Hậu Giang dự định đầu tư và huy động vốn xã hội hóa khoảng 12.000 tỉ đồng để phát triển kinh tế ban đêm quy mô lớn.
Ngày 7.3, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 331/QĐ-UBND về việc phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm (KTBĐ) ở Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Cụ thể, theo đề án, giai đoạn 2021-2025, hình thành 3 - 4 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm. Phát triển ít nhất 1 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 3 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2 - 3 ngày.
Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 5 - 7% số lao động. Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 9 - 10%/năm. KTBĐ góp phần thực hiện mục tiêu thu hút lượng khách du lịch đến Hậu Giang năm 2025 là 700.000 lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 300 tỉ đồng.
Đến năm 2030, hình thành 6 - 7 khu vực tổ hợp vui chơi, giải trí ban đêm. Phát triển ít nhất 2 sản phẩm vui chơi, giải trí, văn hóa, nghệ thuật ban đêm mang tính biểu tượng đặc trưng của địa phương. Hình thành ít nhất 4 tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch ban ngày và ban đêm với thời gian lưu trú trung bình từ 2 - 3 ngày.
Hoạt động KTBĐ tạo việc làm cho người dân địa phương khoảng 7% trở lên. Tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 12 - 13%/năm. Năm 2030 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỉ đồng.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phát triển KTBĐ là 12.000 tỉ đồng, trong đó: Giai đoạn 2021-2025 là 4.100 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 25 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa là 4.075 tỉ đồng. Giai đoạn 2026-2030 là 7.900 tỉ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước là 80 tỉ đồng, nguồn xã hội hóa là 7.820 tỉ đồng.
UBND tỉnh Hậu Giang giao cho các sở ngành thực hiện triển khai Đề án phát triển KTBĐ tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ban ngành và địa phương liên quan nghiên cứu tích hợp, lồng ghép quy hoạch phát triển KTBĐ trong quá trình xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù; trong đó quy hoạch những khu vực, địa bàn, tuyến có khả năng phát triển KTBĐ.