Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ 2.9, các bến xe lớn tại Hà Nội, TP.HCM đã có kế hoạch tăng cường thêm các phương tiện phục vụ người dân.

Hà Nội, TP.HCM tăng cường xe khách cho người dân đi lại dịp 2.9

Tuyết Nhung | 17/08/2022, 19:55

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dịp lễ 2.9, các bến xe lớn tại Hà Nội, TP.HCM đã có kế hoạch tăng cường thêm các phương tiện phục vụ người dân.

xe-khach.jpg

Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội (thuộc Tổng công ty Vận tải Hà Nội) cho biết, Lễ Quốc khánh năm nay diễn ra vào ngày thứ 6 và trùng vào kỳ nghỉ cuối tuần nên người dân được nghỉ 4 ngày, bắt đầu từ ngày (1.9) đến hết ngày Chủ nhật (4.9). Chính vì thế, nhu cầu đi lại tham quan, nghỉ dưỡng, thăm thân của người dân sẽ tăng nhiều trong dịp lễ.

Sau dịch bệnh COVID-19, nhu cầu đi lại của người dân cũng gia tăng, vì vậy lượng khách trên các bến xe sẽ tăng nhiều trên tất cả các tuyến, đặc biệt là các tuyến có các điểm du lịch ở các vùng núi và các vùng biển khu vực phía Bắc.

Dự báo luồng hành khách và lượng xe cần tăng cường để giải tỏa khách trong thời gian nghỉ lễ sẽ tăng mạnh, trong một số thời gian cao điểm sẽ có sự gia tăng đột biến về luồng hành khách đi vào chiều 31.8 và ngày 1.9, luồng hành khách về sẽ tập trung chủ yếu vào ngày 4.9.

Do đặc diểm của từng bến, từng tuyến sẽ có lưu lượng khác nhau, dự kiến như sau: Tại bến xe Giáp Bát, lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 250% và ước đạt 11.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 16.000 lượt khách/ngày; lượt xe dự kiến là 900 lượt xe/ngày tăng khoảng 35% so với ngày thường. Khách tăng tập trung chủ yếu các tuyến Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng.

Tại bến xe Mỹ Đình, lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 250% và ước đạt 10.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 15.000 lượt khách/ngày; lượt xe dự kiến là 880 lượt xe/ngày tăng khoảng 35% so với ngày thường. chủ yếu ở các tuyến đường: Sơn La, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh, Phú Thọ, Yên Bái.

Tại bến xe Gia Lâm, lượt khách bình quân trong kỳ nghỉ lễ sẽ tăng khoảng 200% và ước đạt 5.000 lượt khách/ngày. Trong ngày cao điểm sẽ tăng 300% so với ngày thường và ước đạt 7.500 lượt khách/ngày; lượt xe dự kiến là 500 lượt xe/ngày tăng khoảng 30% so với ngày thường. chủ yếu tập trung ở các tuyến như Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang...

Mặc dù lượng khách tăng khá cao so với ngày thường, tuy nhiên trong các ngày thường hệ số khai thác sức chứa của các phương tiện thấp (6 đến 8 khách/xe), nên lượng khách tăng lên sẽ không gây áp lực nhiều về lượng phương tiện tăng cường.

Trên cơ sở dự kiến lưu lượng hành khách đi lại trên 3 bến, Công ty cổ phần Bến xe Hà Nội sẽ bố trí tăng cường 580 phương tiện, phối hợp với trung tâm điều hành xe buýt của Tổng công ty vận tải Hà Nội để tăng tuần suất và số chuyến xe buýt để phục vụ kịp thời khách đến bến đi vào nội đô.

Đồng thời, giao các bến xe lên kế hoạch phục vụ, chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như vé, quầy vé, bán vé cho các tuyến cao điểm và chỉ đạo các bộ phận quản lý và điều hành thực hiện nghiêm chỉnh việc đảm bảo trật tự an ninh, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường trên bến.

Tại TP.HCM, Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) dự kiến lượng khách chủ yếu tăng trong chiều, tối ngày 1 và 2.9 trên một số tuyến đường có cự ly trung bình ngắn, nhất là các tuyến đi đến trung tâm du lịch như Vũng Tàu, Đà Lạt, Phan Thiết, Nha Trang…

Dự báo, số lượt xe xuất bến tại Bến xe Miền Đông (từ ngày 31.8 đến 4.9) khoảng 5.020 xe với 105.380 lượt khách. Trong đó, cao điểm nhất là ngày 1 và 2.9 với lần lượt là hơn 24.000 và hơn 29.000 lượt khách/ngày.

Tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân), dự kiến dịp lễ 2.9 sẽ có 6.320 xe xuất bến với 173.100 lượt khách đi lại trong thời gian từ ngày 31.8 đến 4.9. Cao điểm nhất là ngày 1.9, hành khách xuất bến dự kiến đạt trên 48.000 khách. So với bình quân ngày thường trước dịch, lượng khách tăng 150%.

Để bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, các bến xe lớn trên địa bàn TP.HCM cũng đề nghị Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố xét cấp phù hiệu chạy xe tuyến cố định tăng cường để cấp cho các xe tăng cường giải tỏa hành khách trong dịp này; hỗ trợ tăng cường xe buýt cho bến xe để kịp thời giải tỏa hành khách vào các ngày cao điểm.

Đồng thời, các bến xe cũng kiến nghị Sở GTVT thành phố có kế hoạch chủ động phân luồng giao thông trên các trục đường cửa ngõ ra vào thành phố trong các ngày cao điểm để giảm ùn tắc, nhất là phối hợp với ngành giao thông vận tải các tỉnh, thành phía Nam trên các tuyến về miền Tây để tạo thuận lợi cho người dân đi lại.

Về giá vé, hiện các bến xe cũng đã kiến nghị Sở GTVT thành phố phối hợp với các sở giao thông vận tải, tài chính các tỉnh, thành khác chỉ đạo các đơn vị vận tải trên địa bàn quản lý thống nhất xây dựng mức giá vé và thời điểm tăng giá trong dịp Quốc khánh 2.9 để bù đắp chi phí, khuyến khích xe quay vòng nhanh tham gia giải tỏa khách; tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng dừng, đỗ đón trả khách sai quy định để tránh ùn tắc, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bài liên quan
Những điều ít người biết về kỳ đài lễ Quốc khánh đầu tiên 1945
Trước lúc rạng đông ngày 2.9.1945, kỳ đài lễ Quốc khánh đầu tiên đã hoàn thành. Đó là một khối cao 4m, rộng 4m, phía trên kỳ đài có một cột cờ cao 10m, hai bên có hai lư hương bằng gỗ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội, TP.HCM tăng cường xe khách cho người dân đi lại dịp 2.9