Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã xác định rằng Apple có thể sử dụng thiết kế lại để vượt qua lệnh cấm nhập khẩu với Watch Series 9 và Ultra 2, xuất phát từ tranh chấp vi phạm bằng sáng chế với hãng công nghệ giám sát y tế Masimo, theo hồ sơ nộp lên tòa án hôm 15.1.2024.
Thế giới số

Hải quan Mỹ: Apple Watch Series 9 và Ultra 2 được thiết kế lại sẽ không bị cấm nhập khẩu

Sơn Vân 16/01/2024 08:05

Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ đã xác định rằng Apple có thể sử dụng thiết kế lại để vượt qua lệnh cấm nhập khẩu với Watch Series 9 và Ultra 2, xuất phát từ tranh chấp vi phạm bằng sáng chế với hãng công nghệ giám sát y tế Masimo, theo hồ sơ nộp lên tòa án hôm 15.1.2024.

Lệnh cấm nhập khẩu do Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) ban hành áp dụng với Apple Watch Series 9 và Ultra 2 hiện tại của Apple, ban đầu có hiệu lực vào ngày 26.12.2023. Apple đã thuyết phục Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ tạm dừng lệnh cấm này vào ngày 27.12.2023 và kể từ đó tiếp tục bán Watch Series 9 cùng Ultra 2 khi đang tranh cãi quyết định cấm nhập khẩu.

Apple nói rằng một thiết kế lại được đề xuất sẽ cho phép hãng tránh được những phát hiện rằng Watch Series 9 và Ultra 2 vi phạm bằng sáng chế đo nồng độ oxy trong máu của Masimo. Apple chưa công khai mô tả thiết kế lại, có thể liên quan đến bản cập nhật cho phần mềm của đồng hồ.

Theo hồ sơ của Masimo nộp lên Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ hôm 15.1, Apple nói với Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ rằng những chiếc đồng hồ được thiết kế lại của họ "chắc chắn không có chức năng đo nồng độ oxy trong máu". Hồ sơ của Apple nộp cho Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ cùng quyết định của cơ quan này vẫn chưa được công bố rộng rãi.

Người phát ngôn của Masimo nói hôm 15.1: “Phát biểu của Apple cho rằng mẫu đồng hồ được thiết kế lại không có chức năng đo oxy trong máu là một bước tiến tích cực hướng tới trách nhiệm giải trình”.

Apple hôm 15.1 cho biết Watch Series 9 và Ultra 2 có khả năng đo lượng oxy trong máu vẫn đang được bán.

hai-quan-my-apple-watch-series-9-va-ultra-2-duoc-thiet-ke-lai-se-khong-bi-cam-nhap-khau.jpg
Apple Watch Series 9 (trái) và Watch Ultra 2 (phải) - Ảnh: Internet

Masimo (có trụ sở tại thành phố Irvine, bang California, Mỹ) đã cáo buộc Apple thuê nhân viên của mình và đánh cắp công nghệ đo nồng độ oxy trong máu để sử dụng trong Apple Watch sau khi thảo luận về khả năng hợp tác.

Apple đã đưa tính năng đo nồng độ oxy trong máu vào đồng hồ thông minh kể từ thời Watch Series 6 hồi năm 2020. Masimo đã kiện Apple ở bang California vào năm đó, cáo buộc rằng gã khổng lồ công nghệ Mỹ đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến công nghệ đo nồng độ oxy trong máu và vi phạm bằng sáng chế của mình.

Apple đáp trả bằng cách kiện ngược Masimo vi phạm bằng sáng chế, gọi các hành động pháp lý của Masimo là "chiến thuật để mở đường" cho một chiếc đồng hồ thông minh cạnh tranh. Masimo đã phát hành đồng hồ thông minh W1, hỗ trợ theo dõi nồng độ oxy trong máu và các chỉ số sức khỏe khác, vào năm 2022.

Năm 2021, Masimo đã yêu cầu ITC cấm Apple nhập khẩu và bán Apple Watch bị cáo buộc vi phạm bằng sáng chế của mình. ITC đã ra phán quyết có lợi cho Masimo hồi tháng 12.2023 và lệnh cấm có hiệu lực vào 25.12.2023. Apple đã nhanh chóng ngừng bán Watch Series 9 và Ultra 2 ở Mỹ trước Giáng sinh do quyết định của ITC, dù chúng vẫn có sẵn tại các nhà bán lẻ khác ở Mỹ gồm Amazon, Best Buy, Costco và Walmart.

Thế nhưng, Apple tiếp tục bán Watch Series 9 và Ultra 2 vào ngày 27.12.2023 sau khi Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ cho biết sẽ tạm dừng lệnh cấm của ITC.

“Chúng tôi rất vui mừng được trả lại toàn bộ dòng sản phẩm Apple Watch cho khách hàng trong dịp năm mới. Apple Watch Series 9 và Watch Ultra 2, bao gồm cả tính năng đo oxy trong máu, sẽ có sẵn để mua lại ở Mỹ tại Apple Store bắt đầu từ hôm 27.12.2023 và trên Apple.com vào ngày 28.12.2023 lúc 12 giờ trưa theo giờ Thái Bình Dương", Apple tuyên bố.

Hôm 15.1, Apple cho biết quá trình kháng cáo có thể sẽ mất ít nhất một năm và hy vọng ngày 16.1 sẽ nhận được quyết định về việc yêu cầu giữ lệnh cấm của ITC bị tạm dừng trong thời gian đó.

Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ vẫn đang xem xét nên tiếp tục tạm dừng hay khôi phục lệnh cấm của ITC, áp dụng cho Apple Watch Series 9 và Ultra 2 có công nghệ đo nồng độ oxy trong máu mà chưa được thiết kế lại.

Apple lập luận rằng hãng có khả năng thắng kiện và việc cho phép lệnh cấm tiếp tục có hiệu lực sẽ gây ra tổn hại đáng kể cho công ty, các nhà cung cấp lẫn công chúng.

Masimo nói rằng việc duy trì tình trạng tạm dừng lệnh cấm của ITC sẽ gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh và danh tiếng của công ty cũng như "làm mất tinh thần" các nhà khoa học và kỹ sư của họ. Masimo cho biết trong hồ sơ hôm 15.1 gửi lên Tòa phúc thẩm Liên bang Mỹ rằng quyết định từ Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ làm suy yếu lập luận của Apple rằng việc khôi phục lệnh cấm sẽ gây ra tác hại không thể khắc phục cho gã khổng lồ công nghệ.

Stuart Cole, nhà kinh tế học chính tại hãng Equiti Capital, nhận xét: "Apple có thể dễ dàng phát triển phần mềm đo oxy trong máu riêng, chỉ là vấn đề thời gian... Chi phí phát triển phần mềm không phải là điều quá đáng lo ngại với một công ty giàu có như Apple. Vấn đề lớn hơn là điều này không tốt cho PR của Apple, vì gợi ý rằng hãng đang đánh cắp công nghệ từ đối thủ thay vì phát triển công nghệ của chính mình. Apple đang chiến đấu với vụ kiện này với tầm nhìn về ý nghĩa của nó với các sản phẩm đeo sức khỏe trong tương lai hơn là chỉ phần mềm cụ thể để giám sát oxy trong máu".

Các kỹ sư tại Apple từng nỗ lực đưa ra một bản sửa đổi phần mềm thay vì phần cứng với hy vọng có thể đáp ứng yêu cầu của ITC mà không cần phải loại bỏ bất kỳ phần cứng nào khỏi Watch Series 9 và Ultra 2, trang Bloomberg đưa tin. Tuy nhiên, tranh chấp giữa Apple với Masimo chủ yếu liên quan đến phần cứng, gồm cả cách ánh sáng được chiếu vào da để đo nồng độ oxy trong máu.

Masimo khẳng định chỉnh sửa phần mềm sẽ không đủ và "phải thay đổi phần cứng".

Evan Zimmerman, Giám đốc điều hành công ty sản xuất phần mềm soạn thảo bằng sáng chế Edge, cho rằng những tranh chấp kiểu này thường được giải quyết sớm, thay vì dẫn đến kết quả nghiêm trọng hơn.

"Các loại tranh chấp dẫn đến hạn chế nhập khẩu rất hiếm, thường chỉ dùng làm bàn đạp cho các cuộc đàm phán giải quyết", Evan Zimmerman nhận định. Ông nói thêm Apple có thể gặp khó trong việc giải quyết tranh chấp bằng chỉnh sửa phần mềm, do bằng sáng chế của Masimo bao phủ rất nhiều khía cạnh.

Sau khi chỉnh sửa, việc phân phối lại thiết bị ra thị trường sẽ mất nhiều thời gian. Theo Bloomberg, giai đoạn thử nghiệm phần mềm của Apple thường kéo dài và hãng cần đảm bảo các thay đổi không ảnh hưởng đến những tính năng khác trên Apple Watch. Ngoài ra, Apple cần thực hiện thêm nhiều kiểm nghiệm bởi đó là các thay đổi liên quan đến tính năng y tế.

Trong trường hợp Apple phải chỉnh sửa phần cứng, việc sản xuất và vận chuyển các mẫu đồng hồ này có thể mất ít nhất 3 tháng, chưa tính thời gian phê duyệt từ Hải quan Mỹ.

Hoạt động kinh doanh thiết bị đeo, đồ gia dụng và phụ kiện của Apple, bao gồm Apple Watch, AirPods và các sản phẩm khác, đã mang lại doanh thu 8,28 tỉ USD trong quý 3/2023, theo báo cáo của công ty.

Bài liên quan
Đối tác của Apple đặt cược loại pin mới sẽ thay đổi cuộc chơi trên các smartphone ngày càng mỏng hơn
TDK Corp (Nhật Bản) đang đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng ở châu Á về dòng pin smartphone mới mà hãng hy vọng sẽ thay đổi cuộc chơi trong nỗ lực cung cấp nhiều năng lượng hơn cho các thiết bị ngày càng mỏng hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải quan Mỹ: Apple Watch Series 9 và Ultra 2 được thiết kế lại sẽ không bị cấm nhập khẩu