Theo đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp (DN), thì hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều đã đặt mục tiêu là sẽ đạt 500.000 DN. Vậy, còn các tỉnh thành còn lại thì sao?

Hà Nội và TP.HCM đặt mục tiêu đạt 500.000 DN, vậy còn lại thì sao?

Nhàn Đàm | 04/07/2016, 10:23

Theo đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp (DN), thì hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều đã đặt mục tiêu là sẽ đạt 500.000 DN. Vậy, còn các tỉnh thành còn lại thì sao?

Tính đến thời điểm hiện tại, 2 tháng sau khi Thủ tướng phát động chiến dịch cải cách nền kinh tế, có thể thấy bức tranh tổng hợp về nền kinh tế mà Chính phủ hướng tới trong tương lai đã dần định hình. Cốt lõi của bức tranh cải cách là giải phóng tối đa tiềm lực của nền kinh tế: đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo, cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích khởi nghiệp, tăng đầu tư và phân cấp cho các trung tâm kinh tế lớn đóng vai trò đầu tàu của nền kinh tế như Hà Nội và TP.HCM…

Nếu tất cả những nỗ lực này đều được thực hiện một cách trọn vẹn, không nghi ngờ gì việc nền kinh tế Việt Nam sẽ có được một sức bật đáng kể. Tuy nhiên, trong bức tranh tổng hợp đãđược định hình đó, vẫn còn thiếu một mảnh ghép cuối cùng và cũng rất quan trọng: giải pháp thúc đẩy tiềm năng của các tỉnh thành trong cả nước. Theo đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đến năm 2020 Việt Nam sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp (DN), thì hai đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều đã đặt mục tiêu là sẽ đạt 500.000 DN. Vậy, còn các tỉnh thành còn lại thì sao?

Cuộc gặp mặt mới nhất giữa lãnh đạo TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp hôm 3.7 vừa qua được xem là một sự kiện khá đặc biệt, khi nó là lần gặp gỡ đầu tiên giữa chính quyền thành phố và các DN sau chuyến công tác của Thủ tướng và các bộ ngành đến TP.HCM. Trong đó khá nhiều những sự phân cấp và nới rộng quyền hạn cho chính quyền thành phố đã được người đứng đầu Chính phủ công bố. Nói cách khác, TP.HCM có thể xem như đã có được một cơ chế đặc thù cần thiết để thúc đẩy phát triển.

Đề án phát triển mà TP.HCM khá tham vọng, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phongthì TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có khoảng 500.000 DN từ con số 170.000 DN hiện nay. Đây cũng là mục tiêu mà chính quyền thành phố Hà Nội đã đặt ra trong bản kế hoạch tổng hợp phát triển giai đoạn 2016 - 2020 được công bố trong tháng 6. Việc tăng cường đầu tư và mở rộng quyền hạn của các trung tâm kinh tế lớn đóng vai trò đầu tàu kinh tế như Hà Nội và TP.HCM có thể xem như một giải pháp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng chung của cả nước, khi đây là nơi tập trung đông đảo doanh nghiệp nhất. Đề án “Quốc gia khởi nghiệp” được Chính phủ công bố đặt mục tiêu đến năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 1 triệu DN, và nếu như Hà Nội và TP.HCM mỗi thành phố đều đặt mục tiêu sẽ có 500.000, thì các tỉnh thành còn lại thì sao?

Điều này đang đặt ra câu hỏi về vai trò và vị trí của hầu hết các tỉnh thành trong cả nước trong chiến lược cải cách và phát triển kinh tế của chính phủ thời điểm hiện tại. Rõ ràng đây là một mảnhghép quan trọng trong bức tranh tổng hợp về nền kinh tế đất nước, nhưng dường như Việt Nam lại chưa có một chiến lược và kế hoạch cần thiết để phát triển mảnhghép quan trọng này. Trong suốt nhiều năm, phần lớn các tỉnh thành trong cả nước đóng một vai trò hết sức khiêm tốn trong nền kinh tế.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước chỉ có 13/64 tỉnh thành cân đối được thu chi và có điều tiết ngân sách về Trung ương, còn lại là thuộc diện vẫn thường xuyên cần sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ - một cách nói khác của tình trạng khá thường xuyên xảy ra ở phần lớn các tỉnh thành trong cả nước: chi vượt quá thu. Trong trường hợp này, vấn đề không dừng lại ở việc phần lớn các tỉnh thành đều rơi vào tình trạng chi vượt quá thu nhiều lần, mà nó còn là một nhược điểm cốt lõi trong bức tranh kinh tế Việt Nam: các địa phương phát triển nhất cả nước đang phải căng mình ra kéo theo quá nhiều các tỉnh thành kém phát triển với cái giá quá đắt là không phát huy hết tiềm năng của mình. Việc TP.HCM được giữ lại quá ít ngân sách cho đầu tư phát triển những năm qua để bù đắp cho nhiều tỉnh thành kém hiệu quả trên cả nước là một ví dụ điển hình.

Câu chuyện cả Hà Nội và TP.HCM đều đặt mục tiêu có một nửa số DN theo mục tiêu của đề án “Quốc gia khởi nghiệp” đang đặt ra một vấn đề khá bức thiết: dường như chúng ta đang bỏ quên phần lớn các tỉnh thành trong cả nước, cũng như tiềm năng của các địa phương này. Một ví dụ khá điển hình là trường hợp của Đà Nẵng. Được xem như đô thị lớn thứ ba trong cả nước, nhưng dự toán tổng thu ngân sách trong địa bàn năm 2015 xếp tận thứ 12, chỉ đạt khoảng 11.661 tỉđồng, nghĩa là thậm chí còn chưa bằng mức nộp ngân sách trong một năm của một doanh nghiệp là SABECO với khoảng 13.000 tỉđồng. Đó là trong bối cảnh Đà Nẵng được xem là sở hữu rất nhiều lợi thế để phát triển kinh tế như du lịch và dịch vụ - những lợi thế mà phần lớn các tỉnh thành khác trên cả nước đều không có.

Vì thế, cũng khó có thể trách các địa phương trên cả nước đều ra sức thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để cải thiện tình hình kinh tế địa phương dù nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo về những mặt trái của loại hình đầu tư này. Vì trong bối cảnh các DN trong nước vẫn bị kìm hãm, và bản thân các địa phương vẫn chưa được tạo điều kiện phát triển còn Trung ương thì không có một chiến lược và kế hoạch cần thiết để giúp các tỉnh thành trên cả nước tự phát triển, thì thu hút đầu tư FDI là giải pháp duy nhất có thể đưa địa phương phát triển về kinh tế và cải thiện đời sống của người dân. Chính vì thế, chẳng có gì bất ngờ khi phần lớn các tỉnh thành nằm trong số 13/64 địa phương cân đối được thu chi và có điều tiết ngân sách về Trung ương hầu hết đều là các trung tâm công nghiệp và sản xuất quy mô lớn, ngoài Hà Nội và TP.HCM có thể kể đến Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bắc Ninh…

Kể cả ở thời điểm hiện tại, khi Chính phủ đang nỗ lực cải cách nền kinh tế, thì dường như vai trò và tiềm năng phát triển của các địa phương vẫn đang bị bỏ ngỏ. Động thái mới nhất của chính phủ với các địa phương hiện tại là buộc các địa phương tự cân đối ngân sách thay vì xin Trung ương trợ cấp như trước. Đó có thể là một bước tiến lớn, vì khi các tỉnh thành trong cả nước tự cân đối thu chi thì các đầu tàu kinh tế như TP.HCM mới có thể chạy hết công suất; đồng thời nó cũng buộc các địa phương phải tự tìm ra các giải pháp phát triển của riêng mình. Tuy nhiên, vấn đề không hề dễ dàng. Xu hướng trong tương lai gần của Nhà nước và Chính phủ là dần hạn chế và chọn lọc kỹ lưỡng các dự án đầu tư FDI để chuyển trọng tâm cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Đó có thể là một tin tức rất tốt cho các trung tâm như Hà Nội và TP.HCM, nhưng với các tỉnh thành khác thì chưa chắc. Số doanh nghiệp trong nước hoạt động ở địa bàn các tỉnh thành vẫn còn quá thấp, trong khi các dự án đầu tư FDI sẽ dần ít đi.

Có lẽ, ở thời điểm hiện tại, điều quan trọng nhất để giải phóng tiềm năng phát triển của hầu hết các tỉnh thành trong cả nước là một cơ chế buộc các địa phương tự phát triển hết khả năng có thể và một sự phân cấp quyền hạn cần thiết để thực hiện điều đó, tương tự như những gì Nhà nước và Chính phủ đã làm với TP.HCM. Đầu tàu sẽ chạy nhanh hơn nếu không phải kéo các toa tàu, nhưng các toa tàu cũng phải tự di chuyển nhanh nhất có thể mới được.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
một giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội và TP.HCM đặt mục tiêu đạt 500.000 DN, vậy còn lại thì sao?