GLONASS và Bắc Đẩu, hai hệ thống vệ tinh định vị của Nga và Trung Quốc, sẽ sớm được hợp nhất và bao trùm toàn bộ lục địa Á - Âu, trang tin RT ngày 1.4 đưa tin.
Hai nước sẽ bàn luận chuyện hợp nhất tại Hội nghị Công nghệ tiên tiến trong sản xuất và kỹthuật vật liệu quốc tế (ATMME) được tổ chức tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang của Trung Quốc) vào tháng 5 tới.
Sáng kiến hợp nhất là kết quả của một đề xuất mà giới chức Bắc Kinh gửi đến Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos), dự kiến tạo ra một hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu bao phủ tất cả 8 quốc gia là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Hệ thống mới sẽ cho phép các đối tác chia sẻ dữ liệu về vị trí của các nhóm vệ tịnh định vị, cải thiện hiệu suất hoạt động trong thời gian thực và trao đổi việc sửa lỗi nếu cần thiết. Đồng thời, GLONASS sẽ mở rộng được cơ sở người dùng của mình.
“Nếu được thực hiện, dự án sẽ cho phép cải thiện độ chính xác cho cả hai hệ thống”, người phát ngôn của Roscosmos đánh giá.
Theo nhà khoa học Nga Andrey Ionin, dự kiến khi được tiến hành sẽ chia thế giới làm hai, với một bên là GLONASS - Bắc Đẩu và bên kia là GPS - Galileo, hệ thống do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vận hành.
GPS là hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu hoạt động lâu đời nhất thế giới. Bắt đầu hoạt động từ năm 1978, GPS cung cấp thông tin vị trí và định hướng cho các tàu ngầm mang tên lửa cũng như tàu hoạt động trên mặt nước. Nó cũng được quân đội Mỹ dùng cho công tác khảo sát thủy văn và trắc địa. Từ năm 1994, GPS được dùng cho mục đích quân sự.
Hệ thống GLONASS của Nga hoạt động từ năm 1993, hiện có 27 vệ tinh đang trên quỹ đạo và đều hoạt động. Đây là sự lựa chọn thứ 2 sau GPS.
Galileo là hệ thống của châu Âu, có 22 vệ tinh (dự kiến là 30). Hệ thống này bắt đầu hoạt động từ năm 2016 và theo kế hoạch sẽ có năng lực hoạt động đầy đủ vào năm 2020.
Cuối cùng, hệ thống Bắc Đẩu của Trung Quốc hoạt động từ năm 2.000, có phạm vi bao phủ hạn chế (chủ yếu phục vụ cho người dùng trên lãnh thổ Trung Quốc và khu vực lân cận). Bắc Đẩu hiện có 22/35 vệ tinh.
Ngoài 4 hệ thống này, Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang phát triển hệ thống định vị của riêng mình. Hệ thống QZSS của Tokyo hiện đang đượcxây dựng, hiện đã có 4 vệ tinh trên quỹ đạo (dự kiến 7).
Trong khi đó, IRNSS của New Delhi bao phủ nước này và các vùng lân cận, hiện đã có 7 vệ tinh trên quỹ đạo, nhưng vệ tinh đầu tiên đã ngừng hoạt động vào năm 2017.
Cẩm Bình (theo RT)