Ở các thành phố lớn, đặc biệt với các thành phố có các trường chuyên thì kỳ thi vào lớp 10 THPT gần như là một kỳ thi căng thẳng nhất đối với cả phụ huynh lẫn học sinh trong "cuộc đua" quan trọng đầu tiên này.
Các lò luyện thi và học sinh "căng mình" cho kỳ thi lớp 10
Theo công bố của Sở GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2016 - 2017 sẽ được tổ chức vào ngày 8.6.2016, tuy nhiên vào thời gian này từ phụ huynh đến các giáo viên, học sinh đều "căng mình" chuẩn bị cho kỳ thi. Mọi phương pháp ôn tập, luyện các đề thi từ năm trước, học thêm, học nâng cao... đều được các phụ huynh đốc thúc con cái mình thực hiện.
Có mặt tại một trung tâm luyện thi trên đường Đê La Thành, Hà Nội - học sinh Nguyễn Kiều Hoa đang học lớp 9 trường THCS Cầu Giấy cho biết: Kỳ thi vào lớp 10 trường chuyên và cả một trường công lập có uy tín theo như mong muốn của bố mẹ là cột mốc quan trọng đối với em. Ngoài các giờ học ở trên lớp, cứ 5 giờ hàng ngày em phải theo học các trung tâm luyện thi, khi về nhà là 7 giờ tối nhưng 8 giờ tối bố mẹ lại thuê một gia sư nữa đến phụ đạo cho em để em hoàn thành tốt được các dạng đề thi, chuẩn bị cho kỳ thi tại trường Chu Văn An tới đây.
Chia sẻ tâm lý của mình với phóng viên, chị Minh Nhật (đang có con theo học tại trường Đống Đa) cho hay: Bản thân bố mẹ cũng muốn con mình vào học các trường danh tiếng, đặc biệt là các trường chuyên, thi lên lớp 10 là cột mốc quan trọng trong quá trình học tập cũng như tương lai của các cháu.
"Được học tại một trường THPT "điểm", có danh tiếng sẽ giúp các cháu có một môi trường học tập tốt hơn. Từ các mối quan hệ bạn bè, cũng như các thầy cô "chất lượng" để các cháu chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh Đại học sau đó 3 năm. Chưa kể những cháu có dự tính đi du học, thì việc học ở một trường danh tiếng nó cũng sẽ có cơ hội cao hơn so với các trường khác."
Theo như quan sát của phóng viên, tại đa số các trung tâm luyện thi được mở ra ở các nơi như: Xuân Thủy, Đê La Thành, Trung Hòa... khá đông học sinh đến theo học bắt đầu từ lúc 5 giờ chiều kéo dài đến 10-11 giờ đêm. Các học sinh vội vàng ăn tạm đồ ăn do bố mẹ đưa đến rồi chạy vội vào lớp ôn luyện, mỗi học sinh khi ngồi trên xe bố mẹ đều cầm một cuốn vở để ôn tập lại. Có những học sinh vừa kết thúc ca học từ 5 giờ đến 7 giờ tối vội vàng di chuyển đến một lớp học khác bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30 và về nhà lúc 11 giờ đêm.
"Có hôm em mệt nên về tới nhà đã gần 12 giờ đêm, vẫn phải chong đèn soạn sách vở để đi học cho ngày hôm sau. Khá căng thẳng, nhưng vì kỳ thi đã tới gần rồi, không cố gắng thì không thể theo kịp bạn bè với lại nếu không đỗ vào trường công lập thì bố mẹ em không đủ điều kiện nuôi cả 2 anh em của em ăn học vì học phí dân lập rất cao" - một em học sinh trường Thanh Xuân Bắc cho hay.
Việc ôn luyện thi vào lớp 10 đã được "khởi động" từ trước Tết Nguyên Đán, nhưng càng đến gần ngày thi thì các lò luyện càng "nóng"hơn bao giờ hế. Sĩ số của các lò luyện liên tục tăng một cách chóng mặt. Ngoài việc ôn thi tại các trung tâm, nhiều học sinh còn được bố mẹ mờithầy giáo giỏi đểkèm tại nhà. Trong khi đó các em vẫn tiếp tục duy trì việc ôn thi theo kế hoạch ở trường học nên có thể nói các em... chạy đến lớp ôn liên tục từ sáng đến tối.
Các học sinh an tâm và vui vẻ khi các dạng đề thi mình hoàn thành khá tốt
"Căng mình" chạy đua, phụ huynhliệu có quên đi năng lực con mình?
Năm 2016, toàn thành phố Hà Nội có khoảng 81.500 học sinh kết thúc bậc học THCS và sẽ có 60% học sinh trong số này vào các trường THPT công lập, các học sinh còn lại sẽ vào các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường trung học chuyên nghiệp và trường ngoài công lập.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay, mỗi thí sinh có 2 nguyện vọng để dự tuyển vào hai trường khác nhau. Nên trước khi đăng ký dự thi, học sinh nên tham khảo kỹ phần điểm chuẩn trúng tuyển vào lớp 10 các năm học trước đó tại các trường mà mình đăng ký để phù hợp với năng lực của mình.
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về việc học sinh và cả phụ huynh đều hướng mục tiêu của mình vào các trường chuyên, các trường công lập nổi tiếng trên địa bàn Hà Nội khiến các trường này luôn bị quá tải. Ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho hay: Các em học sinh và cả phụ huynh đều nên lựa chọn các trường phù hợp với năng lực con em mình, đừng vì năng lực của con kém, lại không muốn con học ở trường giáo dục thường xuyên hay học nghề vì sợ "xấu hổ" bắt con mình học quá sức.
Chọn nguyện vọng phải đúng với năng lực bản thân, chứ không phải đổ xô vào trường nổi tiếng. Ở nguyện vọng 1, chọn trường mình mong muốn và tự tin thi đỗ. Nguyện vọng 2 chọn trường điểm đầu vào không cao, thấp hơn nguyện vọng 1. Nếu chọn cả hai trường điểm cao rất dễ trượt, đáng tiếc.
“Các bậc phụ huynh cầncăn cứ vào tỷ lệ chọi của các trường đừng vì "danh hiệu" bắt con mình thi vàocác trường danh tiếng để “nở mặt với thiên hạ”. Phải xác định xem sức học con mình đến đâu để chọn trường có điểm chuẩn tương ứng, thậm chí cầnthận trọng chọn trường thấp hơn một chút để tỉ lệ đỗ của con mình cao hơn. Các phụ huynh không nên quá căng thẳng khi chọn trường cho con, quan trọng không phải là vào trường nào mà chính là bản thân con mình có quyết tâm học hay không, có mong muốn để vào trường đó hay không.
Đặc biệt năm học 2016 - 2017, ở Hà Nội kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên sẽ thực hiện kết hợp thi tuyển với xét tuyển (dựa trên kết quả học tập của 4 năm học THCS). Thời gian thi diễn ra vào ngày 8.6: buổi sáng thi Ngữ văn, buổi chiều thi Toán. Đối với thí sinh thi chuyên, sẽ thi thêm môn Ngoại ngữ vào sáng 9.6; buổi chiều 9.6 và ngày 10.6 thi các môn chuyên.
Chưa kể đến việc năm nay sẽ chấm dứt tình trạng "lách luật" của các vị phụ huynh là cho con học trường thấp, sau đó hết học kỳ thì lại "chạy" cho con vào học trường cao cấp hơn, tránh kỳ thi căng thẳng cho con và tỉ lệ đỗ...gần như là không có với học sinh năng lực kém." - ông Thống trao đổi quan điểm.
Đề thi năm 2016 sẽ mang các câu hỏi có tính thực tiễn với cuộc sống, học sinh cần tìm để vận dụng kiến thức đưa ra câu trả lời hợp lý chứ không rập khuôn. Để hoàn thành tốt các đề thi này, học sinh phải thông hiểu kiến thức và có năng lực vận dụng, biết trình bày, phân tích, tổng hợp, lập luận, có tư duy, sáng tạo... chứ không phải học thuộc lòng như trước đây.
Cácphụ huynh không nên épcon em mình chạy đua vào việc "ôn luyện" vì đề thi chủ yếu dựa trên các chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9. Học sinh có thể tự ôn, hoặc ôn tập tại trường theo sự hướng dẫn của giáo viên.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội nhiều năm nay luôn căng thẳng, thậm chí được đánh giá là “căng” hơn cả thi vào đại học. Sở dĩ có tình trạng “chạy đua” như vậy là vì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu và có nhiều em học sinh điểm thi thì cao nhưng vẫn trượt trường công lập vì đã đăng ký nguyện vọng vào các trường quá cao so với năng lực bản thân.
Chia sẻ với phóng viên, anh Lê Đức Thuận - hiện đang giảng dạy ở một trường chuyên tại quận Hoàn Kiếm cho hay: Có nhiều em học sinh đăng ký học trung tâm nhưng không xin được vào lớpcó các thầy cô giáo mình muốn họcnên lại chuyển sang học rất nhiều chỗ khác nhau, ảnh hưởng tới việc tiếp thu kiến thức. Tôi khuyên các em nên chọn nơi ôn thi phù hợp, dành thời gian xem lại năng lực của mình, chọn trường cho phù hợp.
Hiện nay, đề thi áp dụng vào thực tiễn rất nhiều nên học sinh cần có khả năng tư duy cao, ngoài kiến thức thì kỹ năng là điều quan trọng nhất của học sinh lúc này.
Dạ Thảo