Giáo sư chính trị Robert Kelly (Đại học Quốc gia Pusan) chỉ ra một số lý do khiến Hàn Quốc lo ngại khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng.
Góc nhìn

Hàn Quốc có lo ngại khi ông Trump tái nắm quyền?

Cẩm Bình 11/11/2024 17:20

Giáo sư chính trị Robert Kelly (Đại học Quốc gia Pusan) chỉ ra một số lý do khiến Hàn Quốc lo ngại khi ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng.

Ông Trump tái nắm quyền nhờ giành nhiều hơn cả phiếu đại cử tri lẫn phiếu phổ thông. Ông còn nhận được hậu thuẫn lớn khi đảng Cộng hòa nhiều khả năng kiểm soát cả lưỡng viện của Quốc hội Mỹ. Tổng thống đắc cử sẽ dễ dàng định hình chính sách đối ngoại hơn.

Mọi sự chú ý đang dồn về châu Âu do ông Trump dự định cắt giảm viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, theo giáo sư Kelly, quốc gia chịu tác động lớn nhất lúc Mỹ thay đổi chính sách đối ngoại lại là Hàn Quốc ở châu Á.

2024-11-11-150729.png

Ở nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã tỏ rõ thái độ "không ưa" Hàn Quốc. Một số cựu quan chức an ninh tiết lộ chính trị gia đảng Cộng hòa ghét Tổng thống Moon Jae-in. Ông còn công khai đe dọa chấm dứt liên minh nếu tái đắc cử năm 2020, nhiều lần phàn nàn tập trận chung Mỹ - Hàn quá tốn kém.

Ngược lại, ông Trump lại "có vẻ" thân thiết với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Ông từng nói hai người “phải lòng nhau”. Chính trị gia đảng Cộng hòa lúc nắm quyền đã tổ chức 2 hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, mặc dù cả hai đều chẳng thể đem lại tiến triển gì cho tiến trình phi hạt nhân hóa. Không loại trừ khả năng mối quan hệ này sắp được khôi phục, tạo ra tình huống Mỹ ưa thích một quốc gia đối địch hơn là đồng minh.

Thế khó của Hàn Quốc

Ông Trump nổi tiếng với quan điểm đòi hỏi các đồng minh trả tiền để lực lượng Mỹ đồn trú đảm bảo an ninh. Tháng trước, chính trị gia đảng Cộng hòa mô tả Hàn Quốc là “cỗ máy kiếm tiền”, đồng thời tỏ ý muốn nâng chi phí mà đồng minh châu Á phải bỏ ra nếu muốn quân Mỹ ở lại lên gấp 9 lần.

Không như NATO có thể cùng nhau chống đối yêu cầu từ ông Trump, vị thế của Hàn Quốc khó khăn hơn nhiều. Nước này nằm sát Triều Tiên đang sở hữu vũ khí hạt nhân, quan hệ với Nhật Bản (cũng là đồng minh của Mỹ) không tốt do vấn đề lịch sử trong Thế chiến thứ hai. Vì vậy, Seoul sẽ đơn độc trước loạt động thái chèn ép có khả năng xảy ra từ chính quyền Mỹ trong thời gian sắp tới.

Tình thế như vậy dễ gây ra khủng hoảng. Phe bảo thủ ủng hộ liên minh Hàn - Mỹ có thể sẵn sàng chấp thuận yêu cầu tăng đóng góp tài chính nhằm ngăn quan hệ sụp đổ. Nhưng phe đối lập lẫn người dân sẽ giận dữ, chỉ trích chính quyền đương nhiệm yếu đuối. Tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Yoon Suk-yeol hiện chỉ có 19%.

Phương án phát triển vũ khí hạt nhân để tự vệ

Nếu không chịu đáp ứng yêu cầu từ ông Trump, một giải pháp khác là giữ khoảng cách với Mỹ và tự vệ bằng vũ khí hạt nhân của chính mình. Hàn Quốc đang tranh luận về giải pháp này. Dư luận ủng hộ phát triển vũ khí hạt nhân nhưng giới lãnh đạo lo ngại làm vậy sẽ nhận phải phản ứng gay gắt từ Trung Quốc lẫn Mỹ.

Khi ông Trump nắm quyền, lo ngại về phản ứng từ phía Mỹ không còn quan trọng nữa vì đảm bảo an ninh mà Washington dành cho đồng minh trở nên kém tin cậy. Cam kết chiến đấu vì Hàn Quốc của Tổng thống Joe Biden đã khiến Seoul không phát triển vũ khí hạt nhân. Sắp tới, cam kết sẽ suy yếu đi rất nhiều.

Kết thân với ông Trump để giảm bớt nguy cơ?

Không có bằng chứng cho thấy lập trường của ông Trump với Hàn Quốc và Triều Tiên thay đổi từ sau nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, không thể loại trừ khả năng chính trị gia đảng Cộng hòa tập trung vào cuộc chiến Ukraine cùng căng thẳng Trung Đông, không ngó ngàng đến bán đảo Triều Tiên.

Trước mắt, Seoul còn khá lạc quan. Tuần trước, Tổng thống Yoon điện đàm 12 phút với ông Trump vừa thắng cử. Nhà lãnh đạo Hàn Quốc sau đó bày tỏ hy vọng sẽ hòa hợp với chính trị gia đảng Cộng hòa và hai bên không gặp vấn đề lớn gì khi làm việc cùng nhau.

Ông Trump thường để quan hệ cá nhân xen vào chính sách đối ngoại. Vì vậy, Tổng thống Yoon cố gắng vun đắp “tình bạn” với Tổng thống Mỹ đắc cử. Và nếu làm tốt thì nhà lãnh đạo Hàn Quốc có thể tránh được viễn cảnh đối đầu với ông Trump như người tiền nhiệm.

Bài liên quan
Hàn Quốc lên tiếng về khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine
Khi được hỏi về khả năng viện trợ vũ khí cho Ukraine để đáp trả việc CHDCND Triều Tiên đưa quân sang Nga, Ngoại trưởng Hàn Quốc Cho Tae-yul đáp rằng mọi kịch bản có thể xảy ra đều đang được xem xét.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc: Chuẩn bị xử lý tiếp hai ngân hàng 0 đồng
một giờ trước Thị trường và chính sách
Chiều 11.11, phát biểu tại phiên chất vấn, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc có lo ngại khi ông Trump tái nắm quyền?