Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đề nghị UBND các quận huyện... tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách hỗ trợ những lao động tự do đủ điều kiện nhưng không thể về nơi thường trú, cư trú để xác nhận.

Hà Nội: Người lao động kêu than về chính sách hỗ trợ, Sở LĐ-TB-XH bàn cách tháo gỡ

Lam Thanh | 14/08/2021, 16:38

Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đề nghị UBND các quận huyện... tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách hỗ trợ những lao động tự do đủ điều kiện nhưng không thể về nơi thường trú, cư trú để xác nhận.

Sở Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) Hà Nội vừa có văn bản trình UBND TP về giải pháp tháo gỡ thủ tục giải quyết chế độ hỗ trợ cho người lao động đang sinh sống tại thủ đô bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cụ thể, Sở LĐ-TB-XH đề nghị UBND các quận huyện, phường xã… tiếp nhận hồ sơ để xem xét, giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động tự do đủ điều kiện nhưng không thể về nơi thường trú hoặc nơi cư trú để xác nhận theo mẫu số 02 được quy định tại Quyết định 3642/QĐ-UBND.

Sở cũng yêu cầu tổ chức tiếp nhận hồ sơ của người lao động hằng ngày bằng các hình thức thuận lợi nhất như: trực tiếp, bưu điện, email, trực tuyến; linh hoạt trong việc giảm thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động.

Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH yêu cầu tổ chức thẩm định, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách và công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai (theo cách thức tổ chức thực hiện được quy định tại Quyết định 3642/QĐ-UBND), hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Song song đó, Sở yêu cầu gửi thông tin người lao động đã được nhận hỗ trợ đến nơi người lao động thường trú/tạm trú bằng các hình thức linh hoạt (qua email, hòm thư công vụ, bưu điện...); công khai danh sách trích ngang các trường hợp được hỗ trợ trên trang thông tin của đơn vị để đảm bảo người lao động được hưởng đúng nguyên tắc quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, tránh việc trục lợi chính sách.

vb-3.png
Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đề nghị tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận chính sách hỗ trợ cho người lao động tự do

Trước đó, ngày 22.7, UBND TP.Hà Nội ban hành Quyết định 3642/QĐ-UBND về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn TP.Hà Nội.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chính sách hỗ trợ, nhiều người lao động tự do bị mất việc làm, bị cách ly, cư trú trong khu vực bị phong tỏa... không thể về nơi thường trú hoặc nơi cư trú để xác nhận thủ tục được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND. Điều này đã gây khó khăn cho người lao động để được nhận khoản hỗ trợ theo chính sách này.

Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thu Giang, Phó viện trưởng Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng-Light, cho rằng quy định phải về nơi thường trú để lấy xác nhận trong bối cảnh giãn cách là một rào cản đối với người lao động. Với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng, người lao động khó có thể lấy được tiền.

“Thực tế, những ngày qua, chúng tôi đi nhiều vùng cách ly ở Hà Nội, nhất là dọc ven đê, người lao động không còn tiền, không có tiền tiết kiệm, phải sống nhờ vào cứu trợ, không biết được bao nhiêu ngày. Họ không có các thiết bị thông minh để có thể gửi hay tiếp nhận thông tin. Lúc người ta cần tiền nhất, thì chính sách lại không đến được với họ”, bà Giang bày tỏ.

Để tháo gỡ được nút thắt này, bà Giang kiến nghị: “Chính quyền địa phương có thể yêu cầu người lao động viết cam kết xác nhận hỗ trợ tại nơi tạm trú, nếu nhận 2 lần sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thay vì yêu cầu người lao động tự xác minh, chúng ta có thể xác minh nhân thân cho họ bằng cách lập danh sách, gửi thông báo về địa phương người lao động đã nhận tại Hà Nội”.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, tính đến ngày 12.8, Hà Nội đã có quyết định duyệt chi trả hơn 152 tỉ đồng cho các đối tượng, trong đó đã thực hiện chi trả 143 tỉ đồng. Riêng đối với người lao động tự do, tới nay toàn thành phố đã hỗ trợ cho 5.100 người với số tiền 7,75 tỉ đồng.

Bài liên quan
Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Doanh nghiệp phải được tiếp cận vốn hỗ trợ để tồn tại trong đại dịch
Để tồn tại được trong đại dịch, doanh nghiệp phải được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ để đảm bảo cho khả năng thanh khoản của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Người lao động kêu than về chính sách hỗ trợ, Sở LĐ-TB-XH bàn cách tháo gỡ