẽ đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm thuộc chuỗi rau, thịt an toàn của 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Thực tế cho thấy, hiện các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động dự trữ hàng phục vụ Tết Nguyên đán tăng 7 - 15% so với Kế hoạch Tết 2021.

Bài liên quan
Lãnh đạo TP.Hà Nội ghi sổ tang tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Nga
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, tin tưởng rằng với ý chí, bản lĩnh và truyền thống vốn có của mình, nước Nga sẽ sớm vượt qua nỗi đau này để tiếp tục phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bắt cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ
3 giờ trước Sự kiện
Ông Lê Viết Chữ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam để điều tra sai phạm liên quan vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Người dân tấp nập sắm tết, sức mua tăng cao