Dù hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường nhưng làn sóng trả mặt bằng của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại do tác động của đại dịch COVID-19.

Hậu COVID-19, làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại

21/10/2020, 13:06

Dù hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường nhưng làn sóng trả mặt bằng của nhiều cửa hàng, doanh nghiệp vẫn chưa dừng lại do tác động của đại dịch COVID-19.

Do ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 nên tình hình kinh doanh bán lẻ vẫn đang khó khăn, ngay cả khi Việt Nam đã gần như chấm dứt hoàn toàn dịch bệnh. Nhiều cửa hàng kinh doanh vẫn treo biển thanh lý tạo nên làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại.

Theo Savills Việt Nam, trong quý 3/2020, nhiều khách thuê thuộc ngành hàng ẩm thực và thời trang tại các trung tâm mua sắm có động thái trả mặt bằng hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí.

Nguyên nhân là do tình hình kinh doanh của một số ngành dịch vụ, đặc biệt là ẩm thực vẫn tiếp tục ảm đạm do tác động của đại dịch COVID-19. Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy doanh thu từ dịch vụ ăn uống trong 9 tháng đầu năm 2020 giảm 39% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam cho biết hiện các khách thuê mới khá thận trọng, hạn chế mở cửa hàng trong khi khách thuê cũ thu hẹp diện tích thuê hiện hữu.

Bà Trang cho rằng tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa. Việc cắt giảm diện tích thuê, thậm chí trả mặt bằng là một trong những giải pháp được nhiều khách thuê áp dụng trong giai đoạn nhạy cảm này để vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, thị trường có thể được cải thiện dần khi càng về cuối năm, đặc biệt trong các dịp lễ tết sắp tới.

thi-truong-ban-le-mat-bang.jpeg
Thị trường bán lẻ vẫn còn ảm đạm sau dịch COVID-19 - Ảnh: Phan Diệu

Tương tự, CBRE cho biết trong quý 3/2020, tỷ lệ mặt bằng bán lẻ trống trung bình vẫn cao hơn năm trước do các thương hiệu bán lẻ, chủ yếu là thời trang và ăn uống trong nước trả lại mặt bằng.

Một số chủ đầu tư vẫn giữ chính sách ưu đãi cho các khách thuê hiện hữu và khách thuê mới, tuy rằng số lượng dự án có chính sách ưu đãi không nhiều như trong đợt COVID-19 hồi đầu năm. Một số hình thức ưu đãi chủ yếu như giảm 50% phí dịch vụ, giảm từ 10-30% giá thuê tùy theo ngành hàng hoặc miễn 100% giá thuê trong thời gian buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh, như trường hợp của Aeon Mall Bình Tân.

Tính đến cuối quý 3/2020, giá chào thuê cho tầng trệt và tầng một được ghi nhận ở mức 135,4 USD/m2/tháng cho khu trung tâm và 35,8 USD/m2/tháng cho khu ngoài trung tâm, hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm trước.

Các thương hiệu nước ngoài sau một thời gian yên ắng có dấu hiệu quay trở lại tìm hiểu về thị trường Việt Nam. Theo CBRE Việt Nam, hầu hết các thương hiệu mới này tập trung vào mảng mua sắm mang tính trải nghiệm, thời trang thể thao, sức khỏe và sắc đẹp, tức những ngành hàng đang tích cực mở rộng trong vài năm trở lại đây.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn, CBRE Việt Nam nói rằng tuy nguồn cung mới dồi dào và rải khắp các khu vực khác nhau của TP.HCM, nguồn cung mới khai trương trong năm 2020 và 2021 sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dự đoán trong năm 2021, bà Thanh cho biết chỉ có một dự án mới khai trương là Socar Shopping Mall tại quận 2. Từ 2022-2024, thị trường có trên 430.000 m2 diện tích bán lẻ đang được triển khai xây dựng hoặc đang lên kế hoạch, với một vài dự án có quy mô tiêu biểu ngoài trung tâm như Vincom Megamall Grand Park (quận 9), Elite Mall (quận 8).

Bà Thanh kỳ vọng việc hoàn thành tuyến metro số 1 vào năm 2022 sẽ làm thay đổi mạnh mẽ mặt bằng giá thuê tại những khu vực gần các trạm metro tương lai. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng phố đi bộ của TP.HCM một khi được thực hiện sẽ thu hút thêm nhiều thương hiệu và tạo nên những thay đổi về cơ cấu ngành hàng tại khu vực trung tâm.

Bài liên quan
Thị trường bán lẻ Việt Nam sau thập niên: Miếng bánh ngon nhưng khó xơi
Nhìn vào sự thăng trầm của các thương hiệu đình đám tại thị trường sau một thập niên, chuyên gia cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam là miếng bánh đầy tiềm năng nhưng không phải ai cũng có thể nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh thị phần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu COVID-19, làn sóng trả mặt bằng vẫn chưa dừng lại