Trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị lập biên bản vì đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Hậu Giang: Nhiều cửa hàng xăng dầu bị lập biên bản vì đóng cửa, ngừng kinh doanh

Văn Kim Khanh | 16/02/2022, 22:00

Trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị lập biên bản vì đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang cho biết, đến nay Hậu Giang có tổng số 233 cửa hàng xăng dầu (CHXD) và 32 thương nhân đầu mối, phân phối xăng dầu vào địa bàn tỉnh. Trong tuần qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đã bị lập biên bản vì đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Theo báo cáo ngày 16.2 của Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, có hai doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung cho hệ thống phân phối là Công ty cổ phần hương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro) và Công ty TNHH MTV nhiên liệu Tây Đô.

Đến thời điểm hiện tại, NSH Petro vẫn đáp ứng và cung cấp hàng hóa đầy đủ cho 39 đại lý, 7 cửa hàng trực thuộc. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV nhiên liệu Tây Đô với 11 cửa hàng trực thuộc và 20 đại lý, hiện vẫn đảm bảo đủ nguồn hàng hóa cung cấp cho khách hàng cũng như trạm trực thuộc.

mot-cua-hang-petrolimex-o-vinh-long.jpg
Xăng dầu cho thị trường Hậu Giang đang thiếu nguồn cung - Ảnh: VKK

Theo báo cáo, qua kiểm tra có 6 cửa hàng đóng cửa, ngừng kinh doanh, trong đó có 1 cửa hàng có văn bản gửi Sở Công Thương, được Sở chấp thuận; 5 cửa hàng hết xăng dầu hoặc hết xăng còn dầu do sức mua tăng đột biến, nguồn cung xăng dầu chưa về kịp gồm: Cửa hàng xăng dầu Cái Tắc - thương nhân phân phối Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ Tây Nam Cửu Long; Cửa hàng xăng dầu Một Ngàn - Công ty TNHH Phúc Lâm Petro Tây Đô; Cửa hàng xăng dầu DNTN Hoàng Hoa - Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol; Cửa hàng xăng dầu Trung Nguyên - Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol; Cửa hàng xăng dầu Thịnh Hoà 07 - Công ty TNHH MTV Bắc – Nam Thịnh Hòa.

Đoàn kiểm tra đã lập 5 biên bản, trong đó: 4 cửa hàng đóng cửa ngừng kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Công Thương, không có lý do chính đáng; đồng thời yêu cầu chủ doanh nghiệp mở cửa bán xăng dầu phục vụ người dân theo đúng thời gian đã đăng ký.

1 cửa hàng chưa cung cấp được hoá đơn, chứng từ xăng dầu đang kinh doanh. Đoàn đã lập biên bản niêm phong 6 bồn chứa nhiên liệu xăng dầu, gồm 3.700 lít xăng, 3.700 lít dầu (theo nhân viên quản lý cửa hàng báo cáo).

Đoàn kiểm tra đang hoàn chỉnh hồ sơ xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật. Hiện nay hầu hết các cửa hàng xăng dầu đã mở cửa bán trở lại, tuy nhiên nguồn cung xăng dầu từ các thương nhân phân phối còn hạn chế.

Riêng đối với 3 thương nhân phân phối (Công ty cổ phần thương mại hóa dầu Ressol, Công ty TNHH MTV Dầu khí Bông Sen Vàng, Công ty TNHH Phúc Lâm Petro Tây Đô) đang gặp khó khăn do không mua được hàng hóa từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống, đã đề nghị tạm đóng cửa một số cửa hàng xăng dầu trực thuộc và tạm ngưng cung cấp hàng cho các cửa hàng xăng dầu thuộc đại lý (Sở Công Thương không chấp nhận và đã có văn bản phúc đáp).

Ông Nguyễn Vũ Trường cho biết, Sở Công Thương đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tiết nguồn cung xăng dầu. Đồng thời, chỉ đạo thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn cung, có phương án nhập khẩu để đảm bảo cung ứng đầy đủ xăng dầu cho thị trường nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.

Sở cũng đề nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Hậu Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh, các sở ngành liên quan, địa phương tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hậu Giang: Nhiều cửa hàng xăng dầu bị lập biên bản vì đóng cửa, ngừng kinh doanh