Tính đến cuối nhiệm kỳ, ước tính có 14/20 chỉ tiêu đạt và vượt theo kế hoạch đề ra nhưng đến có 6/20 chỉ tiêu rất khó khăn để có thể hoàn thành, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Hà Nội: Nhiều chỉ tiêu quan trọng khó đạt mục tiêu

Hoài Lam | 14/06/2023, 12:50

Tính đến cuối nhiệm kỳ, ước tính có 14/20 chỉ tiêu đạt và vượt theo kế hoạch đề ra nhưng đến có 6/20 chỉ tiêu rất khó khăn để có thể hoàn thành, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng.

Sáng 14.6, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (khóa 17) khai mạc hội nghị lần thứ 13 để xem xét, thảo luận một số nội dung quan trọng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng; là dịp để nhìn lại, đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả, thành tựu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay; đồng thời chỉ ra những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, nguyên nhân và rút ra những bài học kinh nghiệm; dự báo bối cảnh tình hình mới

Ông Dũng cho hay, qua đánh giá, tính đến thời điểm hiện nay, so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội ước tính có 9/20 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt vào cuối nhiệm kỳ. Tính đến cuối nhiệm kỳ, ước tính có 14/20 chỉ tiêu đạt,  vượt theo kế hoạch đề ra và có 6/20 chỉ tiêu rất khó khăn để hoàn thành.

Cụ thể là tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); GRDP bình quân/người; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng; tốc độ tăng năng suất lao động.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị làm rõ nguyên nhân, nhất là đối với những chỉ tiêu còn thấp, phân tích những thuận lợi, khó khăn, nguồn lực để thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ.

Về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, ông Dũng cho hay, từ ngày 1.7.2021, Hà Nội đã chính thức tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Qua 2 năm thực hiện thí điểm, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, các nội dung thí điểm được triển khai đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, cơ bản đảm bảo các mục tiêu, mục đích, tiến độ đề ra; tạo sự chuyển biến rõ rệt, có bước đột phá trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở.

dung.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Để chuẩn bị báo cáo Bộ Chính trị về việc sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, ông Dũng đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo; đặc biệt là cho ý kiến đối với 5 đề xuất, kiến nghị của Thành ủy đối với Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu tập trung, thảo luận kỹ, cho ý kiến cụ thể về các nội dung như: Việc điều chỉnh giảm tổng nguồn vốn đầu tư công trung hạn; đánh giá tính khả thi của các khoản thu từ đất, nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, các nguồn huy động khác…; rà soát, đánh giá khả năng thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025; các dự án dân sinh gây bức xúc; dự án trong các lĩnh vực môi trường, văn hóa, giáo dục, y tế, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… đang được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Đối với điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 của cấp thành phố. Đến nay, căn cứ tình hình thực tiễn kết quả giải ngân toàn thành phố, đến ngày 31.5.2023, đạt 24,8% kế hoạch giao (thấp so với yêu cầu đề ra); tiến độ thực hiện một số dự án có vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ, không đảm bảo tiến độ giải ngân; một số dự án có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoặc đã đủ thủ tục, điều kiện để bố trí vốn khởi công…

Trên cơ sở đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu đề xuất các giải pháp, nhất là giải pháp có tính đột phá cho các “điểm nghẽn” có tính chủ quan trong chỉ đạo điều hành giải ngân vốn đầu tư công của các cấp, ngành; đặc biệt, cần thảo luận, cho ý kiến kỹ về phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố.

Về Dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong xử lý công việc của các cấp ủy, địa phương, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội, ông Dũng nhấn mạnh đây là một trong những nội dung quan trọng.

“Điều này nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại; phát huy ưu điểm, quyết tâm tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của hệ thống chính trị toàn thành phố về kỷ luật, kỷ cương, về trách nhiệm trong xử lý công việc; tránh tình trạng đùn đẩy, tránh né, trông chờ, ỷ lại, nêu cao ý chí quyết tâm, khát vọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 17 Đảng bộ Thành phố. Do đó, đề nghị các đại biểu nghiên cứu, đóng góp ý kiến để Ban Thường vụ Thành ủy tiếp thu, ban hành và tổ chức thực hiện”, ông Dũng nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Nhiều chỉ tiêu quan trọng khó đạt mục tiêu