Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Hiện tại có một số địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả đang đứng trước nguy cơ chết khô.

Hà Tĩnh điên đảo vì nắng nóng

Quang Cường | 28/06/2019, 17:39

Từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tục xảy ra nắng nóng trên diện rộng. Hiện tại có một số địa phương thiếu nước sinh hoạt trầm trọng; nhiều diện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả đang đứng trước nguy cơ chết khô.

Cây trồng bị khô héo

Theo Chi cục thủy lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Tĩnh, từ đầu tháng 6 đến nay, trên địa bàn tỉnh này có nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Nhiệt độtừ 38,2 – 40,2 độ; các huyện miền núi như Hương Khê, Vũ Quang có một số thời điểm nhiệt độ lên trên 42 độ.

Do nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi lớn nên các hồ, đập chứa nước thủy lợi nhanh chóng khô cạn. Nhiều dện tích lúa, hoa màu và cây ăn quả không có nước tưới nên bị chậm phát triển và có nguy cơ chết khô.

Tính đến ngày 21.6, toàn tỉnh Hà Tĩnh gieo cấy được hơn 43.000ha lúa. Tính đến ngày 25.6, toàn tỉnh này có 543ha lúa bị cạn, chậm nước, chủ yếu ở các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Thạch Hà.

Ruộng lúa ở xã Hương Thủy, huyện Hương Khê bị nứt nẻ và khô héo vì thiếu nước kéo dài - Ảnh: H.T

Hồ chứa nước đã cạn - Ảnh: Q.C

Huyện Hương Khê, nơi được mệnh danh là "chảo lửa miền Trung",là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nhất tỉnh Hà Tĩnh trongđợt hạn hán này.

Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hương Khê cho biết, tính đến hôm nay (28.6), đã 24 ngày trên địa bàn huyện này không có mưa và chịu thời tiết nắng nóng gay gắt.

Thời tiết khắc nghiệt này khiến toàn huyện Hương Khê có nhiều loại cây trồng bị thiếu nước dẫn đến chậm phát triển gồm 1.000ha lúa, 1.000ha đậu, ngô; 300ha cây ăn quả có múi. Trong số 1.000 ha lúa vụ hè - thu này, có khoảng 500ha không hề có giọt nước nào để tưới, trong đó có khoảng 300ha ruộng bị khô, nứt nẻ.

Huyện Hương Khê có 157 hồ, đập thì nay chỉ còn 18 hồ còn có nước tưới, còn lại đều dưới mực nước chết.

Ông Vinh cũng cho hay, các hồ đập ở huyện này có dung tích nhỏ và phần lớn dựa vào nước mưa. Hiện tại một số hồ còn nước nhưng không nhiều, nếu trời nắng tiếp tục kéo dài thì các hồ này sẽ cạn và gây thiệt hại về cây trồng.

Ngô ở xã Hương Thủy bị cháy khôvì nắng - Ảnh: Q.C

Cây cam thiếu nước tưới nên bị héo, chậm phát triển và có nguy cơ chết khô - Ảnh: H.T

ChịNguyễn Thị Hà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê): "Trước đây những người trồng chè chúngtôi thường bơm nước từ hồ chứa gần vườn lên tưới cho cây chè, nhưng đã mấy ngày nay hồ chứa không còn nước nên cây chè bắt đầu héo ngọn, có dấu hiệu cháy lá" - Ảnh: Q.C

Người dân thiếu nước sinh hoạt

Không chỉ thiếu nước tưới cho cây trồng, tại huyện Hương Khê có hơn 40% giếng đào của người dân ở các xã Hương Thủy, Hương Lâm, Hương Liên… đã khô nước, người dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng hơn chục ngày nay.

Tại xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nhiều hộ dân ở xóm 9 phải mang can đi xin nước từ những nhà có giếng ở vị tí thấp, chưa bị khô cạn.

Ông Lê Đình Thông (ở xóm 9, xã Hương Thủy) nói: “Tôi ở đây gần 30 năm nhưng chưa bao giờ thấy hạn hán khốc liệt như năm nay. Giếng nhà tôi đã trơ đáy hơn một tuần”.

Ông Thông cho biết, gia đình ông có giếng đào nhưng đã bị cạn nên ông thuê người về khoan giếng mới, nhưng khoan đến 60m vẫn không có nước nên đành bỏ cuộc. Hằng ngày ông Thông phải xách can nhựa sang nhà hàng xóm xin nước để nấu ăn, còn nước tắm giặt thì phải đi chở từ các sông suối trong vùng.

Người dân xã Hương Thủy phải xách can đi xin nước về ăn uống - Ảnh: H.T

Có nhiều gia đình tại xã này cùng chung cảnh ngộ với ông Thông. Cuộc sống của họ đang bị đảo lộn bởi đợt nắng nóng kéo dài khốc liệt này.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho hay: “Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gần một tháng qua không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn tác động trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương, doanh nghiệp, hộ sản xuất trong tỉnh đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cây trồng, vật nuôi nhằm giảm thiệt hại. Ngành chuyên môn ở Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn như ngăn đập, hồ để tích trữ nước phục vụ tưới tiêu; tập trung phòng chống cháy rừng và chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước sinh hoạt; khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.

Quang Cường – Hương Trà

Bài liên quan
Hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra khốc liệt ở vùng ĐBSCL
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ cho biết: “Từ nửa cuối tháng 12 tới nay, đa phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần như không mưa, chỉ một số nơi có mưa nhưng lượng mưa rất thấp. Điều này làm cho hạn mặn ở ĐBSCL diễn ra gay gắt”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Tĩnh điên đảo vì nắng nóng