Chỉ cần mỗi người lớn và mỗi gia đình, quan tâm hơn đến con em mình và học từ các cháu những điều tốt đẹp mà các cháu được dạy ở trường. Được như thế thì đất nước này đã chuyển biến tích cực, không cần mít tinh, khẩu hiệu, ra quân diễu hành tếu táo.

Học trẻ con?

01/10/2017, 05:53

Chỉ cần mỗi người lớn và mỗi gia đình, quan tâm hơn đến con em mình và học từ các cháu những điều tốt đẹp mà các cháu được dạy ở trường. Được như thế thì đất nước này đã chuyển biến tích cực, không cần mít tinh, khẩu hiệu, ra quân diễu hành tếu táo.

Lâu nay chỉ nghe nói cha mẹ dạy con cái. Có khi là ông bà, cô cậu, chú bác, dì dượng… dạy cháu hoặc anh chị dạy em. Nói chung là người lớn bảo ban người nhỏ hơn, dạy dỗ con em mình. Tục ngữ chẳng có câu “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ, trăm đường con hư”. Đó là chuyện ngày xưa, thời mà trẻ con cứ nghêu ngao “Ông em tuổi đã sáu mươi. Mắt mờ, tai kém, dáng người hom hem”. “Thời @”, người ta xem 60, tuổi nhà nước quy định về hưu của đàn ông, như vừa mới trưởng thành. Rảnh rỗi, lại rủng rỉnh tiền hưu nên nhiều “ông anh” phong độ ngời ngời. Và, thời bây giờ, nhiều chuyện người lớn lại phải học trẻ con.

Con trai tôi mới hơn 5 tuổi. Cháu đang học lớp Lá mẫu giáo. Chiều qua đi đón cháu, thấy có vài bạn sún răng, tôi hỏi “Bạn sứt răng trong lớp con tên gì vậy?”. Cháu cãi ngay “Không phải sứt răng. Bạn VH bị nhổ răng sâu vì lười đánh răng”. Tôi giật mình. Thuở bé, đứa nào răng rụng sớm là bị nhạo sún hoặc sứt như một thứ khuyết tật. Còn nhổ răng sâu là việc bình thường. Gọi nhổ răng sẽ không bị chế nhạo nhưng vẫn nhắc các cháu giữ vệ sinh răng miệng để không bị sâu.

Hôm nào đi học về, cháu cũng líu lo những điều cô dạy. Rằng phải làm đúng luật giao thông. Băng qua đường phải cẩn thận, dòm trước, ngó sau. Đang chuẩn bị qua ngã tư, gặp đèn vàng là cháu la oai oai “Dừng lại!”. Thấy mấy người vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, leo lên lề là nói ngay “Mấy người này không tốt?”. “Ai bảo con như vậy?”. “Cô giáo dạy…”. Cái gì cũng một cô giáo dạy, hai cô giáo dạy. Mấy lần cháu nhắc ba mẹ “Giày dép phải để vào kệ, ngăn nắp, thẳng hàng”. “Ngồi xong phải xếp ghế lại như cũ”. “Mang đồ chơi vào cho các bạn chơi chung”

Rất nhiều thói quen tốt cháu mang từ trường về. Từ việc dọn dẹp sau khi chơi, rửa tay, đánh răng đến việc tự ăn cơm, xếp và mặc quần áo, chào hỏi mọi người, nhường đồ chơi cho bạn... Cháu sợ nhất là méc cô giáo “ở nhà chưa ngoan”. Tôi ngại nhất dẫn cháu đi chơi mà gặp chuyện trái với điều cô dạy. Cháu thắc mắc làm người lớn lúng túng, không biết trả lời thế nào cho cháu hiểu. Có lúc bí quá nói đại mà cứ lăn tăn.

Xuất phát điểm của trẻ con mẫu giáo ở Việt Nam cũng như các nước. Các em đều dễ thương, hồn nhiên, trong sáng và tốt đẹp như nhau. Nhưng từ tiểu học là bắt đầu phân hóa, cái tốt đẹp cứ phôi pha dần và hết phổ thông là nhạt nhòa. Hình ảnh thầy cô giáo cũng vậy. Những thói hư tật xấu của cuộc sống nhiều khi bị chính thầy cô và phụ huynh truyền cho các em. Nhà trường không còn là thánh đường của đạo đức mà lắm lúc trở nên xô bồ, hỗn tạp như chợ phố.

Thiên hạ đã thực hiện trí tuệ nhân tạo, thịt nhân tạo, robot có cảm xúc, xe tự lái và xe không người lái với những tiến bộ ngoài tưởng tưởng của khoa học kỹ thuật. Còn Việt Nam cứ loay hoay dọn dẹp vỉa hè, chống xả rác và tiêu tiểu ngoài đường, phát tờ rơi ngã tư, chỗ nào cũng xô đẩy chen lấn… Những chuyện vụn vặt nhưng tích lũy thành vấn nạn, chưa biết bao giờ chấm dứt. Cứ kêu ca là người Việt xấu xí với đủ thói tật. Phải gọi đích danh thủ phạm đó là “Chất lượng giáo dục” và “Năng lực quản lý”. Cùng xuất phát điểm ở mẫu giáo nhưng trưởng thành là một trời một vực.

Có người đề nghị ban hành luật phổ cấp kiến thức và đạo đức mẫu giáo cho tất cả công dân Việt Nam. Người lớn phải học lại và thực hành những điều sơ đẳng nhất của cuộc sống ở lứa tuổi mẫu giáo. Mấy người thực tế hơn thì can ngăn. Có luật cũng không ăn thua. Việt Nam có cả rừng luật nhưng cái chính là có luật cho vui. Nhiều luật chẳng ai nhớ, kể cả người biên soạn, nói chi việc thực thi. Không cần ban hành luật, tốn bạc tỉ, mất thời gian mà kém hiệu quả.

Chỉ cần mỗi người lớn và mỗi gia đình, quan tâm hơn đến con em mình và học từ các cháu những điều tốt đẹp mà các cháu được dạy ở trường. Được như thế thì đất nước này đã chuyển biến tích cực, không cần mít tinh, khẩu hiệu, ra quân diễu hành tếu táo.

Trần Trung Dân

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trẻ con?