Dù trong ga đã treo các biển báo hết vé đi khu vực miền Trung, Bắc từ khá sớm nhưng ngay bên ngoài sân ga hàng chục ‘cò’ vé vẫn chèo kéo khách mua vé từ Sài Gòn về mọi tỉnh thành khác với giá cao hơn 400.000 đồng/vé.
Sáng 18.1, khi đến gần khu vực nhà ga Sài Gòn (đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM) ngay lập tức có hàng loạt người chào mời mua vé đi các tỉnh về miền Trung, Bắc dịp sát tết.
Tiếp cận với một ‘cò vé’ tên B với tư cách là người mua vé, tôi nhanh chóng được ‘hướng dẫn tận tình’. Để có thể lấy được thông tin, tôi cho biết mình đi mua vé tàu giúp nhiều người trong công ty, nơi làm việc. Khi hỏi còn vé về Quảng Ngãi vào 27 Âm lịch không, B cho biết đã hết sạch, chỉ còn ngày 28 mà thôi. Người đàn bà này đưa luôn vé mình đang có ra để chào mời. B nói thẳng, vé sẽ được bán với giá gốc cộng thêm ‘tiền cà phê’ là 250.000 đồng/vé. Tiếp tục hỏi giá vé đi Vinh, B cho biết giá gốc là 1.095.000 đồng/vé và ngày 28 âm lịch, phí cộng thêm lên đến 400.000 đồng/vé.
Tuy nhiên, vé tàu buộc phải đúng tên tuổi người đăng ký mua mới có giá trị theo quy định của nhà ga. Chính vì thế, tôi hỏi B về việc mua vé không đúng tên thì có lên được tàu không, hay lại ‘tiền mất, tật mang’ và không thể về quên được. B bình tĩnh đáp: ‘Chị làm nghề này ở đây 6,7 năm rồi, uy tín là chính em à. Có những người giữ lại số điện thoại năm sau gọi nhờ chị mua vé tiếp là bình thường. Em cứ mua vé hay đặt cọc đi, tới hôm lên tàu thì tới sớm trước 2 tiếng rồi gọi chị. Lúc đó anh dắt lên tàu, ổn định chỗ ngồi rồi em hãy trả hết phần còn lại cho chị.’
Để chứng minh mình là người ‘làm ăn’ được tin tưởng B đã lấy một cuốn sổ tay ra, trong đó có ghi chép tên, tuổi, số điện thoại và ngày giờ lên tàu của khách hàng. Khi được hỏi về chi phí tăng thêm từ 250.000 đồng đến cao nhất là 400.000 đồng cao quá và xin bớt giá, B liền từ chối. Người đàn bà này cho rằng số tiền cộng thêm đó không phải mình ‘hưởng trọn’ mà còn có chi phí khác. Lấy cớ phải gọi về cho những người nhờ mua vé, tôi tiếp tục đi thẳng vào bên trong nhà ga. Đằng sau, B bắt đầu chửi bới vì không bán được vé mà mất công ngồi chào mời.
Cò vé chào bán vé rất nhộn nhịp trước sân ga vào những ngày gần tết. |
Nhiều người được cò tiếp cận ngay khi đến gần ga Sài Gòn. |
Việc đi lại, mua vé tàu ngày Tết luôn khiến người dân phải mất nhiều thời gian, tiền bạc. Thế nhưng, nếu buộc phải mua vé qua ‘cò’, việc mua vé cao giá hơn đã đành, việc mất trắng tiền cọc cũng không có gì là lạ trong bao năm qua.
Nói chuyện với chú Minh chạy xe ôm khu vực gần nhà ga thì được biết: ‘Mấy người bán vé này cũng có người đàng hoàng, họ lấy giá cao hơn trong ga, nhưng vẫn đưa khách lên đúng chỗ, đúng giờ. Tuy nhiên, tôi từng thấy nhiều trường hợp nhiều người tay xách, nách mang đồ ra đây thì gọi cho ‘cò’ vé không được, khóc chán chê thì đành quay về đi mua vé xe khách’.
Lời khuyên của cả nhân viên bán vé tàu, những người ở gần khu vực ga hay những người có nhiều năm đi lại bằng tàu hỏa đều cho rằng không nên mua vé qua ‘cò’. Chẳng biết ai thật, ai giả, việc mất tiền cọc đã đành, thậm chí người mua vé còn khốn đốn hơn vì không biết làm cách nào để về quê khi Tết đã đến gần.
Hồ Đông