Năm 2018 được đánh giá sẽ không chỉ định hình mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc trong tương lai. Mà đây cũng sẽ là một dịp để kiểm chứng xem các xu hướng hợp tác truyền thống hay xu hướng chia rẽ và bảo hộ sẽ thắng thế trong kỷ nguyên sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Hàn Quốc sẽ là đồng minh đầu tiên bị Mỹ thử thách?

Nhàn Đàm | 06/02/2018, 09:46

Năm 2018 được đánh giá sẽ không chỉ định hình mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc trong tương lai. Mà đây cũng sẽ là một dịp để kiểm chứng xem các xu hướng hợp tác truyền thống hay xu hướng chia rẽ và bảo hộ sẽ thắng thế trong kỷ nguyên sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Có vẻ như Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đồng minh đầu tiên bị Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump thử thách trong một chuỗi chiến lược dài tái sắp xếp lại mạng lưới các nước đồng minh của vị Tổng thống tỷ phú này. Sẽ có hai thỏa thuận quan trọng giữa Mỹ và Hàn Quốc được đưa ra xem xét và thảo luận trong năm 2018: xem xét và điều chỉnh lại thỏa thuận Thương mại Tự do Mỹ-Hàn, và một thỏa thuận về chia sẻ chi phí quân sự giữa hai nước đồng minh này.

Hai cuộc đàm phán này được đánh giá là sẽ định hình mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc trong nhiều năm tới. Đây cũng sẽ là một dịp để kiểm chứng xem các xu hướng thỏa hiệp và hợp tác truyền thống hay xu hướng chia rẽ và bảo hộ sẽ thắng thế trong kỷ nguyên sau khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ.

Ngay sau khi Donald Trump nhậm chức, Mỹ đã bắt đầu xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ - Hàn, còn được biết đến với cái tên Korus. Theo một quan chức thương mại Mỹ, một vòng đàm phán mới về thỏa thuận sẽ được tổ chức vào đầu tháng 2.2018 tại Seoul với mục tiêu thiết lập một thỏa thuận thương mại mới công bằng và hợp tác hơn. Một điểm đáng lưu ý, đó là Quốc hội Mỹ phần lớn ủng hộ hiệp định thương mại này với Hàn Quốc, và Phòng Thương mại Mỹ phản đối việc đưa nó vào danh sách có khả năng bị bãi bỏ.

Ở thời điểm hiện tại, chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy việc tiếp cận thị trường ô tô của Hàn Quốc và giảm các rào cản phi thuế quan trong thương mại. Trong khi đó, các nhà đàm phán của Hàn Quốc lại hy vọng sẽ giữ nguyên vẹn được bản thỏa thuận này mà không có sự điều chỉnh lớn nào, đồng thời phải chống lại các áp lực từ phía Mỹ trong đó có những đòi hỏi nhượng bộ về nhập khẩu nông nghiệp.

Cả hai bên đều đang chờ đón một vòng đàm phán đầy khó khăn, đặc biệt là các vấn đề phi thuế quan và hạn ngạch mà mới đây Mỹ đang áp lên các sản phẩm pin mặt trời và máy giặt của Hàn Quốc, ngay lập tức Seoul đã lên tiếng phản đối tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vấn đề được xem là mấu chốt trong sự kiện này là cách đánh giá về cân bằng thương mại song phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tỏ ra khá hạn hẹp, chủ yếu thông qua việc Mỹ có đạt được thặng dư hay phải chịu thâm hụt thương mại hay không.

Đúng là hiện nay Mỹ đang phải chịu một sự thâm hụt thương mại khá lớn với Hàn Quốc, nó càng tăng thêm sau khi Korus có hiệu lực vào năm 2012. Nhưng thực tế là Mỹ vẫn đang duy trì mức thặng dư thương mại về dịch vụ với Hàn Quốc, đạt khoảng 7,8 tỉ USD trong 3 quý đầu của năm 2017.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đang là khách hàng quan trọng với các sản phẩm trang thiết bị quân sự Mỹ, đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào nền kinh tế Mỹ cũng đã tăng gấp đôi sau khi Korus có hiệu lực. Các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang tạo ra khoảng 75.000 việc làm tại Mỹ, chủ yếu là LG và Samsung.

Một chi tiết khác có thể khiến các quan điểm bảo hộ và cân bằng thương mại hạn hẹp và cứng nhắc của Donald Trump phải suy nghĩ lại. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc đã bắt đầu suy giảm và thu hẹp đáng kể. Nhiều khả năng trong năm 2018 mức thâm hụt này sẽ giảm xuống dưới 20 tỉ USD, một cột mốc được Bộ Tài chính Mỹ sử dụng để đánh giá xem một quốc gia có đang sử dụng tỷ giá tiền tệ để hỗ trợ xuất khẩu hay không. Trên thực tế, con số thâm hụt thương mại trên dưới 20 tỉ USD mỗi năm với Hàn Quốc là quá ít ỏi so với khoảng 700 tỉ USD thâm hụt mỗi năm của Mỹ trong trao đổi thương mại với toàn cầu.

Thỏa thuận quan trọng thứ hai giữa hai nước trong năm 2018 là việc xem xét lại việc chia sẻ chi phí đóng quân cho khoảng 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc. Các thỏa thuận đóng vai trò cốt lõi cho việc chia sẻ chi phí của việc bảo vệ bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Hàn Quốc đã có từ năm 1991, và thỏa thuận này sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2018. Hiện tại Seoul đã thành lập một ủy ban đặc biệt chuẩn bị cho các cuộc đàm phán được dự báo sẽ rất khó khăn này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trên thực tế không đánh giá cao vấn đề san sẻ chi phí đóng quân tại Hàn Quốc này trong quá trình tranh cử, nhưng có vẻ như ông này đang thay đổi suy nghĩ sau khi chứng kiến gánh nặng chi phí của hoạt động này. Trong chuyến thăm Hàn Quốc vào tháng 11.2017, ông Trump đã tới thăm căn cứ quân sự mới của Mỹ tại Pyeongtaek (đây cũng là căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài), trong đó Seoul đã chi trả hơn 90% chi phí xây dựng, tức khoảng hơn 10 tỉ USD.

Thực tế là mức đóng góp của Hàn Quốc vào chi phí quân sự giữa hai nước đã tăng đáng kể trong những năm gần đây. Hiện tại, chi phí này không vượt quá 50% mức chi hàng năm của Mỹ, khoảng 870 triệu USD khi lần đàm phán san sẻ chi phí gần nhất được hoàn tất vào năm 2014. So với thời điểm thỏa thuận san sẻ chi phí bắt đầu có hiệu lực vào năm 1991, thì mức đóng góp hiện nay của Hàn Quốc đã tăng khoảng 500%.

Ngoài ra, cam kết quốc phòng của Hàn Quốc là khoảng 2,3% GDP vào năm 2016, cao hơn tiêu chuẩn của NATO và nhiều hơn so với Anh hay Nhật Bản. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2,9% GDP vào cuối nhiệm kỳ của mình. Hàn Quốc cũng đã đồng ý triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ trên lãnh thổ của mình bất chấp sự phản đối từ phía Trung Quốc cũng như thiệt hại từ các biện pháp trả đũa về kinh tế của Bắc Kinh.

Nói cách khác, trái với suy nghĩ của Donald Trump, Hàn Quốc có vẻ như đã không lẩn tránh trách nhiệm của mình. Seoul dường như đã cho thấy mình là một đối tác đáng tin cậy cả về kinh tế lẫn quân sự. Nếu các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Hàn Quốc diễn ra êm đẹp, sẽ có nhiều cơ sở để hy vọng rằng mọi thứ cũng sẽ diễn ra tương tự với các đồng minh quan trọng khác của Mỹ tại châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản hay Australia.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
một giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc sẽ là đồng minh đầu tiên bị Mỹ thử thách?