Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lộ trình hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn TP phải làm trong thời gian tới, bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân.

‘Hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm’

Phan Diệu | 27/04/2017, 16:59

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, lộ trình hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn TP phải làm trong thời gian tới, bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân.

Ngày 27.4, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp thường kỳ tháng 4.2017 về tình hình kinh tế - xã hội của thành phố.

Hạn chế xe cá nhân là việc phải làm

Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường, hiện nayviệc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông đang được TP thực hiện tốt nhưng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tính tới 15.4, TP.HCM đang có xấp xỉ 8 triệu phương tiện, trong đó có 642.000 xe ô tô và hơn 7 triệu xe máy. Mỗi ngày, TP có 169 xe ô tô và 816 xe máy đăng ký mới.

“Do đó, lộ trình hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm trong thời gian tới. Chúng ta phải làm bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông TP không thể theo kịp tốc độ phát triển của xe cá nhân”, ông Cường nói.

Không những vậy, theo kế hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ phải cắt giảm 70% khí thải do phương tiện giao thông gây ra. Vì vậy, ông Cường đánh giá việc hạn chế xe cá nhân không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ông Cường cũng nói rằng dự kiến khoảng tháng 10.2017, Sở Giao thông vận tải sẽ trình UBND TP phương án, lộ trình cụ thể để hạn chế xe cá nhân trên địa bàn TP.HCM. Hiện tại, Sở này và các cơ quan chuyên môn đang phối hợp tích cực khảo sát, nghiên cứu và xây dựng đề án về hạn chế xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông. Việc này sẽ được thực hiện đúng quy định, quy trình, có tham khảoý kiến phản biện của chuyên gia cũng như tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.

Tuyến metro số 1 nợ 1.300 tỉ đồng

Ông Lê Nguyễn Minh Quang – Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thịTP cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang được các nhà thầu triển khai lắp đặt rào chắn để triển khai sớm, đạt mục tiêu năm2020 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất là việc phân bổ vốn ODA từ trung ương.

Từ tháng 9.2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán, ngưng cấp vốn cho dự án này vì đã thanh toánvượt vốn năm 2016. Trước Tết, TP.HCM đã ứng gần 1.000 tỉ đồng để chủ đầu tư trả tiền cho nhà thầu thanh toán tiền cho công nhân về quê ăn tết. Hiện tại, chủ đầu tư tuyến này vẫn đangnợ nhà thầu hơn 1.300 tỉ đồng.

“TP hối thúc nhà thầu làm đúng tiến độ, làm càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt nhưng họ cũng gay gắt trong việc yêu cầu thanh toán theo đúng tiến độ. UBND TP cũng kiến nghị Trung ương, làm quyết liệt nhưng các bộ cứ án binh bất động”, ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng với tiến độ đang thi công, dự kiến TP.HCM cần hơn 5.200 tỉ đồng để thanh toán cho nhà thầu thi công nhưng Trung ương chỉ phân bổ cho 2.100 tỉ đồng. Số tiền này trả nợ nhà thầu và tiền tạm ứng của TP nên về tới nơi là hết liền.

“Khi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác, phía JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) nói thẳng là trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán cho các nhà thầu. Tiền của họ có nhưng không chịu thanh toán nên họ rất quan ngại bố trí vốn cho các dự án tiếp theo. Vấn đề này hiện không ở mức TP nữa, mà đã tới tầm quốc gia vì bên Nhật Bản làm rất gay gắt. Các nhà tài trợ rất bức xúc và cho rằng tiền thì họ lo được nhưng chúng ta bị vòng lẩn quẩn và không thanh toán được”, ông Quang chia sẻ.

Ông Quang cũng cho biết mục tiêu của TP theo đuổi hiện nay không phải là phân bổ vốn từng đợt mà xin cơ chế thanh toán theo tiến độ thi công dự án.

Kiên trì lập lại trật tự lòng lề đường

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban An toàn giao thông TP cho biết sau 2 tháng ra quân lập lại trật tự lòng lề đường, đến thời điểm hiện tại hoạt động này đã chững lại. Một số quận huyện như quận 1, huyện Củ Chi, Bình Tân… tiếp tục làm tốt song nhiều quận lại không quyết liệt.

Vì vậy, ông Tường cho rằng TP phải tiếp tục chỉ đạo cho ban kiểm tra liên ngành giám sát, kiểm tra một số địa bàn. “Chúng ta có thể sơ kết đánh giá, khen thưởng một số cá nhân và khiển trách một số quận huyện, đừng đểngười dân nói chúng ta làm theo phong trào. Làm xong rồi để không đó thì dễ thay đổi. Hiện tại, thường trực UBND TP chưa có chỉ đạo làm tiếp hay không”, ông Tường nói.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định TP sẽ kiên trì lập lại trật tự lòng lề đường và xử lý quyết liệt đối với những nơi tái chiếm lại lòng đường.

“Cơ sở pháp lý chúng ta đầy đủ hết, cái nào chưa đủ, chưa đúng phải điều chỉnh. Tinh thần xông xáo của anh Hải quận 1 làm rất quyết liệt đã tạo ra hiệu ứng tốt. Còn những bà con sống bằng hàng rong, chính quyền sẽ lo đầy đủ, không đẩy người dân vào chỗ khó. Chúng ta phải xử lý vấn đề hài hòa và toàn diện. Tôi sẽ có cuộc họp với quận huyện để chấn chỉnh lại”, ông Phong nói.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm’