Hình ảnh cộng đồng LGBT trong truyền thông, người đồng tính đang nhìn thấy mình như thế nào trong phim ảnh và các sản phẩm nghe nhìn… là những chủ đề thú vị được mang ra thảo luận.
Buổi talkshow LGBT Portrayals In Mediadiễn ra ngày 29/08 vừa qua đã mang đến cho những bạn trẻ một góc nhìn về hình ảnh người LGBT trong phim ảnh, truyền thông Việt Nam.
Chương trình có sự tham gia của 4 diễn giả: chị Lê Thu Minh (Hãng luật Baker & McKenzie), anh Vũ Mạnh Cường (Giám tuyển phim và nhà báo tự do), anh Trần Anh Đạt (Nghiên cứu văn hóa truyền thông, nhóm chiến lược từ đại lý quảng cáo Leo Burnett) và anh Hoàng Thanh Hải (Đại diện PEPFAR tại Việt Nam thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội).
Tại chương trình, các bạn trẻ đã được theo dõi một nghiên cứu ở Việt Nam chia sẻ về hình ảnh LGBT trong truyền thông, cụ thể là trên báo chí năm 2008. Nghiên cứu này tập hợp hơn 500 bài báo từ năm 2004 – 2008 và phân tích để làm rõ vấn đề: Hình ảnh LGBT như thế nào.
Theo đó, vào thời điểm 10 năm trước, báo chí phác họa về LGBT theo rất nhiều nội dung: Bản năng tình dục, tình yêu không bên vững, đánh giá về nhân cách đạo đức của người LGBT. Ngôn ngữ được dùng trong báo chí thời đó thì chỉ có 1/3 là tích cực, 2/3 là tiêu cực (với những từ ngữ như hiếu kỳ, giật gân, thấp hèn, nỗi sợ, bệnh tật…)
Tự liệu chỉ ra rằng, kể cả trên thế giới cũng không hẳn là có sự văn minh và tiến bộ với chủ đề này. Có những thời điểm, ở nhiều bộ phim, sự lý giải cho các vấn đề giết người, tâm thần…đều quy ra là do người đồng tính.
Thậm chí ở Malaysia, Cục điện ảnh của nước này còn đưa ra quy định phim không được xuất hiện câu chuyện, nhân vật hoặc hình ảnh chính là người đồng tính, người chuyển giới. Nếu có thì ở cuối phim, người đó phải nhận một kết cục đau lòng, hoặc là người đó phải nhận ra lối sống sai lầm và không là người thuộc LGBT nữa thì phim đó mới được duyệt và ra rạp.
Ở thời điểm hiện tại, hình ảnh LGBT đã xuất hiện nhiều hơn, đa dạng và tích cực hơn. Hình ảnh LGBT trong phim ảnh, các phương tiện nghe nhìn đã có những tác động rất lớn đến quan điểm xã hội và sự chú ý của truyền thông. Thế nhưng, vẫn tồn tại nhiều vấn đề quanh câu chuyện về LGBT và phim ảnh.
Là một người hoạt động, nắm rõ thị trường phim ảnh Việt Nam từ lâu, anh Vũ Mạnh Cường đã thẳng thắn chia sẻ: "Theo quan sát của riêng cá nhân tôi, những bộ phim Việt Nam có nhân vật, câu chuyện liên quan đến LGBT đang gặp phải 2 vấn đề chính.
Thứ nhất, những nhà làm phim chưa có sự hiểu biết thấu đáo về LGBT, bởi chính bản thân họ không phải là người trong cộng đồng hoặc bởi họ có quá ít trải nghiệm. Cái trải nghiệm của họ theo một cái thiên kiến, lối mòn nào nó. Thế nên khi họ thể hiện câu chuyện, nhân vật liên quan đến LGBT trên màn ảnh thì gặp một vấn đề là nó không giống với LGBT mà chúng ta biết. Nó bị thiếu đi cái gọi là sự thật.
Thứ hai, có thể chính những người làm phim thuộc cộng đồng LGBT thế nhưng đối với họ, những cái thuộc về LGBT mà chúng ta được biết thì họ lại thấy…tầm thường quá. Cho nên họ lại phải cho thêm vào nhiều "gia vị" khác, làm cho nó quá lên".
Trong khi đó, chị Lê Thu Minh lại chia sẻ quan điểm về câu chuyện "những người trong cộng đồng LGBT đang nhìn thấy mình như thế nào trong phim ảnh và các sản phẩm nghe nhìn hiện nay?"
"Tôi sẽ tập trung vào câu chuyện của đồng tính nữ. Trong phim ảnh, những bộ phim về đồng tính nữ hoặc có xuất hiện đồng tính nữ rất là ít ỏi. Phim điện ảnh thì nội dung tương đối là tích cực thế nhưng phim truyền hình thì khắc họa đồng tính nữ một cách rất tiêu cực, thậm chí bệnh hoạn. Tôi nhận thấy, các phim truyền hình đều phản ánh không đa chiều.
90% những phim tôi từng xem đều phản ánh tiêu cực, đem đến những định kiến cụ thể. Qua đó, tôi thấy người đồng tính trong phim rất lụy. Mọi nỗi khổ của họ đều bắt nguồn từ việc họ là người đồng tính. Trong khi đối với tôi hoặc nhiều người khác, đồng tính chỉ là một đặc tính còn chuyện trong cuộc sống có vui, khổ, hạnh phúc thì có nhiều yếu tố quyết định, đồng tính chỉ là một trong số đó thôi. Nhưng mà lên phim ảnh thì cái khổ duy nhất của họ chỉ vì họ là người đồng tính".
Buổi talkshow cũng nhận được những chia sẻ, tranh luận của anh Trần Anh Đạt và anh Hoàng Thanh Hải. Tại sao chúng ta yêu nhân vật giả nữ này mà ghét nhân vật giả nữ khác? Lesbian và bisexual ở đâu trong truyền thông? Quảng cáo có trách nhiệm thể hiện hình ảnh LGBT hay không?... cùng với đó là rất nhiều chủ đề, nội dung thú vị khác đã được mang ra "mổ xẻ".
Trong khuôn khổ của buổi talkshow, các bạn trẻ cũng đã thẳng thắn thể hiện quan điểm của mình trước những vấn đề đang xảy ra với cộng đồng LGBT, những câu chuyện về LGBT trên phim ảnh và truyền thông, những thắc mắc quanh chuyện tích cực và hạn chế của phim đồng tính phát hành trên mạng xã hội...
Theo Công Tuấn (Đời sống & Pháp Lý)