Hai dự án luật hỗ trợ DNNVV và luật sửa đổi, bổ sung đều được đánh giá là mang tính bước ngoặt quan trọng đối với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng cả hai đều đang vấp phải những trở ngại không nhỏ, cả từ phía các bộ ngành lẫn sự xem xét và đánh giá từ phía Quốc hội.

Hành trình gian nan của những dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp

Nhàn Đàm | 14/10/2016, 14:50

Hai dự án luật hỗ trợ DNNVV và luật sửa đổi, bổ sung đều được đánh giá là mang tính bước ngoặt quan trọng đối với nỗ lực tái cơ cấu nền kinh tế. Nhưng cả hai đều đang vấp phải những trở ngại không nhỏ, cả từ phía các bộ ngành lẫn sự xem xét và đánh giá từ phía Quốc hội.

Hiếm khi nào mà cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế lại có sự kỳ vọng và quan tâm cao độ đến phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như những gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại. Đó là điều dễ hiểu khi sẽ có hai dự án luật có tầm quan trọng đặc biệt với doanh nghiệp được xem xét và có thể được thông qua trong phiên họp lần này, đó là Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh (gọi tắt là Luật sửa đổi bổ sung).

Nếu cả hai luật này đều được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực, đó sẽ là một nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trên cả nước và là một bước tiến dài trên con đường tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn lại những trở ngại để đưa 2 luật này trình được ra trước Quốc hội, cũng như những khó khăn mà cả 2 được dự báo sẽ vấp phải trong thời gian sắp tới, thì đó quả thực là một hành trình đầy gian nan.

Cả 2 dự án luật hỗ trợ DNNVV và luật sửa đổi bổ sung đều là những luật được đánh giá là mang tính bước ngoặt quan trọng đối với nỗ lực tái cơ cấu kinh tế của Nhà nước và chính phủ, là tiền đề quan trọng hướng tới chương trình “quốc gia khởi nghiệp” trong đó đặt mục tiêu Việt Nam đến năm 2020 sẽ có khoảng 1 triệu doanh nghiệp.

Vì thế, về lý thuyết 2 dự án luật này phải nhận được sự hỗ trợ và nỗ lực hết mình từ các bộ ngành trong chính phủ (đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo) và từ phía Quốc hội (đóng vai trò xem xét và thông qua). Nhưng thực tế tính đến thời điểm hiện tại thì hoàn toàn ngược lại. Cả hai dự án luật này đều đang vấp phải những trở ngại không nhỏ, cả từ phía các bộ ngành lẫn sự xem xét và đánh giá từ phía Quốc hội.

Điểm dễ dàng nhận thấy nhất của tình trạng phải đối mặt với nhiều trở ngại trong quá trình soạn thảo và chuẩn bị của hai dự luật này, đó là việc cả hai đều chậm trễ trong việc trình Quốc hội lần này. Đặc biệt là luật sửa đổi và bổ sung, khi đích thân Thủ tướng đã phải gọi điện trực tiếp cho Chủ tịch Quốc hội tha thiết làm sao cố gắng để trình dự án luật ra Quốc hội cho kịp thời gian (theo CafeF).

Trả lời chất vấn của Quốc hội khi bị phê bình là trình dự luật hỗ trợ DNNVV chậm trễ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích: “Việc chuẩn bị chậm là có, nhưng là do cách làm luật của ta chưa tốt. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mời họp nhiều lần các ngành liên quan, nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu để soi xem có ảnh hưởng đến bộ mình hay không chứ không mang tính xây dựng. Chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho kinh tế, là chủ trương lớn của đất nước mà không ai nói đến… Chậm là do nhận thức của các bộ ngành thiếu và yếu”.

Sự thiếu hợp tác của các bộ ngành trong việc xây dựng hai dự án luật trên, có lẽ là lý do vì sao khi trình ra trước Quốc hội thì hai dự luật này đều vấp phải sự không đồng tình có phần xét nét của không ít bộ ngành, dù về lý thuyết điều đó chỉ được phép diễn ra trong quá trình soạn thảo.

Chẳng hạn như Bộ Tài chính phản đối mức giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-5% và một số hỗ trợ về giảm thuế đất đai mà luật hỗ trợ DNNVV đề xuất, cũng như khẳng định điều này sẽ khiến ngân sách giảm thu nghiêm trọng; hay Bộ Công Thương tỏ ý lo ngại về khả năng các biện pháp hỗ trợ có vi phạm các quy định về chống trợ cấp của WTO, về chống bán phá giá của WTO và TPP hay không.

Lẽ ra những phản biện này cần phải được đưa ra trong quá trình soạn thảo để có thể điều chỉnh nếu cần thiết, còn khi đã trình ra Quốc hội xem xét mới phản biện thì lại là những động thái có thể khiến cho dự luật không được thông qua. Sự thiếu thống nhất giữa các bộ đối với dự luật có thể kéo theo những hệ quả không lấy gì làm tích cực, đặc biệt là trong trường hợp được Quốc hội thông qua và bắt đầu có hiệu lực.

Không chỉ vấp phải trở ngại từ sự thiếu hợp tác của một số bộ ngành, mà cả hai dự luật này cũng đang vấp phải sự xem xét và đánh giá không thực sự dễ chịu từ phía Quốc hội. Ngoài một số câu hỏi đang có vẻ như bắt đúng bệnh, đặc biệt là về luật hỗ trợ DNNVV như về mức độ khả thi và mức độ hiệu quả thực tế, thì cũng có không ít các quan điểm cho rằng hai dự luật trên đang xung đột với một số luật hiện hành.

Điển hình là các hỗ trợ về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hay giảm tiền thuê đất trong luật hỗ trợ DNNVV bị một số ý kiến phản đối với lý do không tương thích với các luật hiện hành về thuế, tín dụng, đất đai,…(theo The Saigon Times).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, theo báo cáo của đại diện Bộ Tài chính, tính toán sơ bộ toàn bộ các nội dung ưu đãi, miễn giảm thuế theo các quy định của dự thảo luật sẽ làm ngân sách nhà nước giảm thu 9.388 tỉ đồng/năm, và điều này thì mâu thuẫn với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2015 về việc không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế theo cam kết quốc tế (theo The Saigon Times).

Nói cách khác, nếu tuân thủ nghiêm ngặt với chỉ đạo trên theo ý kiến của Ủy ban kinh tế của Quốc hội, thì Việt Nam sẽ không thể đưa ra bất cứ một chính sách giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp nào, vì nó sẽ khiến ngân sách hụt thu, bất kể chính sách giảm thuế đó có quan trọng đến đâu chăng nữa.

Kể cả khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình rằng việc giảm thuế sẽ không khiến ngân sách hụt thu do sẽ được bù lại nhờ số lượng doanh nghiệp gia tăng mạnh và ngân sách thậm chí sẽ tăng thu mạnh hơn, thì khả năng bị bác bỏ vẫn là rất lớn nếu cứ khăng khăng viện dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ 2015 một cách cứng nhắc.

Vì miễn giảm thuế sẽ khiến ngân sách hụt thu trước rồi mới có thể được bù lại sau đó, và với một quan điểm bảo thủ thì như vậy vẫn là đã vi phạm chỉ đạo 2015 rồi.

Nhàn Đàm
Bài liên quan
An Giang: Dự án nâng cấp đường tỉnh 948 gặp khó về giải phóng mặt bằng
Tuyến đường tỉnh 948 có vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa giữa hai huyện Tịnh Biên - Tri Tôn; kết nối hai thành phố Châu Đốc, Long Xuyên (An Giang) và tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là tuyến đường chính phục vụ du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thực hiện nâng cấp, mở rộng khẩn cấp tuyến đường này hiện đang gặp khó về công tác giải phóng mặt bằng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
22 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình gian nan của những dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp