Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nêu thực tế thời gian qua có nhiều người lợi dụng lòng tin của dân chúng để hành nghề mê tín dị đoan, bán thuốc, xem bói… làm ảnh hưởng đời sống người tiêu dùng

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Nhiều người lợi dụng lòng tin của dân chúng để bán thuốc, mê tín dị đoan

Lam Thanh | 02/11/2022, 16:01

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nêu thực tế thời gian qua có nhiều người lợi dụng lòng tin của dân chúng để hành nghề mê tín dị đoan, bán thuốc, xem bói… làm ảnh hưởng đời sống người tiêu dùng

Ngày 2.11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lý giải việc việc dự thảo luật lần này bỏ đối tượng “tổ chức” ra khỏi khái niệm người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết luật xác định người tiêu dùng, đối tượng vị trí yếu thế trong mối quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Trong khi đó, đối tượng "tổ chức" bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức không kinh doanh hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận về cơ bản đã có đầy đủ chức năng, năng lực để tự khắc phục vị trí, yếu thế của mình, như có cơ cấu tổ chức, nguồn lực, tư vấn về pháp lý để giải quyết những vấn đề xảy ra tranh chấp.

Mặt khác, hệ thống pháp luật dân sự, thương mại hiện hành đã có đầy đủ các quy định để bảo vệ đối tượng tổ chức trong quá trình thực hiện giao dịch với các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Kinh nghiệm các nước đều quy định khái niệm người tiêu dùng, cá nhân mua, sử dụng các loại hàng hóa, dịch vụ.

Ông Diên cũng cho hay dự thảo luật lần này cũng đặt ra vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố đặc thù trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế.

Theo đó đã bổ sung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa với người tiêu dùng; phân loại và quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; bổ sung quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số…

Khẳng định pháp luật ngày càng bảo vệ cuộc sống con người vì có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nêu thực tế thời gian qua có nhiều người lợi dụng lòng tin của dân chúng để hành nghề mê tín dị đoan, bán thuốc, xem bói… làm ảnh hưởng đời sống người tiêu dùng. Do vậy cần bổ sung chế tài, quy định nhằm ngăn chặn hiện tượng này.

nghiem.jpg
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm phát biểu góp ý dự thảo luật

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (Ninh Thuận) cho rằng các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp, bán hàng qua mạng (online) hiện nay đang phát triển với quy mô lớn; chủ yếu là các mặt hàng có trị giá cao, cụ thể như hàng thời trang, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm, hàng gia dụng, cây cảnh...

Tuy nhiên, các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Phần lớn những người kinh doanh dưới hình thức này không đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh, không khai báo doanh thu, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế...

Ngoài hệ lụy phát sinh các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo mà nạn nhân thường thuộc về nhóm người tiêu dùng yếu thế, dễ bị tổn thương như đã nêu, các hình thức bán hàng trên đã tạo sự bất bình đẳng đối với các hình thức bán hàng truyền thống. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ đó là nơi tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng gian, hàng giả trên thị trường và gây thất thu cho ngân sách nhà nước tương đối lớn.

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung những quy định mang tính định hướng về biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi gian dối, lường gạt, lừa đảo trong giao dịch đặc thù đã nêu.

Đóng góp thêm về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua hàng hóa khi đưa ra thị trường, đưa lên mạng xã hội, đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng đối với một số loại hàng hóa tiêu dùng đơn giản, người tiêu dùng có thể dùng mắt thường nhận thấy chất lượng không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, có rất nhiều loại hàng hóa như thuốc tây, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc hàng tiêu dùng bị ngâm tẩm hóa chất... để đánh giá về chất lượng cần có chuyên môn, máy móc mới phát hiện được.

Do đó, đại biểu Hương cho rằng thay vì đẩy nghĩa vụ đánh giá chất lượng và chịu trách nhiệm với lựa chọn hàng hóa cho người tiêu dùng thì pháp luật cần có một cơ chế quản lý tốt hơn sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, lên mạng xã hội...

thao-luan.jpg
Các đại biểu thảo luận tại tổ

Ngoài ra, đại biểu Siu Hương tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo khi quy định người tiêu dùng có trách nhiệm thông tin phản ánh đến cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng (khoản 2 điều 16 dự thảo).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình như đưa tin hay khiếu kiện sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa dẫn tới ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh bình thường và lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh.

Vì vậy, để hạn chế cũng như ràng buộc trách nhiệm của người tiêu dùng, đại biểu Siu Hương đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung điều khoản này theo hướng quy định cụ thể hơn nghĩa vụ của người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, khiếu kiện mình đưa ra; trường hợp có thiệt hại xảy ra từ việc thông tin sai sự thật, khiếu kiện sai thì phải bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh bị thiệt hại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Xuất khẩu gạo Việt Nam có nhiều cơ hội
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), cho biết trong quý 1/2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường gạo thế giới.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm: Nhiều người lợi dụng lòng tin của dân chúng để bán thuốc, mê tín dị đoan