Bản tin dịch COVID-19 sáng 6.8 cho biết có thêm 4.009 ca mắc COVID-19, TPHCM nhiều nhất với 2.563 ca. Đến nay, đã có 8 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm chủng ở nước ta.

Sáng 6.8: Thêm 4.009 ca COVID-19, hơn 8 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng

PV | 06/08/2021, 05:41

Bản tin dịch COVID-19 sáng 6.8 cho biết có thêm 4.009 ca mắc COVID-19, TPHCM nhiều nhất với 2.563 ca. Đến nay, đã có 8 triệu liều vaccine COVID-19 đã được tiêm chủng ở nước ta.

Thông tin các ca mắc COVID-19 mới

Tính từ 18h ngày 5.8 đến 6h ngày 6.8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.009 ca nhiễm mới trong nước tại:  TP.HCM (2.563), Bình Dương (322), Long An (286), Tiền Giang (253), Đồng Nai (207), Đà Nẵng (77); Vĩnh Long (63), Đồng Tháp (53), An Giang (47), Trà Vinh (34), Phú Yên (27), Bình Định (19), Kiên Giang (17), Gia Lai (14), Hà Tĩnh (5), Đắk Nông (4), Thanh Hóa (4), Lâm Đồng (4), Bạc Liêu (2), Lào Cai (2), Quảng Trị (2), Lạng Sơn (2), Hải Dương (1), Hà Nội (1) trong đó có 823 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam

Theo Bộ Y tế, tính đến sáng ngày 06.8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 189.066 ca nhiễm trong đó có 2.334 ca nhập cảnh và 186.732 ca mắc trong nước.

Nếu tính riêng đợt dịch thứ 4 từ 27.4 đến nay, số ca nhiễm trong nước là 185.162 ca, trong đó có 55.266 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Đến nay có 2/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới: Quảng Ninh, Bắc Kạn.

Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình.

Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19

- Tổng số ca được điều trị khỏi: 58.040 ca.

- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 486 ca.

- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

Tình hình tiêm chủng vaccine COVID-19

Trong ngày 5.8, đã có thêm 442.422 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 8.061.116 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 7.241.093 liều, tiêm mũi 2 là 820.023 liều.

TP.HCM: Thêm đường dây nóng 093.95.96.999

Trước thực trạng hoang mang, lo lắng và cần được hỗ trợ y tế của các ca nhiễm mới COVID-19 hoặc có nguy cơ nhiễm, TP.HCM đã thành lập mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thông qua đường dây nóng 093.95.96.999, để hướng dẫn, tư vấn cũng như hỗ trợ sàng lọc các trường hợp cần được chăm sóc y tế. Theo đó, các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly F0 của quận, huyện và các bệnh viện chịu trách nhiệm tiếp nhận các trường hợp đã được mạng lưới "Thầy thuốc đồng hành" và tổ COVID-19 cộng đồng khám sàng lọc, đánh giá, xác định thuộc nhóm nguy cơ.

SK&ĐS dẫn lời ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết đến 5.8, tại các bệnh viện được Sở Y tế phân công điều trị COVID-19, số bệnh nhân đang điều trị là 33.378 trường hợp. Trong đó, 2.070 người bệnh đang được hỗ trợ hô hấp, 1.331 ca bệnh nặng. Trong 1.331 bệnh nhân nặng, 1.277 trường hợp thở máy, 39 người bệnh cần lọc máu và 15 ca sử dụng ECMO. Số ca tử vong tại TP.HCM tính đến 5.8 là 2.105 trường hợp (chiếm tỉ lệ 1,94%).

Hiện nay, tại TP.HCM có 193 cơ sở cách ly F0, phân bố tại TP Thủ Đức và các quận huyện. Các cơ sở này đảm nhận nhiệm vụ cách ly và điều trị F0 tại tầng 1 với 53.617 giường. Từ đó, góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19.

Đề nghị phân bổ thêm 5,5 triệu liều vắc xin cho TP.HCM

Theo HCDC, TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Chính phủ đề nghị phân bổ thêm 5,5 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm cho người dân trong tháng 8 (gồm 4,5 triệu liều mũi 1 và 1 triệu liều mũi 2). Bên cạnh đó để đảm bảo an toàn, Thành phố cũng đề nghị người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin nào thì nên tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Riêng trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, nếu người tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca đồng ý thì có thể phối hợp tiêm mũi 2 bằng vắc-xin Pfizer.

TP.HCM: Không có việc tăng giá, ngưng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu hoả táng

Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường, căn cứ vào hướng dẫn 636 ngày 12.2.2020 và hướng dẫn 2223 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia, quy trình xử lý đối với trường hợp người tử vong do bị bệnh sẽ gồm 6 bước.

Tại tất cả các tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế, các đơn vị đều buộc phải tuân thủ quy trình xử lý một cách nghiêm ngặt. Trên địa bàn TP.HCM, bệnh nhân tử vong do COVID-19 được hoả táng tại cơ sở Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân).

Cơ sở này hiện nay hoạt động 24/24 để đảm bảo đáp ứng nhu cầu xử lý. Về chi phí, cơ sở hoả táng Bình Hưng Hoà do nhà nước quản lý, giao cho Công ty Môi trường đô thị điều hành.

Do đó, không có việc tăng giá, ngưng tiếp nhận các trường hợp có nhu cầu hoả táng. Với trường hợp người từ vong không có người thân hoặc người thân đang ở khu phong tỏa, phần tro cốt sẽ do Công ty Môi trường Đô thị lưu giữ và thông tin về gia đình. Đơn vị này sẽ trao lại cho gia đình khi có người tiếp nhận.

“Hiện nay, trong quá trình xử lý các trường hợp tử vong do COVID-19 vẫn còn tồn tại một số bất cập. Sở đã tiếp nhận những thông tin phản ánh và đang điều chỉnh những vướng mắc cho phù hợp”, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết thêm.

Liên quan đến việc hỗ trợ hỏa táng và lưu trữ tro cốt, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi thông tin thêm, chế độ chính sách hỗ trợ của TP trong phòng chống dịch COVID-19 có chế độ hỗ trợ cho người nghèo.

Có thể quy định vẫn chưa đủ và bao quát hết, tuy nhiên chủ trương của TP sẽ hỗ trợ đối với những gia đình không may có người mất bằng ngân sách của TP hoặc nguồn xã hội hóa.

“Đây là việc thiêng liêng, cần được làm chu đáo”, Phó Bí thư Phan Văn Mãi cho biết.

Kiểm tra tình hình điều trị tại các bệnh viện dã chiến ở Bình Dương

Chiều 5.8, Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ do Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng làm Tổ trưởng đã đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Bình Dương, trong đó có những nỗ lực rất lớn của Tổng Công ty Becamex IDC trong việc góp phần thành lập 3 cơ sở điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn với khả năng thu dung ,điều trị cho hơn 11.500 người ở các tầng 1 và tầng 2.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC cho biết đến nay, 3 cơ sở điều trị tại các bệnh viện dã chiến Bình Dương gồm: Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1, đặt tại WTC Expo có khả năng thu dung, điều trị cho 3.000 ca F0; Cơ sở 2 của Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 có khả năng thu dung, điều trị cho 5.300 ca mắc Covid-19, trong đó có 2.000 giường được kết nối với hệ thống oxy trung tâm để phục vụ điều trị cho bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 và Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 3 tại khuôn viên Đại học Việt Đức có khả năng thu dung, điều trị cho 3.000 ca F0.

Tỉnh Bình Dương cũng đã có quyết định thành lập Bệnh viện dã chiến số 4 đặt tại huyện Bàu Bàng với quy mô lên đến 5.000 giường bệnh.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho kịch bản số ca tăng nhanh, tỉnh cũng đã triển khai phương án thu dung, điều trị lên đến 30.000 ca F0 trên địa bàn.

Qua làm việc với Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ, tỉnh Bình Dương mong muốn trong những ngày tới Bộ Quốc phòng tiếp tục hỗ trợ tỉnh trong việc tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân F0 tại Bệnh viện dã chiến 5B đặt tại Trung tâm giáo dục an ninh – quốc phòng, phường Phú Lợi TP Thủ Dầu Một và tại Bệnh viện dã chiến 5D làng Đại học Quốc gia để giúp tỉnh giảm bớt những áp lực, không chỉ điều kiện cơ sở vật chất mà chính là nguồn nhân lực cán bộ y tế, y bác sĩ phục vụ công tác điều trị cho bệnh nhân.

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Bình Dương mong muốn Bộ Quốc phòng sẽ “chi viện” lực lượng Quân y để giúp tỉnh đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ tốt cho công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn đạt kết quả tốt hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Du lịch xanh lên ngôi
6 giờ trước Văn hóa
Xu hướng du lịch xanh trong những năm gần đây ngày càng "lên ngôi", được nhiều du khách trong và ngoài nước quan tâm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng 6.8: Thêm 4.009 ca COVID-19, hơn 8 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng