Đến ngày 25.4, đã hơn 1 tháng, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Campuchia và Lào đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập vào trong nước đang rất đáng lo ngại.

Hết sức cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ các nước láng giềng

TTXVN | 25/04/2021, 06:56

Đến ngày 25.4, đã hơn 1 tháng, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại Campuchia và Lào đang diễn biến rất phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập vào trong nước đang rất đáng lo ngại.

Chú thích ảnh
Kiểm soát dịch COVID-19 tại khu vực biên giới. Ảnh: TTXVN

Mối lo từ người nhập cảnh trái phép

Gần đây, Việt Nam cũng đã ghi nhận một số bệnh nhân mắc COVID-19 nhập cảnh trái phép. Đây là nguy cơ rất lớn dễ làm dịch lây lan ra cộng đồng.

Đơn cử như, ngày 23.4, tỉnh An Giang đã ghi nhận thêm 1 trường hợp nhập cảnh trái phép vào địa bàn dương tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình (Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang) đã phát hiện 3 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam và đưa đi cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện An Phú. Cả 3 trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2; trong đó, có 1 trường hợp có kết quả dương tính.

Hay trước đó, tại Kiên Giang, các lực lượng tuần tra cũng phát hiện 1 sà lan và 1 tàu kéo chạy từ Campuchia về Việt Nam. Trên tàu có 4 người gồm 3 nam và 1 phụ nữ. Qua điều tra, 4 đối tượng khai nhận, do Campuchia bùng phát dịch bệnh COVID-19 nên trở về Việt Nam để tránh dịch.

Bộ Y tế nhận định, hiện nay, khu vực biên giới Tây Nam và các tỉnh miền Tây Nam bộ là khu vực nóng nhất trong phòng chống dịch COVID-19 khi nguy cơ người nhập cảnh trái phép tại các khu vực này rất cao.

Cảnh báo về nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 đang rất nóng tại Lào và Campuchia, là các nước có chung biên giới với Việt Nam. Dù Việt Nam luôn cố gắng kiểm soát, có biện pháp ngăn chặn việc nhập cảnh trái phép từ biên giới nhưng vẫn có những đối tượng đi vào bằng đường mòn, lối mở; đây là điều rất đáng lo ngại.

Để tăng cường kiểm soát khu vực biên giới, vừa qua Bộ Y tế liên tục tổ chức cử các Đoàn công tác tới những tỉnh có đường biên giới như: Đồng Tháp, Kiên Giang; các tỉnh có nguy cơ cao như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...để kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, tại các cửa khẩu, những trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia trở về được kiểm soát chặt. Tuy nhiên, lực lượng chức năng ở các chốt chặn đường sông, chốt chặn đường dân sinh đã phát hiện rất nhiều người nhập cảnh trái phép và tổ chức nhập cảnh trái phép. Tất cả các trường hợp đều lợi dụng đêm tối đi đường sông hoặc đường mòn.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước tình hình như hiện nay, chỉ cần buông lỏng, lơ là, để xảy ra trường hợp nhập cảnh làm lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, nhất là những trường hợp mắc biến chủng virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh, Nam Phi thì việc kiểm soát dịch tại cộng đồng là vô cùng khó khăn.

Người dân, các địa phương cần cảnh giác cao độ

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, trong bối cảnh dịch rất dễ tràn vào trong nước như hiện nay, điều quan trọng nhất mỗi người dân cần làm lúc này là phải nâng cao ý thức cảnh giác; khi phát hiện có người lạ về địa phương cần khai báo ngay với các cơ quan chức năng.

Các địa phương cũng cần có hình thức xử phạt nghiêm với các trường hợp nhập cảnh trái phép, tổ chức vi phạm và những đối tượng tiếp tay cho người nhập cảnh trái phép; cần phải xử phạt với những nơi để xảy ra tình trạng người nhập cảnh trái phép vào địa bàn mà không khai báo y tế.

“Các địa phương có đường biên giới cũng cần sẵn sàng chuẩn bị sẵn những cơ sở cách ly ngay tại khu vực biên giới; tăng cường lực lượng y tế để triển khai xét nghiệm, phát hiện kịp thời những đối tượng mắc COVID-19 để có biện pháp xử lý” PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho biết.

Đặc biệt trong công tác cách ly, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền để thực hiện nghiêm các quy định về cách ly, phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Tại các khu cách ly tập trung cần có địa điểm lấy mẫu cố định, đảm bảo đầy đủ các yêu cầu về phòng chống dịch, thực hiện chia nhóm lấy mẫu để tránh tình trạng tập trung đông người làm gia tăng nguy cơ nhiễm chéo.

Bên cạnh đó, các tỉnh có thể thiết lập hệ thống camera giám sát tại để phục vụ công tác điều tra, truy vết khi cần thiết. Đặc biệt, các cơ sở cần thực hiện tốt công tác phân luồng, sàng lọc, phân chia các nhóm đối tượng cách ly để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cảnh báo, các địa phương không được chủ quan, lơ là trong bối cảnh dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào, cần biết áp dụng các kinh nghiệm chống dịch đã có được, có sự chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng với các tình huống để không bị lúng túng nếu dịch bất ngờ xảy ra.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, trong lúc này, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch để tránh nguy cơ dịch COVID-19 có thể bùng phát bất cứ lúc nào. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Với mục tiêu không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết sức cảnh giác trước nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập từ các nước láng giềng