Trong vụ án này, Trịnh Xuân Thanh bị xác định đã hưởng lợi 3 tỉ đồng từ hành vi vi phạm pháp luật nên HĐXX buộc bị cáo phải truy nộp số tiền 3 tỉ đồng sung công quỹ Nhà nước.
Chiều 15.3, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tuyên bản án đối với 12 bị cáo trong vụ án Ethanol Phú Thọ.
Với 3.400m2 đất tại thị trấn Tam Đảo liên quan đến tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” của bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng, HĐXX quyết định trả lại quyền sử dụng đất 3.400m2 nêu trên cho PVC; buộc PVC Kinh Bắc trả lại cho PVC số tiền 1,2 tỉ đồng (số tiền PVC Kinh Bắc hiện còn sử dụng của PVC) nên không buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh phải bồi thường cho PVC.
Theo HĐXX, Công ty Mai Phương thực chất là công ty do Trịnh Xuân Thanh lập ra để nhận chuyển nhượng sử dụng đất từ PVC Kinh Bắc. Tính đến ngày nhận chuyển nhượng sử dụng đất, Công ty Mai Phương mới được thành lập được 2 ngày, chưa có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh nào; diện tích 3.400m2 đất nêu trên được nhận chuyển nhượng bằng tiền có nguồn gốc của PVC bị sử dụng trái pháp luật từ chủ trương góp vốn sai của Trịnh Xuân Thanh.
Cụ thể, HĐXX xét thấy trước đó bị cáo Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc PVC Kinh Bắc) đã có nhiều lời khai cho thấy trước khi mua đất tại Tam Đảo, bị cáo đã có sự bàn bạc với Trịnh Xuân Thanh, đưa bị cáo Thanh lên Tam Đảo xem đất và Trịnh Xuân Thanh đã thống nhất mua 3.400m2 đất tại đây.
Ngoài ra, nhận định của HĐXX còn cho thấy hai bị cáo đã có sự thống nhất, Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo cán bộ dưới quyền tại PVC cho PVC Kinh Bắc tạm ứng trái quy định 25 tỉ đồng, vượt quá các quy định tại Hợp đồng giữa PVC Kinh Bắc và PVC để bị cáo Hồng sử dụng số tiền trên mua 3.400m2 đất tại Tam Đảo, sau đó bị cáo Thanh chỉ đạo gán trừ công nợ tiền tạm ứng thành tiền vốn góp của PVC vào PVC Kinh Bắc.
“Năm 2011, bị cáo Hồng thay mặt PVC Kinh Bắc chuyển nhượng khu đất trên cho Công ty Mai Phương của Trịnh Xuân Thanh. Việc chuyển nhượng sử dụng đất, bị cáo Hồng đều thỏa thuận với bị cáo Thanh; Thanh là người trực tiếp đàm phán, thỏa thuận giá cả với bị cáo Hồng”, HĐXX nêu rõ.
Ngoài ra, HĐXX còn trích dẫn bút lục thể hiện lời khai của bị cáo Hồng rằng: vì nghĩ Trịnh Xuân Thanh là Chủ tịch PVC, mang lại lợi ích cho mình sau này nên bị cáo Hồng không tiếp tục đòi 3 tỉ đồng. Do vậy, HĐXX nhận định giữa 2 bị cáo có mối quan hệ mật thiết.
Theo HĐXX, lời khai của bị cáo Hồng phù hợp với lời khai của các cá nhân liên quan và được chứng minh bằng lời khai của ông Trịnh Xuân Giới (bố đẻ của bị cáo Trịnh Xuân Thanh). Cụ thể, ông Giới khai ông chỉ là người đứng tên Công ty Mai Phương cho vợ chồng Thanh; việc thỏa thuận mua đất tại Tam Đảo là do vợ chồng Thanh trực tiếp thực hiện, ông không được biết nội dung này và không tham gia.
Như vậy, HĐXX đủ cơ sở kết luận vì động cơ cá nhân, Trịnh Xuân Thanh đã tự ý quyết định việc tạm ứng vượt quá tỷ lệ quy định trong hợp đồng giữa PVC Kinh Bắc và PVC. Bị cáo Hồng sau khi nhận khoản tiền trên đã không sử dụng vào việc thi công công trình xây dựng theo đúng hợp đồng mà sử dụng vào việc đầu tư cá nhân. Các hành vi trên của 2 bị cáo gây thiệt hại cho PVC hơn 13,2 tỉ đồng.
Xét vai trò của từng bị cáo, HĐXX nhận thấy Trịnh Xuân Thanh là Tổng giám đốc PVC, bản thân bị cáo Thanh có hiểu biết về đầu tư kinh doanh nhưng với mục đích cá nhân, lợi dụng vị trí công tác, tự ý quyết định về tiền tạm ứng không đúng quy định... Sau đó, bị cáo nhận chuyển nhượng khu đất trên nhằm hưởng lợi 3 tỉ đồng. Hành vi này là xâm phạm đến hoạt động kinh tế của Nhà nước, gây thiệt hại lớn.
Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của PVC, HĐXX nhận thấy cần xác định PVC là chủ thể có quyền sử dụng hợp pháp khu đất trên, cần trả lại cho PVC quyền sử dụng khu đất trên. PVC có quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục xác nhận lại quyền sử dụng đất đối với khu đất nêu trên theo quy định của pháp luật.
HĐXX cũng kiến nghị UBND tỉnh Bắc Ninh, UBND thị trấn Tam Đảo tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị xác định đã hưởng lợi 3 tỉ đồng từ hành vi vi phạm pháp luật nên HĐXX buộc bị cáo phải truy nộp số tiền 3 tỉ đồng sung công quỹ Nhà nước.
Với các bị cáo phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, HĐXX nhận định các bị cáo đã gây thiệt hại cho PVB hơn 543 tỉ đồng nên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường toàn bộ thiệt hại cho PVB.
Xét vai trò của từng bị cáo, mỗi nhóm bị cáo tại PVN, PVB, PVC có vị trí, vai trò, mức độ phạm tội khác nhau và theo phân tích, nhận định của HĐXX, nhóm bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Thanh Hà phải chịu trách nhiệm bồi thường chính, cao hơn nhóm bị cáo còn lại.
Cụ thể, bị cáo Đinh La Thăng phải bồi thường 200 tỉ đồng , Trịnh Xuân Thanh bồi thường hơn 143 tỉ đồng; Vũ Thanh Hà 100 tỉ đồng…