Lãi suất huy động năm 2020 có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.

Lãi suất tiết kiệm năm 2020 sẽ tiếp tục giảm

Phan Thị Diệu | 11/01/2020, 07:40

Lãi suất huy động năm 2020 có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research), cùng với sự chủ động ứng phó để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã rất kiên định với mục tiêu dài hạn là nâng cao chất lượng và năng lực của hệ thống ngân hàng thương mại.

Những kết quả đạt được trong năm 2019 đã gia tăng niềm tin của thị trường vào năng lực điều hành của Ngân hàng Nhà nước cũng như khả năng có thể dự đoán đối với các chính sách của cơ quan quản lý. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, hòa cùng với xu hướng chung trên toàn cầu, chính sách tiền tệ trong năm 2019 đã dịch chuyển theo hướng nới lỏng rõ nét hơn. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã giảm đồng loạt các lãi suất điều hành, trong đó 2 lần giảm lãi suất thị trường mở (OMO) và 3 lần giảm lãi suất tín phiếu, mức giảm tổng cộng đều là 0,75%. Vùng dao động của lãi suất trên liên ngân hàng đã được kéo giảm đáng kể, về 2,25% - 4%/năm.

Ngân hàng Nhà nước cũng hạ trần lãi suất tiền gửi tối đa bằng VNĐcủa các ngân hàng thương mại. Theo đó, tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,8%/năm và kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng là 5%/năm (mức cũ là 1%/năm và 5,5%/năm). Lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐcủa các ngân hàng thương mại với 5 lĩnh vực ưu tiên giảm xuống 6%/năm (mức cũ là 6,5%/năm) kể từ ngày 19.11.2019.

Đáng chú ý, kênh thị trường mở tuần qua tạm ngừng hoạt động khi không phát sinh giao dịch mới nào, số dư OMO và tín phiếu đều giữ ở mức 0. Tuy nhiên, một lượng tiền đồng nhỏ vẫn được bơm ra thông qua giao dịch bán USD về Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất thị trường liên ngân hàng cũng tăng lên mức 2,017%/năm với kỳ hạn qua đêm nhưng vẫn đang ở mức thấp hơn lãi suất tín phiếu. Chênh lệch lãi suất VNĐ- USD trong khoảng 0,4 – 0,8%/năm.

Trong khi đó, lãi suất huy động nằm trong khoảng 4,1 – 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3 – 7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4 – 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Như vậy, chủ trương hạ lãi suất từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục có tác động đến xu hướng lãi suất khi vừa bước sang năm mới, thời điểm các chỉ tiêu an toàn của năm cũ đã phải hoàn tất.

Năm 2020, SSI cho rằng lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối là các biến số có thể làm nhanh hoặc chậm việc hạ lãi suất.

Việc giảm lãi suất ở các kỳ hạn dài sẽ vẫn có khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng lớn và nhỏ do quy định giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Tuy vậy, việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ trong năm 2019 đã mang lại kết quả, giúp hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai.

“Tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ được giữ ở nhịp độ như năm 2019, có thể thấp hơn. Quy mô tín dụng hiện tại của Việt nam đã đạt 8,2 triệu tỉ đồng, bằng 138% GDP, một tỷ lệ tương đối cao trong khi tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục tăng trong một vài năm tới do tăng trưởng GDP khó vượt trên tăng trưởng tín dụng.

Thị trường vốn dù đã phát triển khá nhanh trong một vài năm vừa qua nhưng quy mô huy động vốn (cả cổ phiếu và trái phiếu) qua thị trường vốn còn nhỏ, chưa thể thay thế được vị thế của tín dụng trong việc cấp vốn cho nền kinh tế.

Mặc dù tổng tín dụng có thể tăng chậm lại nhưng tín dụng cho các ngành nghề ưu tiên hay cho sản xuất kinh doanh nói chung sẽ vẫn tăng cao. Trong năm 2019, tín dụng với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 16%, nhóm doanh nghiệp công nghệ cao tăng 15% trong khi tín dụng chung tăng dưới 14%”, SSI nhận định.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
một giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lãi suất tiết kiệm năm 2020 sẽ tiếp tục giảm