Những bức ảnh mới chụp từ không gian cho thấy hồ chứa Cerro Prieto ở Mexico gần như cạn kiệt hoàn toàn chỉ trong vòng 7 năm.
Nằm ở bang Nuevo León, miền bắc Mexico, hồ chứa Cerro Prieto hiện chỉ đạt 0,5% dung tích đầy đủ của nó. Hình ảnh được chụp bởi Operational Land Imager (OLI) trên vệ tinh Landsat 8 cho thấy sự khác biệt hoàn toàn của lượng nước trong hồ vào 2 thời điểm tháng 7.2015 và tháng 7.2022.
Hồ chứa Cerro Prieto được xây dựng vào những năm 1980, cung cấp nước để sử dụng trong nông nghiệp và sinh hoạt cho hơn 1 triệu người ở Monterrey, thủ phủ bang Nuevo León và là khu vực đô thị lớn thứ hai của Mexico. Tuy nhiên, vào đầu tháng 7, mực nước của hồ đã giảm đến mức không thể lấy được.
Phần lớn miền Bắc Mexico bị ảnh hưởng bởi hạn hán trong hơn 2 năm qua, làm trầm trọng thêm tình trạng bốc hơi của hồ chứa. Cơ quan Giám sát hạn hán Mexico cho thấy gần một nửa quốc gia được xếp trong tình trạng hạn hán “vừa phải”, trong khi một vài nơi khá “nghiêm trọng” và “cực đoan”. Phần lớn các bang giáp biên giới với Mỹ cũng đang trải qua hạn hán ở mức độ tương tự.
Vào đầu tháng 7, Ủy ban Nước Quốc gia Mexico đã ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán. Các biện pháp khẩn cấp bao gồm việc các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp đồng ý định tuyến lại nhiều nước hơn cho mục đích sinh hoạt.
Hạn hán hiện tại được cho là ảnh hưởng bởi La Niña, một sự kiện thời tiết liên quan đến sự lạnh đi theo chu kỳ của các khu vực ở xích đạo Thái Bình Dương, tác động đến thời tiết trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của La Niña ngày càng trở nên tồi tệ hơn do biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đang làm cho thời tiết cực đoan ngày càng phổ biến và có tác động mạnh hơn. Hạn hán ở các khu vực như bờ Tây nước Mỹ và Bắc Mexico được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ với các đợt nắng nóng khắc nghiệt hơn và lượng mưa giảm.
Matthew Casale, giám đốc chiến dịch môi trường tại Nhóm nghiên cứu lợi ích công phi lợi nhuận, nói: “Biến đổi khí hậu làm cho những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn. Nếu chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch và phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển, điều này sẽ chỉ ngày càng tồi tệ”.
Aldo Iván Ramírez, giáo sư của Đại học Công nghệ Monterrey, nói ông hy vọng rằng những cuộc khủng hoảng như thế này sẽ khiến mọi người thức tỉnh về thực trạng khí hậu đang thay đổi cuộc sống của chúng ta.