Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam cho biết, nhiều trường ngoài công lập đã hoạt động hơn 20 năm, đến nay sắp hết thời hạn thuê nhà.

Hệ thống trường ngoài công lập của TP.HCM gặp khó vì bài toán quy hoạch đất

Tú Viên | 11/03/2021, 20:31

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam cho biết, nhiều trường ngoài công lập đã hoạt động hơn 20 năm, đến nay sắp hết thời hạn thuê nhà.

hoc-ngoai-khoa-28.9.jpg

Như đã đưa tin, TP.HCM đang chịu áp lực của gia tăng dân số cơ học. Các cơ sở giáo dục đang chịu áp lực lớn về số lượng học sinh, đặc biệt là các trường công lập.

Theo báo cáo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM hồi đầu năm, thành phố ước tính tăng hơn 54.600 học sinh các cấp, tập trung ở các quận Thủ Đức, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Củ Chi và quận 9, 12. Học sinh tăng hằng năm mà tốc độ xây trường lớp không theo kịp.

Đa phần, các trường có đông học sinh đều phải tăng sĩ số vượt xa chuẩn của Bộ GD-ĐT và nhiều trường phải bỏ hình thức dạy 2 ca để sắp xếp lớp học cho đủ đáp ứng lượng học sinh. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng chất lượng giáo dục.

Một giải pháp được dùng trong những năm qua giúp chia áp lực cho các trường công lập là hệ thống các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, trường ngoài công lập cũng đang gặp một bài toán khó để duy trì chứ chưa nói đến chuyện phát triển.

Chiều nay 11.3, UBND TP.HCM đã có buổi làm việc duyệt kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2021 của Sở GD-ĐT TP.HCM với sự tham gia của đại diện nhiều sở, ngành trên địa bàn TP.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hoài Nam cho biết, nhiều trường ngoài công lập đã hoạt động hơn 20 năm, đến nay sắp hết thời hạn thuê nhà. Nếu tìm đất khác tiếp tục mở trường lại vướng quy hoạch sử dụng đất. Cũng vì lý do quy hoạch đất nên dù hiện nay, nhiều chủ đầu tư muốn phát triển các dự án xây dựng trường ngoài công lập nhưng bị vướng.

Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT TP đề xuất các sở, ngành nghiên cứu phương án tạo điều kiện cho các chủ đầu tư thuê đất sử dụng lâu dài, cam kết mục tiêu sử dụng đất cho giáo dục mở trường để chia sẻ áp lực sĩ số với trường công.

Đại diện Sở GD-ĐT TP cho biết, Quyết định 02/2003/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới trường học ngành giáo dục và đào tạo TP đến năm 2020 do UBND TP ban hành quy định rõ, đến năm 2020, tổng diện tích đất dành cho giáo dục là 1.932ha. Tuy nhiên đến nay mới chỉ quy hoạch được hơn 1.000ha. Có nơi có đất sạch nhưng thiếu vốn, có nơi vướng kho bãi hiện hữu không thực hiện được quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu Sở GD-ĐT TP chủ động phối hợp với UBND quận, huyện rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, làm cơ sở xây dựng quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030. Ông cũng nhấn mạnh, việc xây dựng quy hoạch mạng lưới trường lớp cần sát với thực tế, mang tính khả thi, không chỉ chạy theo con số. Khi đặt chỉ tiêu tổng diện tích đất quy hoạch phải theo phân bổ cụ thể ở từng địa phương chứ không tính chung trên địa bàn rộng là toàn TP vì mỗi khu vực có đặc thù khác nhau.

Quỹ đất dành cho giáo dục không phải là chuyện riêng của TP.HCM mà là của các đô thị trên khắp Việt Nam, những nơi thu hút nhiều người đến sinh sống làm việc kèm theo giá đất cao nhưng hệ thống trường học chưa phát triển tương xứng. Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đề nghị các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã chủ động tham mưu chính quyền địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường, lớp; đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng trường học ở những nơi tập trung đông dân cư, nơi có khu công nghiệp...

Bài liên quan
Nắng nóng như thiêu đốt tại Đông Nam Á: Nhiều nơi đóng cửa trường học
Nắng nóng cực đoan đang thiêu đốt nhiều vùng ở Nam Á và Đông Nam Á trong tuần này, khiến cuộc sống của người dân ở đây đang trở nên khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống trường ngoài công lập của TP.HCM gặp khó vì bài toán quy hoạch đất