Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc ngày 11.4 đã ban hành phán quyết loại bỏ lệnh cấm phá thai của nước này vào cuối năm 2020, quyết định này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân Hàn Quốc.
7 trong số 9 thẩm phán của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốcđã bỏ phiếu khẳng địnhlệnh cấm phá thai là vi hiến. Như vậy, các nhà lập pháp Hàn Quốc có thời gian đến cuối năm 2020 để sửa đổi luật. Tuy nhiên, thai nhi bị phá bỏ khi đã được 20 tuần tuổi vẫn là bất hợp pháp.
Trước đây, những người phụ nữ Hàn Quốc phá thai có thể ngồi tù 1 năm và bị phạt lên tới 2 triệu won (1.780 USD). Trong khi đó, bác sĩ hay các nhân viên y tế giúp phụ nữ phá thai có thể bị phạt án tù lên đến 2 năm.
3/4 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 44 Hàn Quốc cho biết luật này rất không công bằng theo kết quả của một cuộc khảo sát được công bố hồi đầu năm nay do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện. Khoảng 20% số người được phỏng vấn trả lời họ đã phá thai dù điều này là bất hợp pháp.
Năm 1953, Hàn Quốc hình sự hóa việc phá thai trong mọi tình huống, ngoại trừ các trường hợp là nạn nhân của hiếp dâm, loạn luân và bệnh hiểm nghèo di truyền. Nhưng đi kèm vào đó là chính sách kiểm soát dân số cùng với lối tư duy “trọng nam khinh nữ” đã khiến cho nhiều cặp vợ chồng chỉ có thể làm trái pháp luật. Đồng thời chính sự kỳ thị của xã hội dành cho những bà mẹ đơn thân khiến nhiều người phụ nữ chưa kết hôn chỉ có thể phá thai khi “lỡ dại”.
Theo thống kê của bộ Y tế, có 50.000 phụ nữ đã phá thai vào năm 2018, dù đã có sự sụt giảm so với con số 168.000 vào năm 2011, nhưng các bác sĩ đã tranh cãi rằng con số thực tế có thể cao gấp 10 lần so với những thống kê của chính phủ. Phá thai là việc hợp pháp ở một số quốc gia, nằm dưới sự hỗ trợ của hệ thống y tế. Trong khi đó, Hàn Quốc là 1 trong 8 quốc gia cấm phá thai và điều này đã gây nhiều khó khăn, bất công cho người phụ nữ. Chính vì thế, hợp thức hóa phá thai là một bước tiến bộ làm gia tăng bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội.
Tiên Tiên (theo CNN)