Ông Karunasena Kodituwakku, Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc, ngày 4.2 cho biết nước này muốn có thời gian thương lượng dài hơn về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, vì lo ngại một thỏa thuận vội vàng sẽ gây thiệt hại cho quốc gia Nam Á này.
Phát biểu bên lề lễ kỷniệm 70 năm ngày Sri Lanka giành được độc lập (1948- 2018), Đại sứ Kodituwakku khẳng định không thể quá vội vã trong đàm phán thỏa thuận thương mại tự do.
“Chúng tôi muốn quá trình (thương lượng) này kéo dài hơn. Trung Quốc lại muốn đẩy nhanh. Vì Sri Lanka là một nền kinh tế nhỏ, chúng tôi phải đạt được sự đồng thuận của các bên liên quan. Do đó, sự chậm trễ là do khoảng thời gian, nhưng cuối cùng rồi chúng tôi sẽ ký kết thỏa thuận”, Đại sứ Sri Lanka cho hay.
Cũng theo Đại sứ: “Nhập khẩu của Trung Quốc rất quan trọng với Sri Lanka, nhưng mở cửa hoàn toàn trong thời gian ngắn sẽ đem lại vài vấn đề cho các công ty trong nước. Do đó, chúng tôi phải cân bằng lại”.
Sri Lanka là một điểm quan trọng trong sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Bắc Kinh, vì vậy mà nước này đã đầu tư không ít vào đây. Tuy nhiên, lo ngại về đầu tư của Trung Quốc đang gia tăng.
Đầu năm ngoái, hàng trăm người Sri Lanka đã đụng độ với cảnh sát, phản đối việc nhà cửa và đất đai của họ bị giải tỏa để xây dựng một khu công nghiệp do Trung Quốc đầu tư. Đây là lần đầu tiên hành động phản đối đầu tư của Bắc Kinh vào đất nước này biến thành bạo động.
Hồi tháng 1, Sri Lanka đã ký một thỏa thuận thương mại tự do với Singapore. Đại sứ Kodituwakku nhận xét kinh tế Singapore không phức tạp như Trung Quốc.
Ngoài ra, Đại sứ Kodituwakku cũng cho biết Sri Lanka đang cố tìm kiếm đầu tư cho một sân bay ở Mattala được xây bằng vốn vay từ Trung Quốc. Theo Đại sứ, Sri Lanka dự định trao quyền điều hành sân bay cho công ty Trung Quốc, nhưng một nghiên cứu cho thấy phía Bắc Kinh không có kế hoạch kinh tế có thể khiến sân bay sinh lời nên Ấn Độ đang được cân nhắc đến.
Phía Ấn Độ đã bắt đầu đàm phán, nhưng đến nay hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào. Đại sứ Kodituwakku cho hay: “Bất cứ ai muốn đến và biến sân bay Mattala thành một thương vụ kinh tế thành công đều sẽ được hoan nghênh. Nhưng không may là chưa ai lấy được”.
Cẩm Bình (theo The Indian Express)