Edward Snowden – nhân vật bị Mỹ truy nã vì công bố tài liệu mật – gọi vụ nước Anh bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange là khoảnh khắc đen tối đối với tự do báo chí, đi ngược lại lời kêu gọi để ông Assange được tự do của Liên Hợp Quốc.
“Hình ảnh Đại sứ Ecuador mời cảnh sát Anh vào Đại sứ quán tiến hành bắt giữ sẽ bị ghi vào sử sách. Những người phê bình Assange có thể vui mừng, nhưng đây là khoảnh khắc đen tối cho tự do báo chí”, ông Snowden viết trên Twitter.
Với cáo buộc nhà sáng lập WikiLeaks cố gắng xâm nhập máy tính Lầu Năm Góc do chính quyền Washington đưa ra, ông Snowden nhận xét: “Cáo buộc của Mỹ với Assange thật yếu kém, vốn đã công bố gần 10 năm trước. Đó là chuyện mà Bộ Tư pháp dười thời Tổng thống Barack Obama từ chối truy tố vì lý do gây nguy hiểm đến nền báo chí”.
Kể từ khi ra đời năm 2006, trang WikiLeaks đã công bố nhiều tài liệu mật thuộc về nhiều nước, trong đó có Mỹ. Lực lượng ủng hộ ca ngợi nhà sáng lập Julian Assange (người Úc) là nhân vật bảo vệ tự do ngôn luận, tuy nhiên một số chính quyền cùng không ít người phản đối chỉ trích ông đe dọa an ninh quốc gia do làm lộ nguồn tin lẫn phương thức tình báo.
Ông Assange tị nạn trong tòa nhà Đại sứ quán Ecuador tại Anh từ năm 2012 nhằm tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển và Mỹ.
Giới chức Thụy Điển muốn thẩm vấn ông về cáo buộc tấn công tình dục. Họ hủy bỏ điều tra vào năm 2017 nhưng để ngỏ khả năng mở lại nếu tình hình thay đổi. Assange từ chối sang quốc gia Bắc Âu cũng vì e ngại rủi ro dẫn độ đến Mỹ.
Phía Ecuador mới đây rút quy chế tị nạn, mở đường cho cảnh sát Anh bắt giữ ông. Hiện Assange bị tạm giam chờ hầu tòa vào ngày 2.5.
Úc đã biết vụ bắt giữ. Ngoại trưởng Marise Payne thông báo nước này sẽ yêu cầu tiếp cận công dân của mình, đồng thời tin tưởng phía Anh đối xử với nhà sáng lập WikiLeaks một cách công bằng.
Còn Edward Snowden từng là nhân viên làm theo hợp đồng cho Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) và Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA). Ông bỏ trốn sau khi tiết lộ cho báo giới tài liệu mật về hoạt động tình báo của NSA, gồm cả chiến dịch nghe lén đồng minh lẫn công dân Mỹ. Nhân vậy này hiện tị nạn ở Nga.
Cẩm Bình (theo The New York Post, Channel News Asia)