Tối 2.6 tại bang Odisha, một vụ tai nạn liên quan đến 2 tàu chở khách và 1 tàu chở hàng đã khiến hơn 280 người thiệt mạng cùng hơn 1.000 người khác bị thương. Vụ việc thảm khốc một lần nữa làm dấy lên nghi vấn về mức độ an toàn của hạ tầng đường sắt Ấn Độ.

Hệ thống đường sắt Ấn Độ bị nghi ngờ về độ an toàn sau tai nạn thảm khốc

Cẩm Bình | 05/06/2023, 10:55

Tối 2.6 tại bang Odisha, một vụ tai nạn liên quan đến 2 tàu chở khách và 1 tàu chở hàng đã khiến hơn 280 người thiệt mạng cùng hơn 1.000 người khác bị thương. Vụ việc thảm khốc một lần nữa làm dấy lên nghi vấn về mức độ an toàn của hạ tầng đường sắt Ấn Độ.

Mạng lưới đường sắt Ấn Độ thuộc hàng lớn nhất thế giới, được xây dựng từ thời nước này còn là thuộc địa Anh. Hiện có khoảng 11.000 chuyến tàu/ngày, chạy trên hơn 100.000km đường ray tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Quan chức đường sắt Jaya Verma Sinha cho biết theo điều tra ban đầu, nguyên nhân tai nạn có thể là lỗi trong hệ thống báo hiệu điện tử khiến 1 trong 2 tàu chở khách chuyển sai đường ray rồi đâm vào tàu chở hàng. Tàu chở khách còn lại bị vạ lây khi va phải vài toa tàu trật bánh.

heindia.jpg
Hiện trường vụ tai nạn tối 2.6 - Ảnh: CNN

Hạ tầng xuống cấp thường được xem là nguyên nhân gây nên tình trạng chậm trễ lẫn tai nạn tàu hỏa tại Ấn Độ. Gần 18.000 vụ tai nạn trên cả nước năm 2021 đã cướp đi sinh mạng hơn 16.000 người, hơn 67% số vụ tử vong là ngã khỏi tàu hoặc tàu đâm vào người trên đường ray. Va chạm giữa tàu với nhau ít xảy ra hơn.

Nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Narendra Modi nhằm xây dựng nền kinh tế trị giá 5 nghìn tỉ USD vào năm 2025. Trong năm tài khóa bắt đầu vào tháng 4, chính phủ tăng ngân sách cho xây dựng sân bay, đường sá và nhiều dự án hạ tầng khác lên 122 tỉ USD, tương đương 1,7% GDP. Một phần đáng kể trong ngân sách trên dành cho nâng cấp tàu hỏa. Công ty tư vấn chiến lược kinh doanh Albright Stonebridge Group cho biết phát triển đường sắt được dành đến 29 tỉ USD.

Kế hoạch đường sắt quốc gia Ấn Độ đầy tham vọng ra mắt năm 2021 dự kiến kết nối tất cả thành phố lớn phía bắc, tây và nam đất nước bằng đường sắt cao tốc. Các thành phố từ 1 triệu dân trở lên, cách nhau 300 - 700km được ưu tiên.

Quốc gia Nam Á này tranh thủ sự giúp đỡ về tài chính, công nghệ lẫn nhân lực của Nhật Bản để xây tuyến Mumbai - Ahmedabad dài 508km. Trong những thập niên tới ước tính có thêm 12 tuyến đường tàu cao tốc nữa.

Vài dự án vừa hoàn thành hoặc sắp hoàn thành. Trước khi tai nạn xảy ra, Thủ tướng Modi vốn dĩ chuẩn bị dự lễ khánh thành tàu cao tốc Vande Bharat vào ngày 3.6.

Theo cựu Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Mamata Banerjee, một trong số tàu trong vụ tai nạn mới nhất không có thiết bị chống va chạm, trong khi nước này nỗ lực nâng cấp công nghệ cho hạ tầng đường sắt.

Vài thập niên qua xảy ra không ít tai nạn tàu hỏa thảm khốc tại Ấn Độ. Năm 2005, ít nhất 102 người thiệt mạng do một tàu chở khách trật bánh ở bang Andhra Pradesh khi cố băng qua đường ray bị lũ cuốn trôi. 6 năm sau lại có tàu chuyển nhầm đường ray ở bang Uttar Pradesh làm chết vài chục người. Năm 2016, hơn 140 người thiệt mạng trong vụ tàu trật bánh ở bang Uttar Pradesh.

Bài liên quan
Sản lượng iPhone ở Ấn Độ đạt 14 tỉ USD khi Apple giảm phụ thuộc vào Trung Quốc
Apple đã lắp ráp số iPhone trị giá 14 tỉ USD tại Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp đôi sản lượng so với năm trước, trong dấu hiệu cho thấy hãng đang đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống đường sắt Ấn Độ bị nghi ngờ về độ an toàn sau tai nạn thảm khốc