Với tình hình dịch bệnh tăng cao, Hà Nội đã chấp nhận phương án thí điểm cách ly F1 tại nhà và điều trị F0 ở y tế cấp xã.
Từ ngày 11.10 đến nay, trung bình mỗi ngày Hà Nội phát sinh hơn 60 ca F0, cao hơn nhiều so với giai đoạn trước. Đặc biệt những ngày gần đây, số ca F0 tăng lên mức 3 con số. Trong đó từ 18 giờ ngày 14.11 đến 18 giờ ngày 15.11, Hà Nội đã ghi nhận thêm 289 ca mắc mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ F1 chuyển thành F0 và tỷ lệ người đã tiêm 2 mũi vắc xin mắcCOVID-19 có xu hướng tăng nhanh. Hiện Hà Nội có 12 chùm ca bệnh và vẫn còn hơn 120 điểm phong tỏa phòng, chống COVID-19.
Hà Nội sẽ không tiến hành giãn cách theo chỉ thị 15, 16 hay 19 mà sẽ chỉ thực hiện phong tỏa diện hẹp nhất, an toàn nhất đối với các khu vực có bệnh nhân cũng như liên quan đến bệnh nhân mắc COVID-19 được phát hiện. "Hà Nội sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, mà xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc, nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy. Nguyên nhân bùng phát dịch mạnh mẽ là do người dân chủ quan đi lại không thực hiện đủ 5K và đã tiêm 2 mũi vắc xin" - đại diện ngành y tế Hà Nội cho hay.
Bên cạnh đó, người dân từ các tỉnh, thành phố có dịch về Hà Nội chưa thực hiện nghiêm việc theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà. Thậm chí, còn có hiện tượng giao lưu, tiếp xúc nhiều, nên đã có những ca lây nhiễm thứ phát. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh trên địa bàn thành phố về cơ bản được kiểm soát, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể xuất hiện nhiều chùm ca bệnh mới.
Theo PGS TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng việc cách ly F1 tại nhà, hiện tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thực hiện. Trong đó, Nam Từ Liêm, Hà Đông hay ở Quốc Oai đã cho các trường hợp F1 theo quy định của Bộ Y tế được cách ly tại nhà để đảm bảo phòng, chống dịch. Hiện nay, Bộ Y tế và Hà Nội đã có hướng dẫn cho phép các F1 thuộc 4 nhóm đối tượng bao gồm: người già, người có bệnh nền, trẻ em, phụ nữ mang thai đồng thời đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất cũng như khu vực cách ly được cách ly tại nhà.
Một số điều kiện với F1 cách ly tại nhà có thể kể đến như: có phòng riêng để thực hiện cách ly, có nhà vệ sinh riêng, có người chăm sóc, thu gom, xử lý rác thải theo đúng quy định. Các F1 cách ly tại nhà cũng sẽ được thực hiện xét nghiệm COVID-19 định kỳ. Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND TP.Hà Nội cũng đã đồng ý cho 12 khách sạn cách ly tập trung bổ sung đối tượng cách ly tập trung là người tiếp xúc gần (F1) tại khách sạn do người cách ly tự nguyện chi trả phí. Cụ thể, ở quận Hoàn Kiếm có 6 khách sạn được cho F1 cách ly trả phí, quận Ba Đình có 2 khách sạn, quận Hà Đông có 1 khách sạn và huyện Sóc Sơn có 3 khách sạn. Thời gian thực hiện sẽ từ ngày 15.11. Cùng với đó, thành phố đang thiết lập các trạm y tế lưu động để sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ, nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp trên quy mô lớn. Thời gian tới, các trạm y tế này sẽ là “cánh tay nối dài” của các bệnh viện tuyến huyện, xã để hỗ trợ cho việc điều trị F0 không triệu chứng. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, việc thành phố mở cửa để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội phải đối diện với việc xuất hiện nhiều ca bệnh là điều đã được dự báo. Người dân không được dựa vào việc đã tiêm vắc xin mà chủ quan trong sinh hoạt. Mỗi người cần có ý thức thực hiện “tiêm vắc xin + 5K” để bảo đảm chung sống an toàn với dịch.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ Y tế quan tâm phân bổ vắc xin cho Hà Nội để tiêm cho người dưới 18 tuổi như kế hoạch; tạo điều kiện cho thành phố thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.