Thiết nghĩ những người làm chính sách, đề ra ý tưởng để lập lại trật tự xã hội cũng cần xem xét thấu đáo nghĩa của những khái niệm, từ ngữ. Với hàng rong mà định nhốt vào một chỗ, quả thực chả khác đem thúng úp nia, làm cái việc vô nghĩa.

Hàng rong làm sao ngồi một chỗ

23/03/2017, 13:16

Thiết nghĩ những người làm chính sách, đề ra ý tưởng để lập lại trật tự xã hội cũng cần xem xét thấu đáo nghĩa của những khái niệm, từ ngữ. Với hàng rong mà định nhốt vào một chỗ, quả thực chả khác đem thúng úp nia, làm cái việc vô nghĩa.

Gánh hàng rong - Ảnh: Intenet

Một trong những vấn đề đang nóng rẫy lúc này là công cuộc lập lại trật tự đô thị, mà cụ thể nhất là giải phóng vỉa hè, đang diễn ra trên nhiều đô thị cả nước. Nóng nhất ở TP.HCM và Hà Nội. Nóng hơn nhất nữa là quận 1 và quận Đống Đa ở hai thành phố trên.

Cũng như mọi sự kiện trên đời, luôn có ý kiến trái chiều, lời ra tiếng vào, khen chê đủ kiểu. Bài này không nhằm phê phán sự thực thi pháp luật của chính quyền mà chỉ nêu một khía cạnh tưởng như không gắn gì với “công cuộc giải phóng” ấy. Đó là vấn đề từ ngữ, ngôn ngữ được sử dụng khi xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Chả là chính quyền quận 1 (TP.HCM) có ý tưởng và đã đề xuất lập ra hẳn “phố hàng rong” để giải quyết nơi buôn bán cho những người buôn thúng bán bưng, người bán rong nhằm chấm dứt tình trạng “rong” tồn tại lâu nay. Phải nói ngay, mục đích là rất tốt, vừa tạo điều kiện cho người bán rong có thể mưu sinh, vừa từng bước dẹp hẳn sự nhếch nhác, tạp nham về bộ mặt đô thị. Lo cho dân, cho người nghèo, người dưới đáy xã hội là quá đúng, nhưng chỉ lấn cấn ở chỗ chính quyền không thấy hết cốt lõi vấn đề, đưa ra giải pháp phi thực tế, rất khó thực hiện, thậm chí không thể nào áp dụng được.

Đã lâu nay, về mặt thương mại, ở nhiều đô thị, ngoài những khu chợ truyền thống, mọc lên như nấm những siêu thị, cửa hàng tiện lợi, to nhỏ đủ cả, bày bán hàng vạn, hàng triệu mặt hàng, thứ gì cũng có. Cứ tưởng như thế thì thỏa mãn nhu cầu của người mua rồi nhưng thực ra vẫn tồn tại một kênh phân phối cực kỳ cũ kỹ, giản đơn: hàng rong. Kênh này sống được giữa nền kinh tế thị trường sôi nổi, đa dạng bởi nó vẫn phù hợp với hoàn cảnh của khá đông người mua kẻ bán.

Chẳng cần phải giở từ điển, hầu như ai cũng hiểu nghĩa của từ “rong”. Nó chỉ sự chuyển động, thay đổi vị trí liên tục, nay đây mai đó, hết chỗ này đến chỗ khác, không dừng lại ở đâu lâu, cắm chốt định vị ở một chỗ lại càng không. Trong ngôn ngữ hằng ngày, chúng ta thường bắt gặp, thường nghe nói “gánh hàng rong” (gánh hàng đi bán hết chỗ này chỗ khác), “chạy rong” (chạy lung tung nhiều nơi), “gánh xiếc rong” (không diễn ở chỗ cố định nào), “rong chơi” (đi chơi nhiều chỗ liên tục)… Ngày xưa có những người thợ, người hành nghề mưu sinh chủ yếu ở dạng rong, ví dụ thợ mộc, thợ cắt tóc, người mua đồng nát (ve chai), người bán những vật dụng sinh hoạt rẻ tiền ở phố xá, các bến xe bến tàu, trên những đoàn tàu. Thợ mộc có tay nghề nhưng không vốn liếng, cứ nơi đâu có việc, làm nhà làm cửa là xách cưa đục tới, gọi là thợ mộc rong. Làm xong lại đi chỗ khác. Ca dao viết rằng: Anh làm thợ mộc nơi nao/Để em gánh đục gánh bào đi đưa/Trời nắng cho chí trời mưa/Để em cởi áo che cưa cho chàng. Hồi trước, thời ở Hà Nội còn có tàu điện, người đi tàu thường bắt gặp đội ngũ “hàng rong chuyên nghiệp” với hộp hàng đeo lủng lẳng trước ngực hoặc mẹt hàng trên tay, cùng lời rao nhập tâm “lơ hồng, tẩy trắng, thuốc nhuộm răng đen, dải rút bấc đèn, dầu cao con hổ… đơi”. Trên phố xá, ta cũng đã quen mắt với những quang gánh, xe đẩy, xe đạp đưa hàng đi khắp nơi, đủ loại thức ăn thức uống, đồ dùng sinh hoạt bình dân như bánh tráng trộn, khoai luộc, xôi, bò bía, “hột vịt vữa, hột vịt lộn, trứng cút lộn, bắp xào… đê”, keo diệt chuột, bẫy chuột, kim chỉ, ngoáy tai... "Rong" là rong ruổi, phải tung tẩy lê la phố này phố khác, với quanh gánh, xe đẩy, bàn chân, làm gì có thứ rong ngồi một chỗ. Hàng rong không dừng lâu một chỗ bao giờ, bởi rong là phải đi, không đi không bán được hàng.

Gần nghĩa với “rong” có biến thể “rông”, cũng với ý không bị ràng buộc, đi lung tung khắp nơi, ví dụ: bò thả rông, chó chạy rông. Thơ cổ có câu “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.

Thiết nghĩ những người làm chính sách, đề ra ý tưởng để lập lại trật tự xã hội cũng cần xem xét thấu đáo nghĩa của những khái niệm, từ ngữ. Với hàng rong mà định nhốt vào một chỗ, quả thực chả khác đem thúng úp voi, làm cái việc vô nghĩa. Hàng rong có liên quan tới 3 điều cơ bản: Người bán rong là người nghèo, họ lấy cái sức, sự cần mẫn rong ruổi của mình để mưu sinh; Người mua hàng rong cũng chủ yếu là người nghèo, thu nhập thấp, ít có điều kiện đi đây đi đó mua sắm; Hàng hóa bán rong chủ yếu là thứ hàng rẻ tiền, bình dân, tự cung tự cấp. Vậy thì, dồn vào một chỗ, dù có là phố sang trọng, quy hoạch đàng hoàng, quầy sạp nghiêm chỉnh đi chăng nữa cũng chả ai ham, người bán không vào, người mua không tới, hàng ế rệ là cái chắc.

Hàng rong, nếu thấy không quản được, thấy không hợp văn minh đô thị thì dẹp, khuyên bà con về nhà kiếm cách mưu sinh khác, hoặc ráng tìm cách nào đó có thể thực thi chứ ai lại vẽ vời thế bao giờ.

Thế thì “phố hàng rong” chưa hình thành đã có nguy cơ chết yểu, mà nguyên nhân ban đầu tại không hiểu thấu đáo chữ “rong”.

Nguyễn Thông

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
15 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng rong làm sao ngồi một chỗ