Coca-Cola Việt Nam, Heineken, Standard Chartered cùng loạt doanh nghiệp bị thanh tra, truy thu thuế hàng trăm tỉ đồng.

Hàng loạt doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị truy thu thuế

tuyetnhung | 12/01/2020, 15:58

Coca-Cola Việt Nam, Heineken, Standard Chartered cùng loạt doanh nghiệp bị thanh tra, truy thu thuế hàng trăm tỉ đồng.

Năm 2019, cơ quan Thuế đã thực hiện thu hồi 35.200 tỉ đồng tiền thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Tổng số nợ thuế nội địa cuối tháng 12.2019 là 80.830 tỉ đồng, tăng 5,9% so với cuối năm 2018. Trong đó, nợ có khả năng thu là 40.602 tỉ đồng, tăng 4,8%; nợ không có khả năng thu hồi là 40.228 tỉ đồng, tăng 7,1%.

Năm 2019, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 503.500 hồ sơ khai thuế, qua đó kiến nghị xử lý 62.660 tỉ đồng. Trong số kiến nghị truy thu này, đã thực hiện thu vào ngân sách nhà nước là 18.450 tỉ đồng (đã thu nộp 13.500 tỉ đồng); chống chuyển giá, giảm lỗ 41.600 tỉ đồng, và giảm khấu trừ gần 2.600 tỉ đồng.

Thanh tra Tổng cục thuế cho biết, với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, toàn ngành thực hiện thanh kiểm tra 816 doanh nghiệp. Truy thu, truy hoàn và phạt 1.719 tỉ đồng, giảm lỗ 7.026 tỉ đồng, giảm khấu trừ 33,44 tỉ đồng. Điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 7.508 tỉ đồng.

Cơ quan thanh tra cũng xác định lại giá trị thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 663,64 tỉ đồng, giảm lỗ 2.612 tỉ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 6.393 tỉ đồng.

Điển hình trong đó là vụ việc Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, xử phạt về thuế hơn 821 tỉ đồng. Đây được xem là doanh nghiệp FDI đứng đầu danh sách nghi án chuyển giá tại Việt Nam. Tổng cục Thuế yêu cầu trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày 25.12.2019, Coca-Cola Việt Nam phải nộp toàn bộ số tiền trên vào ngân sách. Quá thời hạn mà không chấp hành, Coca-Cola Việt Nam sẽ bị cưỡng chế.

Cụ thể, Tổng cục Thuế ra quyết định truy thu thuế Coca-Cola Việt Nam hơn 471 tỉ đồng. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng hơn 60 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 359 tỉ đồng, thuế nộp thay nhà thầu nước ngoài gần 52 tỉ đồng.

Coca-Cola Việt Nam còn phải nộp số tiền chậm nộp (mới tính tới ngày 16.12.2019) hơn 288,6 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị phạt vi phạm hành chính hơn 61,6 tỉ đồng. Tổng cộng số tiền Coca-Cola Việt Nam bị truy thu, phạt và tiền chậm nộp là hơn 821,4 tỉ đồng.

Ngoài tiền truy thu thuế, tiền phạt chậm nộp, thanh tra Tổng cục Thuế cũng xác định giảm số lỗ phát sinh trong niên độ thanh tra hơn 762 tỉ đồng. Số lỗ của giai đoạn trước (2002-2006) không được chuyển lỗ khoảng 202 tỉ đồng và giảm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (tháng 12.2015) chuyển kỳ sau hơn 72,8 tỉ đồng.

Ngay sau trường hợp của Coca-Cola Việt Nam, Tổng cục Thuế tiếp tụccông khai thêm trường hợp truy thu thuế từ Heineken Việt Nam. Cụ thể, Heineken Việt Nam bị truy thu hơn 917 tỉ đồng tiền thuế từ hoạt động chuyển vốn nhà máy Heineken Hà Nội.

Cụ thể, cuối năm 2018 Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) đã ký Hợp đồng chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty TNHH nhà máy bia Heineken Việt Nam - Hà Nội cho Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Giá trị giao dịch thương vụ lên tới hơn 4.800 tỉ đồng.

Trong vụ việc này, Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp (thay) tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế gần 823 tỉ đồng. Tuy nhiên, sau đó Công ty Heineken Asia Pacific Pte. Ltd lại có văn bản gửi Cục thuế TP.Hà Nội đề xuất được miễn, giảm số thuế trên theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Chính phủ Việt Nam - Singapore.

Vì vậy, từ khi chuyển nhượng cho đến khi bị cơ quan thuế thanh tra, toàn bộ số tiền thuế của thương vụ này vẫn chưa được doanh nghiệp nộp vào ngân sách theo quy định pháp luật.

Theo quy định tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và Luật Dân sự, trường hợp giá trị bất động sản chiếm từ 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng (kê khai và nộp thuế) ở nước sở tại. Do đó, Công ty Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam.

Nhà máy Bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỉ đồng tiền thuế vào ngân sách, trong đó số tiền thuế chuyển nhượng là gần 823 tỉ đồng, phần còn lại là tiền chậm nộp.

Trường hợp với Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered, Thanh tra Thuế mới đây cũng đã truy thu và phạt ngân hàng này số tiền 19,05 tỉ đồng.

Lãnh đạo Vụ Thanh tra Tổng cục thuế cho biết do số thuế thu được qua thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, chuyển giá rất cao, chiếm tỷ trọng lớn trong toàn ngành nên thời gian tới hoạt động này tiếp tục được đẩy mạnh.

Để ngăn chặn hoạt động chuyển giá, đại diện Vụ Thanh tra cho biết công cụ chống chuyển giá sẽ được Việt Nam luật hóa với các nhóm chính sách trong thời gian tới. Nói cách khác, chính sách chống chuyển giá sẽ được nâng cấp thành luật với các quy định gồm nguyên tắc quản lý thuế đối với doanh nghiệp có quan hệ giao dịch liên kết, quy định về hồ sơ xác định giá giao dịch.

Ngoài những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước cũng nằm trong danh sách bị truy thu thuế như: Tổng công ty Phát điện 1 bị truy thu và phạt 46 tỉ đồng; Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy bị truy thu và phạt 43,41 tỉ đồng; Công ty cổ phần dịch vụ vận tải Tâm Phát bị truy thu và phạt 20,8 tỉ đồng, Công ty cổ phẩn Phú Hoàng Oanh 26,62 tỉ đồng; Công ty TNHH KONE Việt Nam 22,97 tỉ đồng...

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt doanh nghiệp FDI tại Việt Nam bị truy thu thuế