Nhà báo Abed Charef là người sáng lập nhật báo El-Khabar có số lượng phát hành lớn nhất Algeria. Ông vừa có bài viết "Cuộc chiến Nga-Ukraine: Vì sao châu Âu là kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc xung đột" gây rất nhiều chú ý.
Khó có thể chê trách Na Uy điều gì. Đất nước khai sinh giải Nobel không chỉ được xếp hạng là một trong số các quốc gia có hệ thống quản trị tốt nhất trên thế giới, mà còn đủ may mắn để có quỹ tài sản có chủ quyền lớn nhất hành tinh, với hơn 1 nghìn tỉ USSD - chưa kể đến thần đồng bóng đá, Erling Haaland, người chắc chắn sẽ giành được nhiều Quả bóng vàng trong thập niên tới.
Và như chiếc bánh được phết kem, Na Uy có khí đốt; rất nhiều khí đốt, hầu hết được xuất khẩu sang châu Âu. Được biết đến với nước theo chủ nghĩa hòa bình, Na Uy không tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, nhưng họ đã trở thành một trong những người hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến này. Khí đốt dự kiến sẽ mang lại cho Na Uy hàng chục tỉ USD doanh thu trong năm nay, một con số đang tăng đều đặn.
Nhưng giờ đây, khi các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa người Nga và người Mỹ về Ukraine, rõ ràng là bên hưởng lợi chính của cuộc xung đột này đang ở rất xa chiến trường. Không cần giao chiến với một người lính nào hay bắn một phát súng nào, Washington đang gặt hái những lợi ích chưa từng có về địa chiến lược, kinh tế, quân sự và chính trị.
Để duy trì vai trò lãnh đạo của mình, trong bối cảnh sắp xảy ra cuộc đấu giữa các cường quốc, cụ thể là với Trung Quốc thì Mỹ cần khôi phục quyền bá chủ của mình đối với thế giới phương Tây và áp đặt nguyên tắc của mình. Điều này hiện đã đạt được, với việc hầu hết mọi nước đều chịu đặt mình, dù có nhiệt tình hay không, dưới sự bảo trợ của Mỹ - bắt đầu với châu Âu, nơi đã chôn vùi khát vọng cơ chế độc lập của chính mình.
Hợp đồng vũ khí và khí đốt
Việc Mỹ bảo vệ các nước phương Tây được thực hiện dưới ngọn cờ của NATO, một tổ chức từng bị chỉ trích mạnh mẽ và cách đây không lâu bị Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho là “chết não”.
Nhưng cuộc chiến Ukraine đã phục hồi hoàn toàn NATO trong mắt công chúng phương Tây, theo một cách châm biếm có thể được hiểu bằng khẩu hiệu: “Mỹ là lãnh đạo của thế giới tự do, với NATO là cánh tay bảo vệ”.
Tuy nhiên, Mỹ không bằng lòng với những lợi ích địa chính trị. Họ cũng muốn kiếm chác trong kinh doanh và theo cách này, lợi ích thu về vượt trội, với cuộc chiến Ukraine là một món quà trời cho.
Căng thẳng quốc tế do chiến tranh tạo ra đã thúc đẩy doanh số bán vũ khí trên khắp thế giới. Và các nước mua những vũ khí này ở đâu? Tất nhiên là từ Mỹ. Washington đã hứa viện trợ quân sự hàng tỉ USD cho Ukraine, nhưng chắc chắn rằng người Mỹ sẽ đảm bảo rằng họ sẽ nhận lại phần lớn cho mình thông qua các hợp đồng vũ khí. Vũ khí của Mỹ cũng sẽ được cung cấp dồi dào cho các khách hàng Mỹ khác, với những người mua đã xếp hàng.
Trong lĩnh vực không quân, các hợp đồng lớn đã được công bố ngay sau cuộc chiến của Nga, trong đó có một hợp đồng quy định Đức mua tới 35 máy bay F-35A, một hợp đồng có khả năng trị giá hơn 8 tỉ USD. Canada cũng đang có kế hoạch mua 88 chiếc F-35 với chi phí khoảng 15 tỉ USD, trong khi Phần Lan vào cuối năm ngoái đã công bố đơn đặt hàng 64 chiếc máy bay với chi phí gần 10 tỉ USD
Đồng thời, một cuộc mua bán vũ khí điên cuồng thực sự các loại đã tăng cường ở nhiều nước châu Âu. Đức đã công bố thành lập một quỹ đặc biệt trị giá 100 tỉ USD để nâng cấp quân đội. Gói này chắc chắn sẽ gồm cả việc mua vũ khí và thiết bị. Các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ đang chỉ việc ngồi chờ đơn đặt hàng.
Mỹ cũng đã đạt được một kỳ tích nhờ cuộc chiến ở Ukraine, thay thế khí đốt giá rẻ của Nga bằng khí đốt đắt đỏ của Mỹ. Xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2022, vượt quá tất cả lượng xuất khẩu được ghi nhận trong năm 2021.
Tình trạng này đã dẫn đến một loạt rối loạn không thể chịu nổi đối với châu Âu: năng lượng quá đắt đỏ, các nền kinh tế không còn khả năng cạnh tranh, căng thẳng chính trị và xã hội trở nên không thể chịu đựng nổi, và giới tinh hoa chính trị truyền thống đang mất dần vị thế trước những người theo chủ nghĩa dân túy ngày càng lấn lướt. Những cơ chế chính trị xã hội này đã dẫn đến những phản ứng dây chuyền khó kiểm soát.
Mất cơ chế tự chủ và bản sắc
Những quan sát này cho thấy rõ ràng rằng bên thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến này, sau chính Ukraine, sẽ là châu Âu. Bằng cách ngoan ngoãn liên kết với Mỹ, châu Âu đánh mất cả cơ chế tự chủ và bản sắc của mình. Các nước châu Âu muốn tránh chỉ trích người bảo hộ Mỹ của họ, nhưng tình hình trở nên khó khăn đến mức các nhà lãnh đạo châu Âu gần đây đã phải đưa ra cảnh báo.
Vào tháng 10, Tổng thống Macron lưu ý rằng các nhà sản xuất khí đốt của Mỹ đã tính giá cho khách hàng châu Âu cao hơn nhiều lần so với giá tính cho khách hàng Mỹ. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire còn đi xa hơn, dám khơi mào cuộc phản kháng bằng cách khẳng định rằng “không nghi ngờ gì về việc chúng ta cho phép cuộc xung đột ở Ukraine dẫn đến sự thống trị kinh tế của Mỹ và sự suy yếu của châu Âu”.
Nhưng bài phát biểu này, nhằm gây ảnh hưởng đến dư luận Pháp, không thể che giấu một thực tế không mấy tươi sáng với những nguy cơ suy thoái, lạm phát, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và sự chia rẽ.
Vì không thể tác động đến tiến trình của các sự kiện, châu Âu sẽ phải bám lấy đại ca Mỹ (American Big Brother) của mình, nhưng đã xuất hiện những rạn nứt về cách đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt.
Bất cứ ai nói rằng châu Âu là bên thua cuộc trong cuộc chiến Ukraine đều chỉ ra rằng Đức là nạn nhân chính. Là đầu tàu kinh tế của lục địa già, Đức đã trở thành trung tâm trên thực tế của châu Âu - nhưng giờ đây có vẻ như Mỹ đang đảm nhận vai trò này. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã phơi bày những điểm yếu của Đức và dường như nước này đang hướng tới một cuộc suy thoái. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ châu Âu có thể bị kéo xuống.
Khả năng chống sốc của Nga đã được thể hiện
Vẫn còn phải xem tác động của cuộc chiến đối với Ukraine và Nga. Đối với Moscow, các kết quả rất khác nhau: bất chấp sức mạnh của mình, quân đội Nga đã không thực hiện được một cuộc tấn công chớp nhoáng có thể cho phép họ áp đặt các điều kiện của mình lên Ukraine ngay lập tức. Cuộc tấn công của Nga thậm chí còn thúc đẩy Ukraine nối lại quan hệ với NATO và cho thấy những giới hạn của hành động quân sự, ngay cả bởi một cường quốc.
Nga cũng có nguy cơ đoạn tuyệt lâu dài với châu Âu. Điều này sẽ phải trả giá, nhưng nó sẽ cho phép Nga đặt cược nhiều hơn vào chiều sâu chiến lược của mình ở châu Á, hướng tới Trung Quốc và Ấn Độ, hai cường quốc kinh tế lớn của thế kỷ mới và ở khu vực phía nam với các cường quốc đang lên là Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Nhưng Nga đã chịu được cú sốc trong lĩnh vực mà nước này được coi là dễ bị tổn thương: nền kinh tế. Sau hóa giải các lệnh trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt, đồng rúp đã phục hồi, doanh thu bên ngoài tăng mặc dù khối lượng xuất khẩu khí đốt giảm và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo GDP của Nga chỉ giảm 3,4%, khác xa so với dự đoán về sự sụp đổ toàn bộ nền kinh tế như mức tận thế trước đó. Đó là chưa kể đến lợi ích lãnh thổ của Nga ở miền đông Ukraine.
Cuối cùng, Ukraine sẽ là kẻ thua cuộc lớn nhất trong cuộc chiến này. Sau khi mất Crimea vào năm 2014, nước này đã mất đi những vùng lãnh thổ mới, đồng thời đẩy mình ở vị thế thù địch và đối đầu với nước láng giềng trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ tới. Ukraine cũng đang phải gánh chịu những hậu quả mang tính hệ thống của chiến tranh: thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng và kết cấu xã hội bị hủy hoại, biến động dân số, quân sự hóa đời sống xã hội và chính trị, phổ biến vũ khí, phụ thuộc vào nước ngoài...
Hiện tại, Ukraine đang dựa vào sự hỗ trợ từ các nước phương Tây và truyền thông phương Tây đã giúp che giấu thiệt hại nội bộ khổng lồ. Nhưng cái giá phải trả thật là đáng sợ. IMF đã dự báo rằng nền kinh tế Ukraine có thể giảm 35% trong năm nay, với thiệt hại do chiến tranh ước tính lên tới hàng trăm tỉ USD. Dù Tổng thống Volodymir Zelensky giỏi diễn thuyết đến mấy nhưng không có bài phát biểu anh hùng thời chiến nào sẽ thay đổi được thực tế này.