Sắp tới, người dân đô thị sẽ có một khung giá nước chung để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Hiện nay, giá nước sạch đối với khu vực đô thị được chia ra làm 2 nhóm đô thị: Nhóm đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có mức giá tối thiểu là 3.500 đồng/m3, mức giá tối đa là 18.000 đồng/m3; Nhóm đô thị loại 2, loại 3, loại 4, loại 5 thì mức giá tối thiểu là 3.000 đồng/m3, mức giá tối đa là 15.000 đồng/m3.
Tại Dự thảo Thông tư đang gửi lấy ý kiến đã điều chỉnh, Bộ Tài chính cho biết sẽ gộp khung giá của các loại đô thị để quy định 1 khung chung cho phù hợp với thực tế. Còn sẽ không điều chỉnh giá nước tại khu vực nông thôn.
Ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) khẳng định việc điều chỉnh khung giá nước này không tác động đến quy định chung về giá nước hiện hành. Theo ông, việc gộp chung các nhóm đô thị thành 1 nhóm là để xóa bỏ phân biệt loại đô thị, mặt khác cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay là một số khu đô thị loại 2 đến 5 hiện có giá cụ thể cao hơn đô thị loại đặc biệt, loại 1.
"Mặt khác, về nguyên tắc thì việc quyết định mức giá cụ thể phải nằm trong khung nên việc tiếp tục phân loại giữa các loại đô thị là không còn cần thiết. Như vậy, nếu nhìn nhận dưới góc độ khung giá thì cũng có thể cho rằng đã có sự điều chỉnh giảm mức giá tối thiểu hiện đang áp dụng đối với các đô thị đặc biệt, đô thị loại 1.
Tuy nhiên, theo quy định thì giá bán cụ thể của từng địa phương do UBND cấp tỉnh, thành phố quyết định trong khung (không thay đổi mức trần), bảo đảm phù hợp với nguyên tắc xác định giá, vì vậy việc điều chỉnh gộp khung như dự thảo Thông tư cơ bản sẽ không có tác động, biến động nhiều đến quy định chung về giá nước hiện hành", Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá nhấn mạnh.
Ông Khôi cho rằng cần nghiên cứu để điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch từ nguyên tắc phân biệt theo mục đích sử dụng như: nước sạch hộ dân cư; Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp bao gồm cả trường học, bệnh viện, phục vụ mục đích công cộng; Hoạt động sản xuất vật chất; Kinh doanh dịch vụ chuyển thành giá theo 3 nhóm đối tượng sử dụng nước cho sinh hoạt gồm: Hộ dân sử dụng nước sạch sinh hoạt- mức lũy tiến 4 bậc; Đối tượng được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần chi phí hoạt động sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt; và đối tượng khác sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt.
Qua đó giải quyết được vướng mắc về việc áp dụng giá cho đối tượng trường học tư, bệnh viện tư, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập tự chủ về nguồn chi nhưng dùng nước cho mục đích sinh hoạt.
Một vấn đề khác được lãnh đạo Bộ Tài chính cho là rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đó là tỷ lệ hao hụt trước đây từ 23- 32%, qua thời gian thực hiện nay cần thiết phải điều chỉnh giảm tỷ lệ hao hụt nước sạch xuống còn 15% và 20% tùy thuộc khu vực đô thị, nông thôn.
"Để đảm bảo hài hòa lợi ích của ba bên và minh bạch trong công tác quản lý giá, dự thảo Thông tư tiếp tục kế thừa các nội dung về nguyên tắc xác định giá nước sạch là phải tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý, hợp lệ, có lợi nhuận... phù hợp thu nhập người dân trong từng thời kỳ. Bên cạnh đó phải đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, phù hợp với nguyên tắc thị trường đó là phải được điều chỉnh kịp thời phù hợp với biến động của các yếu tố chi phí hình thành giá", ông Khôi lý giải thêm.
Với những điều chỉnh này, nhiều người dân đô thị đang kỳ vọng sắp tới sẽ được sử dụng nước sạch với giá rẻ hơn bây giờ khi giá nước ở các khu vực đô thị được đề xuất về một khung, không còn nhiều khung giá như hiện nay. Mặt khác, điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa diễn ra từ đầu năm khiến đời sống của người dân chật vật và khó khăn hơn nhiều.
Trao đổi với PV Một Thế Giới, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết trong quá trình thực hiện khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch từ năm 2012 đến nay đã có nhiều vấn đề phát sinh cần phải xem xét sửa đổi.
Cụ thể là hiện nay rất nhiều khu vực, địa phương chưa xây dựng được định mức dự toán sản xuất nước sạch. Đây chính là những thất thoát, kẽ hở khiến doanh nghệp cung cấp nước lợi dụng để trục lợi tính giá nước sai. Điều này cũng vô hình chung tạo nên sự thiếu minh bạch trong quá trình phê duyệt phương án giá nước.
Do đó, với phương án điều chỉnh khung giá nước sạch hiện đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, ông Nguyễn Tiến Thỏa đề xuất cần phải minh bạch, đảm bảo điều kiện tính đúng, tính đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên.