Hạ viện Philippines ngày 26.6 thông qua một dự luật, quy định nếu hát quốc ca "không khí thế" thì công dân Philippines sẽ bị tù 1 năm.
Dự luật này còn trình Thượng viện, nếu được thông qua và ký thành luật, việc không hát quốc ca Lupang Hinirang thật nhiệt tình ở nơi công cộng sẽ bị kết án tù 1 năm, và phải nộp phạt số tiền từ 50.000 đến 100.000 peso (từ 1.000 đến 2.000USD).Tái phạm lần 2 sẽ gồm cả bị phạt tù và phạt tiền, tên người vi phạm bị “bêu” trên một tờ báo.
Dự luật viết: “Việc hát quốc ca là bắt buộc và phải hát thật nhiệt tình. Việc xem thường, trêu chọc, làm mất danh dự của quốc ca phải bị trừng phạt”. Dự luật buộc công dân phải đứng nghiêm trước quốc kỳ Philippines và trước dàn nhạc, và còn quyđịnh nhịp 2/4 khi cử hành quốc ca, và nhịp 4/4 khi hát quốc ca ở bất kỳ nơi công cộng nào.
Các trường học công lập và tư nhân cũng phải bắt buộc toàn bộ học sinh thuộc lòng quốc ca do nhạc sĩ Julian Felipe sáng tác và được chọn làm quốc ca hồi năm 1938. Trước đây, Philippines đã có những quyđịnh về hát quốc ca, nhưng không bắt buộc phải hát “thật khí thế”.
Các nước khác ở châu Á cũng có những quyđịnh gây tranh cãi để quốc ca được tôn trọng đầy đủ. Ở Thái Lan, quốc ca được cử hành lúc 8 giờ sáng và 6 giờ chiều/ngày, trên loa phát ở trường học, công sở, bãi đậu xe và ga đường sắt. Công dân được khuyến khích đứng nghiêm và giữ im lặng.
Thái Lan cũng có luật buộc khán giả đến rạp phim phải đứng nghiêm khi quốc ca được cử hành. Dù hiếm bị truy tố, hồi tháng 9.2007, một người đàn ông và một người đàn bà bị buộc tội khi quân, vì họ không đứng lên khi quốc ca được cử hành trong rạp phim.
Tội danh khi quân có thể khiến bị kết án 15 năm tù. Hai người được xóa tội hồi năm 2012. Hồi năm 2008, một khán giả khác bị kết án 3 năm tù cũng vì không đứng nghiêm khi cử hành quốc ca. Sau đó án được giảm một nửa rồi chuyển thành án tù treo 2 năm do nữ khán giả này nhận tội.
Năm 2007, các nghị sĩ Thái đã xem xét một luật buộc người lái xe phải dừng xe khi cử hành quốc ca, nhưng luật này không được thông qua. Tháng 11. 2016, Tòa án tối cao Ấn Độ quyđịnh các rạp phim trên toàn quốc phải cử hành quốc ca trước khi chiếu phimvà khán giả phải đứng nghiêm để khuyến khích công dân “cảm thấy đây là quê hương, tổ quốc ta”.
Ngày 19.12.2016, 19 khán giả bị bắt vì không đứng nghiêm khi cử hành hát quốc ca, theo báo Los Angeles Times. Sau nhiều cáo buộc khán giả bị đánh vì không đứng nghiêm, đến tháng 2.2017, Tòa án tối cao phải nói rõ là không bắt buộc đứng khi quốc ca được cử hành.
Tuần trước, các đại biểu quốc hội Trung Quốc đề nghị dự luật kết án 1 năm tù với công dân lạm dụng quốc ca “Nghĩa Dũng quân tiến hành khúc”. Theo đó, công dân Trung Quốc không được hát quốc ca ở đám tang, không được chọn làm nhạc nền và không được sử dụng để quảng cáo. Người vi phạm có thể bị ngồi tù một năm. Công dân “chêm” lời giễu nhại, bêu rếu quốc ca có thể bị tù 15 ngày.
Ở Mỹ có quy định công dân phải đứng nghiêm khi đối diện quốc kỳ, tay phải đặt lên tim khi cử hành quốc ca. Nếu không có quốc kỳ, công dân phải “đối diện với nhạc và cũng ứng xử như thể đang có quốc kỳ hiện diện”.
Năm 1942, một người đàn ông và một người đàn bà ở Chicago bị buộc “gây mất trật tự”, mỗi người bị phạt 200USD vì không đứng nghiêm khi cử hành quốc ca ở một nhà hát. Họ giải thích vì đã xem một bức ảnh trước khi hát quốc ca có lời lẽ về nỗ lực chiến tranh “khiến họ không hứng khởi”.
Kim Hương (theo New York Times)