Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hải quân Trung Quốc có 5 sự bổ sung quan trọng trong năm 2017, trong đó đáng chú ý nhất là tàu sân bay do nước này tự sản xuất.

Hải quân Trung Quốc trang bị gì trong năm 2017?

Cẩm Bình | 01/01/2018, 16:17

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), hải quân Trung Quốc có 5 sự bổ sung quan trọng trong năm 2017, trong đó đáng chú ý nhất là tàu sân bay do nước này tự sản xuất.

Theo SCMP, do tình hình trên bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng và lo ngại Mỹ và đồng minh thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc ở bờ biển phía đông nước này, chính quyền Bắc Kinh trong năm 2017, thời điểm kỷniệm 90 năm thành lập quân đội Trung Quốc, đã cho gia tăng đáng kể sức mạnh hải quân của mình.

Trong năm 2017, hải quân Trung Quốc đã có thêm 1 tàu sân bay nội địa, 1 tàu khu trục hiện đại nhất châu Á, 1 tàu tiếp vận hậu cần lớn nhất thế giới, 1 tàu tuần tra có trang bị tên lửa hành trình và 1 tàu huấn luyện khổng lồ.

Tàu sân bay nội địa 001A

Liêu Ninh là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, được giới thiệu năm 2012. Trung Quốc đã mua lại tàu này từ Ukraine vào năm 1998 và tiến hành trang bị thêm. Đây không phải là tàu do nước này tự sản xuất.

Bắc Kinh chính thức giới thiệu tàu sân bay 001A do nước này tự sản xuất vào tháng 4.2017. Tàu có thiết kế giống tàu Liêu Ninh (cả hai tàu đều dựa trên nguyên bản là tàu Đô đốc Kuznetsov) và đều là tàu sân bay hạng trung với lượng choán nước từ 60.000-65.000 tấn. Hai tàu đều sử dụng hệ thống động lực truyền thống và sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu”, không có máy phóng máy bay dùng hơi nước. Tuy nhiên, 001A có đường băng ít dốc, tháp chỉ huy mới cùng không gian bên trong rộng hơn so với Liêu Ninh.

Tàu sân bay nội địa 001A - Ảnh: SCMP

Niềm tự hào này của hải quân Trung Quốc bắt đầu có những cuộc chạy thử nghiệm sơ bộ vào tháng 11 và dự kiến chính thức hoạt động vào năm 2018. Tàu 001A dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng khi Trung Quốc có tham vọng thách thức sự thống trị của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.

Tàu khu trục tân tiến nhất châu Á

Tàu khu trục 055 được hạ thủy vào cuối tháng 6.2017 đánh dấu một bước tiến lớn khác của hải quân Trung Quốc. Được đóng tại xưởng tàu Giang Nam (Thượng Hải), tàu 055 được Giải phóng quân báo, cơ quan truyền thông chính thức của quân đội Trung Quốc, đánh giá là tàu khu trục lớn và tiên tiến nhất ở châu Á.

Tàu 055 có chiều dài 183 m, chiều rộng 22 m, lượng giãn nước đầy tải lên đến 12.000 tấn, động cơ tua bin khí QC-820 do Trung Quốc tự sản xuất, giúp tàu đủ sức hành trình vòng quanh thế giới với tốc độ tối đa lên đến 35 hải lý/giờ. Tàu được trang bị vũ khí phòng không, chống tên lửa, chống tăng và chống ngầm.

Tàu 005 được xem là tàu khu trục uy lực thứ hai thế giới, chỉ xếp sau tàu DDG-1000 lớp Zumwalt của Mỹ.

Tàu khu trục 055 hạ thủy vào cuối tháng 6.2017 tại xưởng tàu Giang Nam - Ảnh: SCMP

Tàu tiếp vận hậu cần cỡ lớn

Ngày 1.9.2017, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tổ chức bàn giao tàu tiếp cận hậu cần mang tên “Hồ Hô Luân”, số hiệu 965 lớp 901 cho hải quân nước này. Đây là lớp tàu hậu cần lớn nhất thế giới với lượng giãn nước lên tới 55.000 tấn, dài 240 m, mang được tải trọng lên đến 48.000 tấn và có một hệ thống hậu cần phức tạp có thể tính toán chính xác tàu nhận hậu cần đã nhận những gì và còn lại bao nhiêu hàng.

Tàu có thể mang dầu, đạn dược, thức ăn và nước cho các tàu hải quân khác trên biển.

Tàu tiếp vận “Hồ Hô Luân”, số hiệu 965 - Ảnh: SCMP

Tàu tuần tra Ngạc Châu

Được giới thiệu vào tháng 1.2017, Ngạc Châu là một tàu khu trục cỡ nhỏ được trang bị tên lửa hành trình, giúp tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Tàu có khả năng điều hướng và tàng hình, chủ yếu được dùng cho nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ và hộ tống các tàu đánh cá.

Tàu tuần tra Ngạc Châu - Ảnh: QQ

Tàu huấn luyện mang được 400 người

Tàu huấn luyện Thích Kế Quang dài 163 m, rộng 22 m, giãn nước đầy tải hơn 9.000 tấn và có tốc độ tối đa tới 40 km/giờ, lớn gấp đôi tàu Trịnh Hòatiền nhiệm. Ngoài khả năng mang được 400 người trong một lần huấn luyện, tàu còn có thể thực hiện những nhiệm vụ phi chiến đấu cứu trợ thiên tai.

Tàu được đặt theo tên của tướng Thích Kế Quang, người bảo vệ Trung Quốc khỏi giặc Ô Qua (Nhật Bản) vào thời nhà Minh.

Tàu huấn luyện Thích Kế Quang - Ảnh: SCMP
Cẩm Bình (theo SCMP)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hải quân Trung Quốc trang bị gì trong năm 2017?