Nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ và hỗ trợ tài chính của các mạnh thường quân, bệnh nhân mắc căn bệnh giảm tiểu cầu bị biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao đã có thêm cơ hội sống.
Gia tài khánh kiệt, bệnh nhân đứng trước cửa tử
Sau gần 10 năm ngược xuôi từ Đồng Tháp lên TP.HCM và đi khắp các bệnh viện để điều trị căn bệnh giảm tiểu cầu với hàng loạt biến chứng hành hạ, tài sản của gia đình chị Nguyễn Thị Mộng Yến (44 tuổi, ngụ huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) gần như khánh kiệt. Từ những tài sản nhỏ nhất đến tài sản lớn nhất là căn nhà gia đình chị đang ở cũng lần lượt “đội nón ra đi”.
Năm 2013, chị Yến phát hiện mình mắc phải căn bệnh giảm tiểu cầu và bắt đầu hành trình chữa bệnh. Chị đi điều trị liên tục, từ Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM đến Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng không có hồi kết.
Từng đồng lương ít ỏi của cán bộ nhà nước đến tài sản trong nhà cũng vơi dần theo theo mỗi giai đoạn chạy chữa của chị. Cuối cùng, chị cũng phải bán nốt căn nhà của mình để có tiền chữa bệnh rồi đi sống nhờ người thân.
Chưa kể, trong 10 năm chạy chữa bệnh, phần lớn thời gian chị ở bệnh viện nên không thể duy trì công việc của một công chức nhà nước nên đành làm việc tự do, "buôn gánh bán bưng", nhặt nhạnh từng mớ rau, cây trái trong vườn nhà cha mẹ ruột để bán. Đây cũng là điều mà phận làm con như chị đau lòng nhất.
Chị kể: “Có tháng tôi nằm viện hết 25 ngày, ở nhà vỏn vẹn có 5 ngày, nên buôn bán bữa được bữa không. Có lúc vừa chở một xe xoài ra chợ bán thì phải nhập viện, chồng lại vội vã nhờ các anh chị bán giúp. Đau đớn hơn, toàn bộ số tiền cha mẹ dành để dưỡng già cũng đưa hết cho tôi chữa trị. Nhiều khi túng thiếu, hai ông bà già ngoài 70 tuổi vẫn cắt lục bình trước nhà để lấy tiền cho tôi ngược xuôi bệnh viện”, chị Yến kể.
Tuy nhiên, căn bệnh giảm tiểu cầu cùng hàng loạt biến chứng, từ giãn tĩnh mạch chân, cường giáp đến thiếu máu cơ tim khiến chị Yến kiệt quệ cả về tinh thần lẫn kinh tế.
Cách đây vài tháng, chị Yến được bác sĩ chẩn đoán phình động mạch cảnh trong đoạn sau với chi phí phẫu thuật lên đến 279 triệu đồng - một con số vượt khỏi tầm tay với người phải chắt chiu từng đồng như chị.
“Bác sĩ nói túi phình đến 7 - 8 rồi, dọa vỡ bất cứ lúc nào và khuyên tôi nhập viện phẫu thuật. Tôi lần lữa mãi. Bác sĩ không dám đảm bảo, nhưng có nói là không quá 3 tháng. Nếu vỡ, tỷ lệ sống sót chỉ 1% bởi căn bệnh giảm tiểu cầu vốn dĩ máu đã khó đông, khi vỡ thì máu sẽ tràn lên não ngay lập tức. Nhưng lấy tiền đâu ra…”, chị Yến ngậm ngùi nói.
Lúc này, ước mong lớn nhất của chị là mỗi tháng chỉ phải nằm viện đôi ngày, vì “ở bệnh viện suốt 10 năm nay quả thực quá mệt mỏi”. Nhưng khi nghĩ đến cái chết, chị lo sợ đủ điều. Lo sợ không kịp thấy những đứa con trưởng thành, dựng vợ gả chồng, lo sợ cha mẹ già rơi vào cảnh “người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh” nên nguyện cầu được sống của chị trở nên mãnh liệt.
Như một câu chuyện cổ tích
Người xưa có câu: “Phước lành đến từ những điều bất hạnh”, chị Yến cũng ví cuộc đời mình như thế. Đến bước đường cùng, chị đã phải nhờ đến sự trợ giúp của một chương trình truyền hình nhân ái tại Đồng Tháp để có được sự hỗ trợ từ cộng đồng, hy vọng có tiền chữa bệnh.
Câu chuyện về hành trình 10 chữa trị căn bệnh giảm tiểu cầu bị biến chứng nặng và đang đối diện nguy cơ tử vong đã đến tai TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ - một bệnh viện chuyên sâu về can thiệp đột quỵ, tim mạch trong khu vực Tây Nam Bộ.
Ngay lập tức, bác sĩ Cường đã chỉ đạo bệnh viện tiếp nhận, miễn giảm toàn bộ chi phí chụp MRI, thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho chị.
Để tiết giảm chi phí mà vẫn đảm bảo thành công cho ca can thiệp, ê kíp bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ đã xử trí theo phương pháp đặt coil thay vì áp dụng phương pháp đặt stent phổ biến.
“Khi đặt coil, bệnh nhân không cần phải uống thuốc đông máu do đang mắc bệnh giảm tiểu cầu, đồng thời phương pháp này sẽ giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình người bệnh. Ca can thiệp được thực hiện thành công vào lúc 18 giờ ngày 15.8.2023 với chi phí chưa đến 100 triệu đồng”, bác sĩ Cường chia sẻ.
Biết hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, Quỹ bệnh nhân nghèo khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) do Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ sáng lập cũng nhanh chóng đồng hành, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ.
TS.BS Trần Chí Cường cho biết, đến nay Quỹ bệnh nhân nghèo khu vực ĐBSCL đã nhận hơn 42 triệu đồng ủng hộ cho chị Yến chữa bệnh. Hiện tổng chi phí điều trị của bệnh nhân hơn 95 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả hơn 33 triệu đồng, các mạnh thường quân ủng hộ hơn 40 triệu đồng. Như vậy, bệnh nhân chỉ còn phải trả chi phí khoảng 19 triệu đồng.
Xúc động vì được hỗ trợ tiền và cứu chữa thành công, chị Yến cảm ơn ê kíp bác sĩ của bệnh viện và những mạnh thường quân đã giúp trao cho mình cơ hội sống.
“Nhờ sự giúp đỡ từ mạnh thường quân mà ước mơ điều trị bệnh để có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn tưởng chừng như xa vời với tôi đã trở thành hiện thực. Tôi như từ cửa tử được trở về. Nó giống như một câu chuyện cổ tích vậy”, chị Yến nói.