Bộ tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” của nhà báo – nhà văn Lại Văn Long vừa xác lập kỷ lục tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam. Để có được tác phẩm đồ sộ này, tác giả phải mất đến 30 năm thực hiện.

'Hồ sơ lửa’ của Lại Văn Long - Chuyện bây giờ mới kể

Tiểu Vũ (thực hiện) | 22/11/2022, 18:21

Bộ tiểu thuyết “Hồ sơ lửa” của nhà báo – nhà văn Lại Văn Long vừa xác lập kỷ lục tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam. Để có được tác phẩm đồ sộ này, tác giả phải mất đến 30 năm thực hiện.

Sáng 22.11, tại TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM, công ty sách Sbooks và NXB Công an Nhân dân đã tổ chức giới thiệu bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa của nhà báo – nhà văn Lại Văn Long. Đây là cũng là bộ sách được tổ chức Kỷ lục Việt Nam ghi nhận là tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam được thực hiện trong 30 năm, từ 1992 - 2022.

htm02067.jpg
Nhà văn - nhà báo Lại Văn Long và tấm bằng xác lập kỷ lục Việt Nam  - Ảnh: T.V

Hồ sơ lửa gồm 6 tập, tổng cộng 2.400 trang. Bộ tiểu thuyết hình tổng hợp những vụ án chấn động nhất Việt Nam, từ năm 1975 cho đến những ngày hội nhập quốc tế.

Nhà văn Lại Văn Long được công chúng biết đến với truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện đoạt giải nhất cuộc thi trên báo Văn Nghệ năm 1991, khi đang làm chuyên viên Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng. Từ năm 1992 đến nay, anh công tác tại báo Công An TP.HCM. Môi trường này cũng giúp anh xâm nhập thực tế, theo sát các vụ án gặp gỡ nhân vật thu thập các tài liệu, tư liệu sống động để làm nên bộ tiểu thuyết lập kỷ lục tiểu thuyết hình sự nhiều tập nhất Việt Nam.

VIDEO: Trao bằng kỷ lục cho bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa:

Nhân dịp này, nhà báo – nhà văn Lại Văn Long đã dành cho phóng viên Một Thế Giới những chia sẻ về quá trình thực hiện bộ tiểu Hồ sơ lửa của anh.

Cơ duyên nào anh đến nghiệp cầm bút?

- Trước năm 1975, tôi còn nhỏ, ở Đà Lạt, rất mê đọc sách, nhất là những truyện phiêu lưu mạo hiểm thuộc bộ Hoa đỏ trong tủ sách Tuổi hoa thời đó. Tôi vẫn nhớ từng tựa sách mình thường lục lọi ở các nhà sách có cho thuê truyện, như: Mật lệnh U Đỏ, Pho tượng Rồng Vàng, Đôi vòng huyết dụ, Bóng người dưới trăng... hoặc các bộ truyện tranh nổi tiếng thế giới như Tin Tin, Phan Tân - Sĩ Phú (Fantasio - Spiroi), Lucky Lucke... Tôi thường nhịn ăn quà vặt để dành tiền đi thuê những cuốn sách đó để đọc. Đọc nhiều rồi thì mơ mộng đến những siêu anh hùng trừ gian diệt ác như Batman-Rober, Tí hon thần lực, Người nhện, Người điện quang... Khi đến tuổi 13, 14 tôi tình cờ được đọc Thuở mơ làm văn sĩ của nhà văn Nhật Tiến, từ đó mơ ước lớn lên sẽ “viết văn như người ta”...

htm02191.jpg
Niềm vui của nhà văn Lại Văn Long trong ngày ra mắt bộ tiểu thuyết "Hồ sơ lửa" 

Tác phẩm văn học đầu tiên của anh xuất hiện ở đâu?

- Tháng 4.1988, đang năm cuối đại học, tôi nổi hứng viết truyện ngắn Màu mận chín đăng báo tường của ký túc xá Ngô Gia Tự (nơi ở của sinh viên các đại học: Tổng hợp, Y dược, Tài chính - TP.HCM), truyện may mắn được anh Phúc Tiến đem về đăng trên Tuổi Trẻ Chủ Nhật và nhuận bút 10 nghìn đồng, đủ để đóng tiền cơm ký túc xá... 3 tháng.

Quá vui mừng vì vừa được viết văn, vừa có tiền ăn cơm khỏi phải đi làm mướn hoặc bán bong bóng bay như lâu nay, tôi đặt mục tiêu sẽ sống với nghề văn. Tôi dự định tốt nghiệp xong chỉ đi làm 7, 8 năm giúp bố mẹ, nuôi mấy em học đại học, sau đó sẽ bỏ việc, không lấy vợ, dồn thời gian, tâm huyết để viết được một bộ truyện trinh thám, hình sự thật dày, thật hấp dẫn... Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”... 28 năm sau tôi mới có cơ duyên để thực hiện ước mơ từ nhỏ của mình.

Cụ thể anh đã thực hiện ước mơ đó như thế nào?

- Đầu năm 2016, tôi gặp đạo diễn, nhà biên kịch Châu Thổ khi chị làm bộ phim Biệt thự Penseér, phim chuyển thể từ tác phẩm Kẻ sát nhân lương thiện của tôi. Chị có nhờ tôi biên tập lại một kịch bản phim hình sự dài tập. Tôi đọc kỹ, thấy nhiều chỗ phải sửa, nhưng tác giả là bậc tiền bối có tiếng tăm nên tôi không dám đụng bút vào. Còn 3 tháng nữa bộ phim đó phải bấm máy, chị Châu Thổ hỏi “Em có thể viết một kịch bản hay truyện phim 30 tập trong vòng 90 ngày?”... Tôi liều mạng nhận lời vì trong đầu lâu nay tôi ấp ủ một thứ tương tự. Tôi viết rất nhanh vì 25 năm làm việc ở Báo Công an TP.HCM tôi tích lũy rất nhiều kiến thức và cảm xúc với đề tài này.

htm02106.jpg
Nhà văn Lại Văn Long chia sẻ tại buổi ra mắt sách -  Ảnh: T.V

Tôi chọn câu chuyện có thực từ phóng sự điều tra Tội ác sau sân khấu cải lương do tôi thực hiện năm 1998, từng được giải thưởng báo chí của Hội Nhà báo TP.HCM và Bộ Công an để làm “xương sống” cho kịch bản. Tôi viết xong trước thời hạn 2 tuần, đặt tên kịch bản là Mật danh Đ9. Chị Châu Thổ đọc xong rất thích. Tôi hí hửng đem chuyện này khoe với sếp cơ quan là đại tá Trần Trọng Dũng. Sếp Dũng bảo tôi đưa kịch bản đọc thử rồi kết luận: “Hàng tốt, để nhà dùng, không bán ra ngoài”... Sếp vừa nói xong thì cũng đến giờ hẹn ăn trưa với em Trần Quốc Bửu - Chủ tịch Công ty mỹ phẩm The Bol - nhà tài trợ của Báo CATP trong một số chương trình từ thiện. Tại nhà ăn tập thể của Báo CATP trưa ấy, sếp Dũng đề nghị anh Bửu đầu tư làm bộ phim Mật danh Đ9, anh Bửu tuyên bố luôn: “Tôi đã đầu tư thì phải là phim ngàn tập, chứ vài chục tập tôi không làm. Anh Long có đủ sức viết một serie phim hình sự nghìn tập không? Nếu viết được thì cứ mỗi tập chiếu trên tivi, Báo CATP sẽ được hưởng 10 triệu đồng...”.

Vậy anh có nhận lời không?

Viết kịch bản dài tới cả ngàn tập quả là câu chuyện quá sức tưởng tượng chưa bao giờ tôi dám nghĩ đến, bởi bản thân chưa hề được đào tạo về viết kịch bản phim. Nhưng mỗi tập phim sẽ được 10 triệu đồng thêm vào quỹ đời sống của anh chị em Báo CATP, 1.000 tập là cả... 10 tỉ đồng, quá hấp dẫn, vừa vì “chính nghĩa” vừa có tiền để nâng cao thu nhập chính đáng cho cơ quan và nhất là việc xây dựng được hình ảnh nhân hậu, oai phong của lực lượng Công an TP.HCM nói riêng, Công an nhân dân nói chung trong phòng chống tội phạm, trấn áp tội ác, mang lại sự bình an, niềm tin cho nhân dân và môi trường hấp dẫn để kêu gọi đầu tư, du lịch... nên tôi đã nhận lời.

htm01852.jpg
Ông Nguyễn Anh Dũng - Nhà sáng lập, Tổng giám đốc công ty CP sách Sbooks đơn vị phát hành sách chúc mừng tác giả Lại Văn Long - Ảnh: T.V

Đây có phải là tiền đề cho bộ tiểu thuyết Hồ sơ lửa ra đời?

Tôi nghĩ đến dự án phim hình sự ngàn tập này sẽ là cơ hội “ngàn năm có một” để tôi thực hiện ước mơ tuổi thơ của mình là viết một bộ tiểu thuyết trinh thám hình sự dày hàng ngàn trang thật hấp dẫn. Vì giấc mơ này, tôi từng nghĩ sẽ không lấy vợ, sinh con; sẽ bỏ việc sau khi lo xong cho cha mẹ, anh em ổn định cuộc sống. Vì giấc mơ này mà tôi luôn ao ước sớm được nghỉ hưu để dồn thời gian, sức lực cho văn chương. Vì giấc mơ này mà ba chục năm qua tôi lo lắng từng ngày trôi đi, từng năm cộng thêm tuổi mà tôi vẫn chưa thể đặt bút viết. Tôi sợ những biến cố có thể làm mình không thể, không kịp viết bộ sách này. Tôi dự kiến phải mất hơn 10 năm mới có thể khởi sự và hoàn tất công việc tối quan trọng này.

htm02231.jpg
Nhà văn Lại Văn Long ký tặng độc giả - Ảnh: T.V 

Tôi nói như vậy để hiểu được sự thúc ép lớn lao của bộ tiểu thuyết này đối với tôi; hiểu được lý do vì sao tôi đã “liều mạng” hứa trước mặt sếp Trọng Dũng và đối tác của Báo CATP là sẽ viết được 1.000 tập kịch bản phim trong 5 năm (2016 - 2020)...

Chặng đường đầu tiên của “Hồ sơ lửa” được diễn ra như thế nào?

Chiều 17.11.2016, tại hội trường lớn của một khách sạn 5 sao ở quận 1, TP.HCM đã diễn ra lễ công bố ra mắt dự án phim hình sự 1.100 tập, với hy vọng câu chuyện sẽ hấp dẫn, bất tử như truyện Nghìn lẻ một đêm nổi tiếng thế giới; và tôi cũng định sẽ viết bộ kịch bản rất dày này theo phương pháp như nàng Scheherazade, sẽ ngắt tập ở những đoạn phim hấp dẫn nhất để kích thích sự tò mò, háo hức của khán giả. Chiều và tối sau họp báo, hơn 200 tin, bài giới thiệu Hồ sơ lửa tràn ngập các báo điện tử và các trang mạng, một số đài truyền hình cũng đưa tin. Dư luận rất chú ý đến dự án khởi đầu rất đình đám, sôi động này và dĩ nhiên tôi là người rất hạnh phúc. Báo CATP cùng Hãng phim SeNa của chị Châu Thổ thực hiện dự án này. Nhà đầu tư là Công ty 24H Good do ông Huỳnh Lâm Xuân Đạt làm giám đốc.

Nhưng rồi dự án Hồ sơ lửa dừng lại ở 138 tập sau 3 phần đã trình chiếu trên hàng chục kênh truyền hình là: Mật danh Đ9, Người 3 mặt, Tử thi lên tiếng... vì nhiều lý do khách quan, chủ quan; nhưng đã “càn quét hàng loạt giải thưởng”. Điều đó đủ nói lên chất lượng của 3 phần đã công chiếu và việc dự án trở nên dang dở cũng để lại tiếc nuối từ khán giả của nhiều kênh truyền hình.

Video chia sẻ của nhà văn Lại Văn Long về phóng sự: "Tội ác phía sau sân khấu cải lương": 

Anh có buồn khi dự án Hồ sơ lửa bị dừng lại không?

Mặc dù rất buồn vì dự án dang dở, nhưng tôi vẫn cố gắng viết hết những gì đã gom góp, chuẩn bị suốt hàng chục năm để thành các tiểu thuyết: Gia tộc tướng cướp, Phát súng chính nghĩa, Oán thù trớ trêu, Lật án tử hình, Vỏ bọc thần thánh, Hồng nhan sương khói. Hơn 4 năm ròng rã từ cuối 2016 đến giữa 2020, tôi đã làm việc không mệt mỏi để hoàn thành bộ tiểu thuyết 7 cuốn, hơn 3.000 trang sách in này. Giai đoạn 2 năm đầu vừa làm báo, vừa viết, vừa tham gia cùng các đàn anh, đàn chị như NSND Đào Bá Sơn, cố NSUT Lê Cung Bắc, biên kịch - đại diễn Châu Thổ biên tập 138 tập phim đã dựng xong, chuẩn bị phát sóng. Ban ngày học lóm kiến thức, kinh nghiệm của các nghệ sĩ tài năng nổi tiếng này, tối đến tôi áp dụng luôn vào sáng tác các truyện phim. Nhờ đó tôi tự tin hơn, viết rất cảm xúc, có đêm dù mệt mỏi vì đã làm việc suốt từ sáng đến tối tôi vẫn viết được 25, 30 trang bản thảo viết tay. Tôi chỉ viết tay bằng bút kim trên giấy, không đánh vi tính được.

Hồ sơ lửa được lần đầu được đăng tải ở đâu?

Tôi đã gửi phần đầu Mật danh Đ9 đi thi và được giải “Cây bút vàng” của Bộ Công an cho tiểu thuyết hình sự này năm 2018 (giải C). Sau đó tôi nhập 2 phần Gia tộc tướng cướpPhát súng chính nghĩa thành cuốn tiểu thuyết dày cả nghìn trang đánh máy A4 để dự thi giải tiểu thuyết Vì an ninh Tổ quốc, vì bình yên cuộc sống (2017 - 2020) của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Bộ Công an tổ chức, và may mắn được giải C. Phần 1 Mật danh Đ9 sau khi lên phim 38 tập cũng đã đạt giải phim truyền hình được yêu thích nhất, Hoa hậu Phan Thị Mơ vai nữ chính cũng được giải “Diễn viên được yêu thích nhất” giải Ngôi sao xanh 2017.

Hiện nay các phần còn lại của Hồ sơ lửa như Gia tộc tướng cướp, Phát súng chính nghĩa, Vỏ bọc thần thánh, Lật án tử hình, Oán thù trớ trêu... đều đã được các cá nhân, tổ chức mua bản quyền để sản xuất phim truyền hình nhiều tập. Còn Hồng nhan sương khói tôi mới viết sau này, chưa chào hàng với ai nên đang chờ người tâm đầu ý hợp...

Viết xong Hồ sơ lửa là hoàn thành ước mơ từ thuở bé trước thời hạn, vì tôi dự định nghỉ hưu xong mới dành 10 năm để viết bộ tiểu thuyết hình sự này. Dĩ nhiên tôi rất hạnh phúc. Càng vui mừng hơn khi một trong số đó đã được các giải thưởng văn học, phim truyền hình danh giá bậc nhất của nước ta hiện nay.

Cảm ơn những chia sẻ của anh!

Tiểu thuyết hình sự “Hồ sơ lửa” bao gồm 7 phần: “Mật danh Đ9”, “Oán thù trớ trêu”, “Gia tộc tướng cướp”, “Phát súng chính nghĩa” “Lật án tử hình”, “Vỏ bọc thần thánh” và “Hồng nhan sương khói”. Cùng với những nhân vật trong đội ngũ cảnh sát hình sự như đại tá Minh, thượng tá Lợi, trung tá Lâm, thiếu tá Thanh, đại úy Định, đại úy Hoa, thượng úy Thu... là những nhân vật thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội như ông trùm Chín Tàu Bay, nữ tướng cướp Hai Nếp, tướng cướp Đinh Toàn, tướng cướp Chín Nắng, tử tù Sơn Cụt, nhà báo Thái Trung, nghệ sĩ Đan Thi, vũ nữ Saly, luật sư Kim Kiều, quan chức gian trá Điểu Phi...

Bài liên quan
Hai con trai của Quốc Cơ - Quốc Nghiệp phá kỷ lục Việt Nam
Hai bé Hùng Tâm và Vĩ Lâm đã phá vỡ kỷ lục cũ, xác lập thành tích mới là cặp anh em nhỏ tuổi nhất đứng giữ thăng bằng trên tay cha với thời gian 3 phút 11 giây.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thúc đẩy hợp tác Nghị viện giữa Việt Nam và Nhật Bản đi vào thực chất
4 giờ trước Theo dòng thời sự
"Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm hiện thực hóa đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên kênh nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam với Thượng viện và Hạ viện Nhật Bản đi vào thực chất và bền vững".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Hồ sơ lửa’ của Lại Văn Long - Chuyện bây giờ mới kể